VCB: Có còn không gian tăng giá?

VCB: Có còn không gian tăng giá?

(ĐTCK) Cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang có giá thị trường ở mức cao khi so sánh tương quan với các cổ phiếu cùng ngành thông qua chỉ số P/B: 3,3 lần so với trung bình ngành ngân hàng hiện tại là 1,47 lần. 

Để định giá một ngân hàng, trước tiên cần phải xem xét tình trạng cả hệ thống ngân hàng nói chung. Năm 2018, các chỉ số ngành ngân hàng ghi nhận đỉnh cao mới, khi toàn hệ thống có mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 40%, huy động vốn tăng 14,6%, tín dụng tăng 17,6%, xử lý được 30% nợ xấu so với năm 2017, tỷ lệ nợ xấu giảm còn khoảng 2,4%.

Sang năm 2019, Fed công bố sẽ kiên nhẫn hơn trong việc gia tăng lãi suất, chiến tranh thượng mại Mỹ - Trung có những thỏa thuận tích cực…, góp phần giúp lãi suất và tỷ giá ổn định, nhất là khi nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam dồi dào, vốn FDI giải ngân tăng. Đây là một trong những dấu hiệu sáng, giúp ổn định hệ thống ngân hàng. Với VCB, một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước, thì đây là sự hỗ trợ đáng kể để phát triển. Trong năm 2018, lợi nhuận trước thuế của VCB tăng 63%, đạt 18.300 tỷ đồng, cao nhất trong ngành.

Một đặc thù của ngành ngân hàng là mức độ cạnh tranh cao, nhưng các ngân hàng lớn đa phần hoạt động đều có lợi nhuận tăng trưởng. Vậy bên trong VCB có gì và so với các ngân hàng khác như thế nào? Theo người viết, điều làm nên chất lượng và phát triển một cách lâu dài của một ngân hàng là việc quản trị rủi ro và quản trị chi phí phải được đặt lên hàng đầu. 

Quản trị rủi ro thanh khoản

Hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) không được sử dụng quá 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, đồng thời gia tăng hệ số rủi ro với hai loại hình trên, khiến các NHTM phải giảm cho vay trung và dài hạn. Thông thường, dư nợ có kỳ hạn càng dài thì rủi ro càng cao, do đó một ngân hàng tập trung cho vay ngắn hạn thì mức độ phân tán sẽ cao hơn và độ rủi ro thấp hơn.

Ở VCB, tỷ lệ nợ ngắn hạn là 54% trên tổng dư nợ, thuộc nhóm dẫn đầu trong việc giảm gánh nặng nguồn vốn ngắn hạn. Còn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 16% (tính theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 19/2017/TT-NHNN), so sánh với các ngân hàng khác thì đây là mức thấp nhất. Tỷ lệ này càng nhỏ, ngân hàng càng tránh được rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng có tỷ lệ này cao đều gặp áp lực huy động vốn trung và dài hạn.

 Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn năm 2018.

Một chỉ số khác là dư nợ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng (LDR), thông thường, tỷ lệ này càng cao thì khả năng sinh lời của ngân hàng càng lớn, nhưng rủi ro thanh khoản cao hơn. Vậy tại sao tỷ lệ này tại VCB ở mức 79%, thấp hơn nhiều ngân hàng khác, nhưng lại có lợi nhuận cao nhất hệ thống? Đây chính là lợi thế cạnh tranh của VCB, một phần ở nguồn chi phí vốn giá rẻ, phần còn lại là do cơ chế dịch chuyển dần nguồn thu sang mảng dịch vụ bán lẻ.

 Tỷ lệ dự phòng nợ xấu của các ngân hàng năm 2018

Quản trị rủi ro tín dụng

Rủi ro tín dụng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng trong dài hạn. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang phải xử lý các khoản tổn thất, các khoản nợ xấu trong giai đoạn trước đây. NHNN đã hỗ trợ các ngân hàng bằng cách cho phép bán một phần nợ xấu cho VAMC (công ty chuyên mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng). Phần nợ xấu đã bán không còn nằm trong bảng cân đối tài sản, nhưng ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm thu hồi nợ và hằng năm phải trích lập 20% cho khoản nợ đã bán sẽ tất toán trong vòng 5 năm.

 Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết năm 2018.

Nhờ sự phát triển ổn định của nền kinh tế, các ngân hàng kinh doanh thuận lợi, nên một số ngân hàng có tiềm lực vững mạnh đã mua lại trước hạn khoản nợ đã bán cho VAMC, điển hình là VCB, TCB, MB, VIB, OCB, ACB. Trong đó, VCB là ngân hàng mua lại nợ xấu nhanh nhất. Chính vì thế, VCB càng có nhiều thời gian để củng cố vị thế, xây dựng các kế hoạch để tăng trưởng trong tương lai. Thậm chí, ngoài nợ xấu ngoại bảng đã được xử lý thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng được VCB đưa về quanh mức 1%.

 Tỷ lệ nợ ngắn hạn trên dư nợ cho vay khách hàng năm 2018.

Mặc dù nợ xấu được duy trì ở mức thấp, nhưng VCB vẫn thận trọng khi đưa mức trích lập dự phòng cho nợ xấu, hay gọi là tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao là 165%, cao nhất trong các tổ chức tín dụng. Đây vừa là một lớp phòng vệ rủi ro tín dụng tối ưu, vừa đóng vai trò như một nguồn thu nhập dự trữ để VCB lấy ra dùng khi cần thiết.

 Tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân/tổng dư nợ cho vay khách hàng năm 2018.

Ngoài ra, các khoản nợ của VCB hầu hết được đảm bảo bằng tài sản là bất động sản và các loại tiền gửi ít rủi ro (khoảng 70%). Tính đến tháng 12/2018, dư nợ cho vay của VCB là 622.358 tỷ đồng, trong khi kiểm toán xác định giá trị ghi sổ của khối tài sản đảm bảo mà VCB nắm giữ tới 1.049.895 tỷ đồng, trong đó khoảng 739.039 tỷ đồng là bất động sản và tiền gửi. Nhìn chung, tỷ lệ này chỉ ở mức khá khi so sánh với sự “ăn chắc mặt bền” của CTG và ACB. Điều này nhằm đảm bảo tình huống xấu nhất khi khách hàng không trả được nợ sẽ bị thanh lý tài sản ngay với mức giá bằng hoặc hơn khoản nợ đó.

 Tỷ lệ tiền gửi và cho vay trên thị trường liên ngân hàng năm 2018.

Nhưng liệu những khoản nợ ấy có liên quan đến loại hình cho vay bất động sản, vốn là loại hình có hệ số rủi ro cao 200% và bị Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng? Nếu giả định toàn bộ dư nợ cho vay khác là dư nợ bất động sản thì dư nợ này chiếm tỷ trọng 30% tổng dư nợ và giá trị tài sản đảm bảo gấp nhiều lần nên tỷ lệ này được coi là an toàn.

Chi phí trả lãi tiền gửi/tiền vay/giấy tờ có giá trên tổng nguồn huy động năm 2018. 

Khi “room” tín dụng giảm dần, các ngân hàng phải tăng tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập hoạt động phi tín dụng tại VCB năm 2018 tăng từ 25% lên 28% và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 34%. Mặc dù vậy, thu nhập từ lãi thuần vẫn chiếm khoảng 72% tổng thu nhập. Đối với một ngân hàng quốc doanh quy mô lớn như VCB (Nhà nước sở hữu chi phối), việc “lái” con tàu đi theo hướng mới cần nhiều thời gian hơn các ngân hàng tư nhân nhỏ hơn như VIB, VPB, ACB, MBB…, mặc dù chủ trương đã bắt đầu từ năm 2013. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, tín dụng vẫn là mảng cốt lõi của các ngân hàng.

Quản trị chi phí

Lãi suất cho vay không cao, nhưng VCB lại có lợi nhuận rất tốt. Bài toán này nằm ở nguồn vốn giá rẻ mà VCB có được - lãi suất trả cho huy động thấp. Và trên hết là nhờ áp dụng mô hình “mua buôn, bán lẻ”.

Ban đầu, VCB là một ngân hàng có thế mạnh bán buôn, việc tập trung cho vay các tổ chức kinh tế từ giai đoạn mới thành lập giúp Ngân hàng ích lũy được các nguồn lực mà ít ngân hàng khác có được. VCB có mối quan hệ gắn bó với nhiều doanh nghiệp, từ đó mở rộng mạng lưới, trở thành hình ảnh thương hiệu trong mắt các tổ chức lớn trong nền kinh tế. Điều này một phần giúp VCB tiếp nhận được nguồn vốn giá rẻ không kỳ hạn của khách hàng - chiếm khoảng 23% tổng huy động (chi phí thấp hơn nhiều so với nguồn tiền gửi có kỳ hạn), trong khi mạng lưới rộng với tệp khách hàng lớn khiến Ngân hàng ít phải tìm nguồn khách hàng mới, mà chỉ tập trung tối ưu các khách hàng cũ đã có quan hệ tín dụng hoặc tiền gửi.

Ngoài nguồn tiền gửi của khách hàng luôn là kênh quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng huy động, các ngân hàng có vốn nhà nước như VCB, CTG, BID còn được NHNN tập trung gửi gắm các khoản tiền gửi (đây là một trong những nguồn vốn giá rẻ). Năm 2018, tại VCB, tỷ lệ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và NHNN chiếm khoảng 9% tổng huy động. Trong khi đó, tỷ lệ này tại BID là 9%, CTG là 6%, TCB là 2%, ACB, VIB, VPB, MBB cùng là 1%.

VCB cũng là ngân hàng huy động và cho vay bằng USD lớn nhất trong các tổ chức tín dụng, với tỷ lệ quy đổi ra VND lần lượt là 141.000 tỷ đồng và 97.000 tỷ đồng, tính đến quý III/2018. Việc huy động USD với mức lãi suất 0% theo quy định của Nhà nước, trong khi lãi suất cho vay USD phổ biến từ 2,8 - 4,7%/năm đối với ngắn hạn, từ 4,5 - 6%/năm đối với trung và dài hạn đã tạo ra một hoạt động cho vay sinh lời lớn mà hầu như không phải mất chi phí. Ví dụ điển hình là thương vụ ThaiBev mua cổ phần Sabeco với giá 5 tỷ USD, chỉ có VCB đủ tiềm lực ngoại tệ để đáp ứng, lượng tiền này sau đó được giữ lại tại VCB.

Thậm chí, với nguồn vốn dồi dào có được, VCB còn đóng vai trò là tổ chức có lượng tiền gửi và cho vay lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng. Đây là phương thức nhằm bổ sung vốn cho những ngân hàng nhỏ, yếu kém đang cần một lượng tiền lớn trong ngắn hạn để tránh rủi ro thanh khoản. Bên cạnh đó, thị trường liên ngân hàng với cơ chế thời gian cho vay thường ngắn hạn, nên ít rủi ro. Trong khi đó, do nhu cầu cấp thiết nên lãi suất cho vay cao, khoảng 3,13%/năm với thời hạn qua đêm, tạo ra nguồn thu nhập nhanh chóng và hiệu quả.

Từ những nguồn vốn giá rẻ mà VCB huy động được làm cho chi phí trả lãi tiền gửi, tiền vay hay giấy tờ có giá so với tổng nguồn huy động của ngân hàng này ở mức thấp nhất ngành. Bên cạnh đó, các chỉ số khác năm 2018 cải thiện khá tốt như: chi phí hoạt động/tổng thu nhập giảm từ 40% xuống 34%; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng giảm từ 35% xuống 28%...

Khả năng quản trị rủi ro và khả năng quản trị chi phí của VCB đang cho thấy sự vượt trội so với toàn ngành. Tuy nhiên, đó là chỉ là một khía cạnh để đánh giá. Nhiều ngân hàng khác có các lợi thế như Agribank, BIDV, Vietinbank, Sacombank có mạng lưới nhiều hơn VCB; các ngân hàng tư nhân như TCB không bị tính chi phối nhà nước nên dễ dàng hơn trong việc tăng vốn điều lệ và chuyển đổi mô hình bắt kịp xu hướng; công nghệ của VCB chưa hiện đại nếu so với các ngân hàng có các ứng dụng đặc biệt như TPBank có Livebank, VPBank có Timo… Bên cạnh đó, mảng Bancassurance giàu tiềm năng, nhưng VCB chưa tìm được đối tác độc quyền, mà chỉ đang liên kết.

Vấn đề đáng chú ý là khả năng tăng vốn của các ngân hàng như thế nào, điều này ảnh hưởng lớn đến việc duy trì tiêu chuẩn Basel II và bảo đảm tính an toàn cao trong hệ thống. Trong đợt phát hành cho khối ngoại vừa rồi, VCB mới chỉ thành công khoảng 30% (111 triệu cổ phiếu, còn lại 248 triệu cổ phiếu).

Định giá cổ phiếu

Khía cạnh quan trọng nhất của việc đánh các ngân hàng là quản trị được các rủi ro và chi phí phát sinh. VCB có lẽ là ngân hàng có thang điểm cao nhất, điều đó lý giải một phần tại sao cổ phiếu của nhà băng này được thị trường định giá cao nhất trong các ngân hàng.

Vậy cổ phiếu VCB có còn không gian tăng giá? P/B trung bình theo quý của VCB trong hai năm gần nhất 2018 và 2017 là 3,27 lần. Giải định vốn điều lệ có thể tăng thêm khoảng 6.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm đợt phát hành 111 triệu cổ phiếu vừa qua, còn lại 248 triệu cổ phiếu giả định thận trọng là không phát hành được trong năm 2019).

Lợi nhuận chưa phân phối trong hai năm 2018 và 2017 tương ứng với tỷ lệ bằng khoảng 77% và 56% lợi nhuận trước thuế. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 12%, theo kế hoạch của Ban lãnh đạo, lên khoảng 20.400 tỷ đồng, trung bình giữ lại khoảng 60%, tức là 12.200 tỷ đồng.

Như vậy, giá trị sổ sách (BV) năm 2018 của VCB là 63.889 tỷ đồng, năm 2019 dự kiến đạt khoảng 82.000 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu giả định không phát hành thêm sẽ không thay đổi là 3.708.877.448 cổ phiếu. Suy ra, BV mỗi cổ phiếu là 22.109 đồng. Với P/B trung bình là 3,27 lần thì giá trị của VCB năm 2019 tương ứng có thể đạt 72.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan