VFM sắp IPO quỹ ETF dựa trên chỉ số Vietnam Diamond Index

VFM sắp IPO quỹ ETF dựa trên chỉ số Vietnam Diamond Index

(ĐTCK) Ngân hàng, bán lẻ và công nghệ là các ngành chiếm tỷ trọng cao trong danh mục của quỹ ETF VFMVN Diamond. Trong đó, những cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất bao gồm MWG, FPT, VPB, TCB và MBB. Đây cũng là các cổ phiếu có nhiều tiềm năng với đội ngũ lãnh đạo được tin cậy, là sự lựa chọn hàng đầu khi các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc tại thị trường vốn Việt Nam.

Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) sắp sửa tiến hành IPO quỹ ETF đầu tiên mô phỏng chỉ số Vietnam Diamond Index.

Sau khi IPO thành công, VFM sẽ tiến hành niêm yết quỹ ETF VFMVN Diamond trên sàn HOSE.

Với đặc điểm ưu việt của các quỹ ETF là chứng chỉ quỹ được niêm yết nên nhà đầu tư có thể mua trực tiếp trên sàn theo giá trị iNAV cập nhật trực tiếp.

Theo chia sẻ của VFM, ETF VFMVN Diamond nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài bởi Diamond ETF sẽ là một công cụ hữu hiệu và nhanh chóng để nhà đầu tư có thể đầu tư gián tiếp vào nhiều công ty được ưa thích tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

VFM dự tính, các định chế tài chính nước ngoài sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào Quỹ.

Chỉ số Vietnam Diamond Index là một trong 3 chỉ số mới do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào vận hành, bao gồm 14 cổ phiếu thành phần, đều là các công ty lớn đầu ngành, đại diện cho 13% tổng giá trị vốn hóa và 16% tổng giá trị giao dịch của sàn HOSE.

Đây là chỉ số được đánh giá là hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vì rổ chỉ số bao gồm các cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài không mua được thêm do đã chạm giới hạn về sở hữu nước ngoài.

Nếu muốn mua, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể mua thỏa thuận với nhà đầu tư nước ngoài khác với giá cao hơn từ 7 - 40% giá thị trường.

Thống kê trên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 20% giá trị tổng vốn hoá, chiếm tỷ trọng giao dịch 13 - 15%/năm giao dịch toàn thị trường.

Chính vì vậy, động thái và xu hướng giao dịch của khối ngoại ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường, nhất là tâm lý các nhà đầu tư cá nhân.

Với đặc tính “nhanh, nhạy”, dòng vốn ETF cũng được xem là chỉ báo về dòng vốn ngoại trên thị trường.

Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm đến với dòng tiền từ các quỹ ETF, hút ròng lớn nhất là VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và ETF VFMVN30.

Cụ thể, VNM ETF mua ròng khoảng 101 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 442,8 triệu USD, với danh mục phân bổ 71% vào các cổ phiếu.

Không kém cạnh, ETF VFMVN30 (E1VFVN30) cũng mua ròng 101 triệu USD. Tại ngày 30/12/2019, NAV ETF VFMVN30 đạt 6.669 tỷ đồng, tăng 2.452 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2018. Trong 3 năm liên tiếp 2017 - 2019, ETF VFMVN30 hút ròng 263 triệu USD, gần 6.100 tỷ đồng.

Thành công của ETF VFMVN30 cho thấy, có nhiều tiềm năng của sản phẩm đầu tư thụ động theo chỉ số tại Việt Nam.

Các sản phẩm đầu tư thụ động đã và đang trở thành một phần quan trọng không thể thiếu tại các thị trường tài chính đã phát triển. Việt Nam chắc chắn cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Tuy nhiên, VN30 Index là chỉ số rộng, bao quát toàn thị trường, thích hợp với các nhà đầu tư muốn có độ phủ vào cả thị trường vốn Việt Nam và dàn trải qua nhiều ngành.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm nhà đầu tư, VFM đã cho ra đời quỹ ETF VFMVN Diamond với hy vọng sẽ tạo ra nhiều công cụ hiệu quả và đặc biệt có chi phí thấp.

Hiện tại, VFM vẫn chưa có kế hoạch phân phối quỹ ETF VFMVN Diamond tại nước ngoài như đã làm với ETF VFMVN30.

Trước mắt, VFM muốn tập trung vào việc quản lý quỹ chu đáo và hiệu quả để phục vụ các khách hàng trong nước và ngoài nước muốn mua chứng chỉ quỹ tại Việt Nam.

VFM nhận định, Việt Nam vẫn đang là điểm sáng trên bản đồ thế giới về tiềm năng phát triển.

Theo khảo sát của Reuters đối với 177 nhà kinh tế trên toàn cầu, có tới 71% số người tham gia dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ giảm sút trong năm 2020.

Trong thăm dò này, tăng trưởng kinh tế của cả thế giới đều bị đánh giá sẽ hạ nhiệt, ngoại trừ 4 nước, trong đó có Việt Nam.

Với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty tốt, thị trường vốn Việt Nam vẫn được coi là một điểm nhấn trong bối cảnh khu vực.             

Tin bài liên quan