Về tay chủ ngoại, công ty chứng khoán “thay da, đổi thịt”

Về tay chủ ngoại, công ty chứng khoán “thay da, đổi thịt”

(ĐTCK) Dấu hiệu rõ nhất là vốn điều lệ của các công ty chứng khoán này tăng nhanh và mạnh, hiện đều thuộc Top dẫn đầu thị trường. Đi kèm với tăng trưởng về vốn, hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng được cải thiện. 

Tăng vốn thần tốc

Xét về vốn điều lệ, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) vẫn là công ty dẫn đầu thị trường với con số hơn 5.235 tỷ đồng. Tiếp đó là Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) với 4.300 tỷ đồng.

Một số công ty chứng khoán ngoại khác có số vốn điều lệ nghìn tỷ là Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) với 1.897 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) 1.675 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) 1.056 tỷ đồng và Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) 1.000 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Shinhan có vốn điều lệ mấp mé nghìn tỷ đồng, ở mức 812 tỷ đồng.

Về tay chủ ngoại, công ty chứng khoán “thay da, đổi thịt”  ảnh 1

Quá trình tăng vốn từ 2016 đến nay.

Trong số công ty chứng khoán có tốc độ tăng vốn nhanh nhất, MAS là cái tên gây chú ý. Từ năm 2015 trở về trước, MAS không tăng vốn và giữ ở mức 300 tỷ đồng, nhưng đã vọt lên 4.300 tỷ đồng chỉ sau 3 năm. Cụ thể, năm 2016 tăng lên 700 tỷ đồng, tới năm 2017 là 2.000 tỷ đồng và sang năm 2018 là 4.300 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, MAS dự kiến tiếp tục tăng vốn trong năm nay. Theo kế hoạch, trong tháng 10/2019, Công ty mẹ là Mirae Asset Securities (HK) Limited sẽ góp thêm 1.155,5 tỷ đồng vốn vào MAS ngay khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu hoàn thành đợt tăng vốn này, MAS sẽ vượt qua SSI để trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Với KBSV, sau khi hoàn tất tăng vốn đợt 1 và gia nhập câu lạc bộ công ty chứng khoán có vốn nghìn tỷ đồng, công ty chứng khoán này tiếp tục có kế hoạch tăng vốn đợt 2 lên 1.680 tỷ đồng trong năm 2019. Tương tự, YSVN đang trong lộ trình tăng vốn thêm 500 tỷ đồng, lên mức 1.500 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh cải thiện

Được bơm “tiền tươi, thóc thật”, hoạt động kinh doanh của những công ty chứng khoán ngoại đã dần cải thiện, thứ hạng thị phần thay đổi rõ rệt, nhiều cái tên đã nằm trong Top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất.

Về tay chủ ngoại, công ty chứng khoán “thay da, đổi thịt”  ảnh 2

Đơn cử, tại KBSV, nếu như giai đoạn 2014-2017 có kết quả kinh doanh đi xuống, thì bước sang năm 2018, nhờ thị trường khởi sắc và nguồn lực tài chính được củng cố, KBSV đạt doanh thu 270 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 35 tỷ đồng và tăng lên hơn 52 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.

Tương tự, nếu MAS lãi chỉ gần 21 tỷ đồng trong năm 2016, thì trong giai đoạn 2017-2018 đã tăng lên 119 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2019, MAS ghi nhận 181 tỷ đồng lãi sau thuế.

Với Yuanta Việt Nam, vì mới tăng vốn trong năm 2018 nên hiệu quả chưa phản ánh ngay, lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng trong năm này.

Tuy nhiên, kết thúc nửa đầu năm 2019, con số lợi nhuận của công ty chứng khoán cũng đã tăng lên 9 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cả năm 2018.

Có thể thấy, bên cạnh kinh nghiệm về thị trường, quản trị rủi ro, khách hàng, sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo, phái sinh…., thế mạnh lớn nhất của những công ty chứng khoán ngoại là có nguồn vốn giá rẻ từ tập đoàn mẹ.

Nhờ đó, các công ty chứng khoán này có thể đẩy mạnh được 2 mảng hoạt động chính là môi giới và cho vay margin.

Tại KBSV, đầu tháng 9/2019, Công ty đã ký kết thỏa thuận hợp tác tài trợ vốn với Ngân hàng Kookmin Bank Tokyo (Nhật Bản), tổng giá trị lên đến 50 triệu USD để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, trong đó có các hoạt động của khối nguồn vốn và hỗ trợ các gói vay margin. Đến đầu tháng 10 này, KBSV đưa ra gói 200 tỷ đồng cho vay margin ưu đãi KB Super Dream.

Đối với MAS, năm 2019, Công ty hoàn thiện hệ thống My Asset - Home Trading System (HTS, hỗ trợ các thao tác giao dịch của khách hàng) tại Việt Nam, dựa trên hệ thống của Tập đoàn mẹ tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, trong định hướng của mình, MAS cũng sẽ tập trung phát triển mảng ngân hàng đầu tư, hỗ trợ công ty phát hành trái phiếu, huy động vốn từ thị trường. MAS cũng là công ty chứng khoán “chịu chơi” khi tung ra gói cho vay với lãi suất từ 9,5%/năm - mức cạnh tranh nhất thị trường hiện nay, dành cho các tài khoản mới mở từ nay đến cuối năm.

Tương tự, KIS được vay 30 triệu USD không tài sản đảm bảo từ Công ty mẹ tại Hàn Quốc. Thời hạn khoản vay là 1 năm (6/2019-6/20220) với lãi suất từ 4-4,99%/năm.

Với sự bổ sung nguồn lực tài chính một cách mạnh mẽ, nhanh chóng, các công ty chứng khoán vốn ngoại đã và đang góp phần thiết lập lại cuộc chơi thị phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, các công ty chứng khoán trong nước có chuyển động chậm hơn.

Được biết, một số công ty chứng khoán thuộc nhóm dẫn đầu đã có động thái chuẩn bị cho một sự bứt phá, dự báo sẽ có sự thay đổi lớn cả về nền tảng, nội lực và hệ thống khách hàng với nhà đầu tư và dòng tiền mới vào công ty.

Về tay chủ ngoại, công ty chứng khoán “thay da, đổi thịt”  ảnh 3
Tin bài liên quan