Vì sao hàng trăm cổ phiếu UPCoM không có giao dịch?

Vì sao hàng trăm cổ phiếu UPCoM không có giao dịch?

(ĐTCK) Phiên giao dịch mở đầu tháng 9/2017, có 390 cổ phiếu trên sàn UPCoM không có giao dịch. Thanh khoản UPCoM thực tế liên tục tăng trong các năm qua, nhưng gần 2/3 cổ phiếu trên sàn này bị “ngó lơ” là tín hiệu không mấy tích cực.

Phần lớn lên sàn là… “nằm im”

Như thường lệ, trước kỳ nghỉ lễ thường là phiên giao dịch không sôi động của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực trạng ảm đạm và mất thanh khoản của hàng trăm cổ phiếu trên sàn UPCoM không phải mới diễn ra và sự lệch pha về thanh khoản càng rõ khi lượng cổ phiếu lên sàn này ngày càng nhiều.

Với 621 loại hàng hóa khác nhau trên sàn này tính đến cuối tháng 8, thống kê của HNX cho biết, luôn có trên 300 loại cổ phiếu hoàn toàn “trắng” thanh khoản mỗi phiên. Đặc biệt, có đến 174 cổ phiếu nằm “bất động” trên UPCoM trong suốt cả tháng này. Các con số trên đều cao hơn 7 tháng trước đó.

Tính từ đầu năm, UPCoM đã đón 209 doanh nghiệp và giống các năm trước, phần lớn trong số này cứ lên sàn là… “nằm im”. Tất nhiên, UPCoM cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp đáng chú ý được nhà đầu tư quan tâm, đóng góp chính cho thanh khoản toàn sàn. 8 tháng, khối lượng giao dịch UPCoM đạt 1,75 tỷ đơn vị, tăng trưởng 25%, tổng giá trị giao dịch tương ứng đạt 30.736 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ.

Theo quy định, sàn UPCoM phải “thu nạp” cả các dạng doanh nghiệp thua lỗ nặng, gặp nhiều vấn đề, bị buộc lên UPCoM sau khi bị hủy niêm yết. Loại “hàng mới” này không giúp UPCoM tiến bộ chút nào về thanh khoản, khi doanh nghiệp yếu, hàng hóa không ai quan tâm.

Cổ phiếu trên UPCoM có cách nào sôi động?

Thực tế, dù gia tăng nhanh chóng cả về quy mô lẫn chất lượng hàng hóa, UPCoM vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư gặp khó khăn khi giao dịch, dẫn tới việc nhà đầu tư “đắn đo” để giải ngân vào các cổ phiếu trên sàn này.

Khó khăn đầu tiên là cơ hội mua cổ phiếu. Đa phần doanh nghiệp UPCoM là doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa với tỷ lệ vốn nhà nước còn quá cao, nên lượng cổ phiếu được tự do chuyển nhượng thấp, do đó cả tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân đều khó mua.

Không khó để điểm tên nhóm doanh nghiệp này. Chẳng hạn, nhóm kinh doanh thua lỗ trong quá khứ và lên sàn với tài chính bết bát như Đạm Hà Bắc (DHB), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP (DTK)… Một số cái tên khác có vốn hóa lớn nhưng cũng có tình trạng giao dịch ảm đạm trên sàn là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HAN), Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP (KSV), Cao su Bà Rịa (BRR)…

Ở nhóm các doanh nghiệp có nền tảng tốt hơn, theo phản ánh từ bộ phận môi giới một số công ty chứng khoán, đa số mới đăng ký giao dịch trong hơn 1 năm trở lại đây, nên chưa nhiều nhà đầu tư biết đến. Trong khi đó, thông tin về các cổ phiếu UPCoM nói chung còn thiếu, khiến nhà đầu tư thiếu thông tin để ra quyết định.

Trên thực tế, quy định công bố thông tin của UPCoM “lỏng” hơn sàn niêm yết khá nhiều. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu là ý thức chấp hành doanh nghiệp không tốt, trong khi nhà quản lý cũng không “mạnh tay” xử lý, bởi cơ chế khuyến khích doanh nghiệp gia nhập sàn này trong giai đoạn trước. Tính minh bạch của doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM khó có sự cải thiện rõ rệt.

Một vấn đề khác, sàn UPCoM cho phép những màn tăng giá sốc khi biên độ giá lên tới 15%/phiên và 40% cho ngày giao dịch đầu tiên. Đây là điểm được đánh giá vừa là cơ hội, nhưng cũng ẩn chứa rủi ro không nhỏ, bởi nhà đầu tư lo ngại với cung - cầu không song hành do cơ cấu cổ đông cô đặc, thị trường dễ trở thành mảnh đất cho những thương vụ làm giá.

Tiếp đó, một yếu tố mang tính kỹ thuật ảnh hưởng tới giao dịch tại UPCoM là các cổ phiếu sàn này hiện chưa được cho phép thực hiện cơ chế giao dịch ký quỹ (margin). Mở dòng tiền margin vào UPCoM cũng là vấn đề còn gây nhiều tranh luận.

Cuối cùng, vấn đề khó khăn nhất, đến từ ý chí của doanh nghiệp, đó là việc nhiều công ty đại chúng hiện nay lên sàn chỉ mang tính chất hình thức (đáp ứng các quy định pháp luật). Vì lẽ đó, lãnh đạo không quan tâm tới diễn biến thị trường, cổ phiếu ít được quan tâm, kém thanh khoản, thậm chí, thị giá xuống thấp, không phản ánh đúng hoạt động kinh doanh của công ty cũng “không sao”.

Chủ tịch một doanh nghiệp ngành hóa chất trên sàn này từng chia sẻ, đa số cổ đông của doanh nghiệp là cán bộ công nhân viên, nên cổ phiếu ít được bán - mua.

Có doanh nghiệp “sợ” bị thâu tóm và cho rằng không có nhu cầu huy động vốn, nên liên tục trì hoãn chuyện lên sàn. Dễ hiểu, nếu doanh nghiệp này lên sàn và có thể “không muốn” cổ phiếu có giao dịch “quá sôi động”.

Sau tất cả các lý do trên, vẫn có một nhóm doanh nghiệp mong muốn cổ phiếu có thanh khoản để thực hiện huy động vốn, tuy nhiên, chưa biết cách thực hiện công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) hiệu quả. Với nhóm này, tới đây, cơ hội sẽ lớn hơn khi cơ chế tạo lập thị trường đã chính thức có hiệu lực tại HNX.

Tin bài liên quan