Vì sao kênh đầu tư chứng khoán trở nên nhạy cảm trên phạm vi toàn cầu?

Vì sao kênh đầu tư chứng khoán trở nên nhạy cảm trên phạm vi toàn cầu?

(ĐTCK) Ngay trong ngày 11/10/2018, trước hiện trạng chỉ số chứng khoán trên 2 sàn đỏ lửa, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ về tình hình thị trường.

Theo UBCK, việc chứng khoán rơi mạnh trong phiên 11/10 là do ảnh hưởng cộng dồn của nhiều yếu tố, đặc biệt là sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, căng thẳng thương mại quốc tế. Ảnh hưởng này mang tính phản ứng tâm lý, bởi phiên liền sau đó, 12/10/2018, chỉ số chứng khoán trên cả 2 sàn đều bật tăng.

Theo UBCK, trong quý I và nửa đầu quý II, TTCK Việt Nam đi lên mạnh mẽ nhờ những thông tin vĩ mô tích cực, sau khi lập đỉnh vào ngày 9/4/2018, kể từ cuối tháng 4 đến hết tháng 7, TTCK Việt Nam chứng kiến đợt điều chỉnh khá mạnh.

Đặc biệt, ngày 11/10, TTCK Việt Nam giảm điểm mạnh do sự cộng dồn ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Thứ nhất, chịu ảnh hưởng lan tỏa từ sự lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Trong ngày 10/10, TTCK Mỹ đã giảm 3,15% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2018. Sang ngày 11/10, TTCK châu Âu và châu Á đồng loạt giảm mạnh: TTCK Anh giảm 1,39%; TTCK Pháp giảm 1,19%; TTCK Đức giảm 0,88%; TTCK Nhật Bản giảm 3,96%; Hồng Kông giảm 3,73%; Trung Quốc giảm 5,22%; Hàn Quốc giảm 4,44%; Singapore giảm 2,71%; Thái Lan giảm 2,42%; Malaysia giảm 1,76%...

Bối cảnh TTCK quốc tế như vậy là một trong những nguyên nhân chính khiến VN-Index đột ngột giảm mạnh trong phiên 11/10.

Vì sao kênh đầu tư chứng khoán trở nên nhạy cảm trên phạm vi toàn cầu?

Theo UBCK, thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trên bình diện quốc tế, kênh đầu tư chứng khoán trở nên kém hấp dẫn hơn khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 7 năm vào cuối tuần qua (trên 3,1%). Cùng với đó, trong năm 2018, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 3 lần nâng lãi suất (hiện ở mức 2-2,25%) và dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần vào tháng 12 năm nay, thêm 3 lần trong năm 2019 và 1 lần trong năm 2020 vì dự báo kinh tế Mỹ sẽ có ít nhất 3 năm tăng trưởng.

Thứ hai, căng thẳng leo thang trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Đến nay, sau 2 lần thực hiện áp thuế, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu tổng cộng lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ để đáp trả.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu chấm dứt và đã có những lo ngại cho rằng, nếu không được kiềm chế, sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Thứ ba, lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu gia tăng khi IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần đầu tiên trong 5 năm trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của cả thế giới.

Theo báo cáo mới công bố, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 3,7% trong năm nay và năm tới, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đây. Những dự báo này cũng tác động tâm lý nhà đầu tư, họ sẽ có xu hướng thận trọng hơn trong đầu tư chứng khoán khi cảm nhận về khả năng giảm tốc của nền kinh tế nói chung.

Thứ tư, xu hướng thắt chặt tiền tệ của một số NHTW các nước vẫn tiếp diễn, khiến đồng tiền của nhiều nước mới nổi mất giá mạnh. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Indonesia và Ấn Độ liên tục lao dốc và có thời điểm giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng có xu hướng giảm giá trở lại trong những ngày gần đây. Khủng hoảng tiền tệ diễn ra ở nhiều nước mới nổi làm các nhà đầu tư lo ngại sẽ lan tỏa đến thị trường tài chính toàn cầu.

Thứ năm là sự sụt giảm của giá dầu đã tác động đến nhóm cổ phiếu ngành dầu khí. Giá dầu đã giảm 3,5% trong 2 ngày, mức giảm mạnh nhất 3 tháng khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng vượt dự báo do ảnh hưởng của cơn bão Micheal. Trên nhiều thị trường, cổ phiếu ngành dầu khí chiếm tỷ trọng không nhỏ trong quy mô vốn hóa.

Biến động của TTCK quốc tế luôn có ảnh hưởng nhạy cảm đến TTCK Việt Nam. Trong bối cảnh nội lực của TTCK Việt Nam chưa thật vững, không ít nhà đầu tư chứng khoán vẫn chủ yếu đầu tư theo tâm lý để tìm kiếm chênh lệch ngắn hạn.

Việc dõi theo biến động trên thị trường quốc tế, đặc biệt là TTCK Mỹ để quyết định mua hay bán trên TTCK Việt Nam đã trở thành thói quen của nhiều nhà đầu tư bám sàn.

Để TTCK Việt Nam bước đi vững chắc hơn, đòi hỏi cả bên cung và bên cầu đều phải vững. Về phía cung, nhà quản lý cần có những giải pháp nâng cấp chất lượng doanh nghiệp, hàng hóa trên sàn.

Về phía cầu, cần phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là các tổ chức đầu tư. Đây là 2 trong nhiều định hướng chiến lược mà Chính phủ đặt ra với ngành chứng khoán từ năm 2012 trong tầm nhìn đến 2020.         

Tin bài liên quan