Tính đến ngày 29/9, mới có 6 doanh nghiệp đăng ký công bố thông tin bằng tiếng Anh trên HOSE

Tính đến ngày 29/9, mới có 6 doanh nghiệp đăng ký công bố thông tin bằng tiếng Anh trên HOSE

Vì sao doanh nghiệp “khó” công bố thông tin bằng tiếng Anh?

(ĐTCK) Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã ban hành Quyết định số 340 về Quy chế công bố thông tin tại HOSE, thay thế cho Quyết định số 07/2013, Quyết định 285/2014 và Quyết định 158/2015 về Quy chế công bố thông tin và sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế công bố thông tin tại Sở.

Tại quy chế mới, HOSE khuyến khích các đối tượng thực hiện công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó, nội dung tiếng Anh chỉ mang tính tham khảo. Tuy nhiên, với tổ chức niêm yết, công ty chứng khoán thành viên, công ty quản lý quỹ, quỹ đại chúng niêm yết, quỹ hoán đổi danh mục, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng niêm yết phải thực hiện đăng ký lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh trước ngày 1/10/2016. Các đối tượng tham gia thị trường sau ngày 1/10/2016 thực hiện đăng ký lộ trình thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh ngay sau khi được chấp thuận niêm yết, chấp thuận là thành viên của HOSE.

Thời điểm thực hiện việc đăng ký chỉ còn tính bằng ngày, nhưng theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, số lượng các doanh nghiệp thông báo đăng ký công bố thông tin bằng tiếng Anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, tính đến ngày 29/9, mới có 6 doanh nghiệp đăng ký công bố thông tin bằng tiếng Anh trên HOSE là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (mã SSI), CTCP Chứng khoán TP. HCM (mã HCM), CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã DMC), CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM), CTCP Thế giới số (mã DWG) và CTCP Cát Lợi (mã CLC).

Thực tế, không phải doanh nghiệp không quan tâm đến việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, bởi hiện tại, hầu hết website của các doanh nghiệp niêm yết đều có phiên bản bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, các thông tin theo quy định phải công bố định kỳ hoặc bất thường tới thị trường và cổ đông bằng tiếng Anh lại chưa được cập nhật thường xuyên. Diễn biến này làm hạn chế khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài đối với chính doanh nghiệp, từ đó khiến thị trường gặp bất lợi trong nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại, cũng như đáp ứng yêu cầu về minh bạch và hội nhập ngày một sâu rộng với TTCK quốc tế.

Vì sao các doanh nghiệp khó công bố thông tin bằng tiếng Anh? Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự chênh lệch về mặt bằng về quy mô và trình độ phát triển của doanh nghiệp là một trong những rào cản. Chẳng hạn, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có khả năng đáp ứng khá tốt yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh, nhưng các doanh nghiệp quy mô nhỏ niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) gặp không ít khó khăn trong đáp ứng yêu cầu này.

Bên cạnh đó, như nhận định của một số chuyên gia chứng khoán, việc doanh nghiệp chậm trễ thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh còn đến từ sự “nhún nhường” của cơ quan quản lý. Cho đến nay, sau 16 năm hoạt động của TTCK, vẫn chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm công bố thông tin bằng tiếng Anh với các doanh nghiệp niêm yết. Vị chuyên gia này cho hay, trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán hồi năm ngoái, nhiều ý kiến mạnh mẽ yêu cầu buộc các doanh nghiệp lớn đang niêm yết phải công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Quy định này đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp nhận thông tin, đồng thời giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin về doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời hỗ trợ thị trường gia tăng sự minh bạch, khi đang trong quá trình nỗ lực nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, trước phản ứng của các đối tượng chịu sự điều chỉnh pháp lý, nhà quản lý đành nhượng bộ và tại Thông tư 155/2015 (thay thế Thông tư 52/2012) chỉ yêu cầu Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán công bố thông tin bằng tiếng Anh, còn các đối tượng khác dừng ở mức khuyến khích.

Theo thông lệ, ở những quốc gia mà ý thức về quản trị công ty còn yếu kém như Việt Nam, nhà quản lý thường đưa ra các quy định mang tính áp đặt, cưỡng chế thực thi để “nắn” các chủ thể tham gia thị trường vào khuôn khổ. Hệ quả của việc này là số lượng doanh nghiệp bị cảnh báo, xử phạt sẽ nhiều hơn, nhưng cũng từ đó các doanh nghiệp phải có ý thức cao hơn và đầu tư nghiêm túc hơn cho công tác công bố thông tin công bằng đến tất cả.

TTCK Việt Nam đang hướng đến mục tiêu được MSCI nâng hạng, mục tiêu được các dòng vốn ngoại tìm đến và gia tăng đầu tư, việc thúc các doanh nghiệp nâng chuẩn công bố thông tin bằng ngôn ngữ quốc tế càng làm sớm càng tốt. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp bớt cảm thấy đây là bài toán quá khó, theo ý kiến từ nhiều thành viên thị trường, các Sở GDCK nên có bộ phận tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong những năm đầu tiên áp dụng quy chuẩn mới.   

Tin bài liên quan