UPCoM có cơ hội đón hàng trăm doanh nghiệp mới

(ĐTCK) Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, từ ngày 1/11/2014, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
UPCoM có cơ hội đón hàng trăm doanh nghiệp mới

Trường hợp DN CPH đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại Sở GDCK, sau khi đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM, trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết. Với quy định mới, sàn UPCoM được dự báo sẽ bùng nổ về lượng cổ phiếu lên sàn. 

Sao lại là UPCoM?

Sở dĩ yêu cầu các DN sau khi hoàn thành việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tối đa 90 ngày phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, mà không phải là 2 Sở GDCK, là do cổ phiếu của các DN có thể được giao dịch ngay trên sàn UPCoM mà không cần chờ có nghị quyết đại hội cổ đông như sàn niêm yết chính thức. Hơn nữa, UPCoM sẽ giúp các DN đại chúng làm quen với cơ chế giao dịch, công bố thông tin của TTCK, là nơi để các cổ đông thuận tiện khi mua - bán cổ phiếu và là nơi để hình thành định giá cổ phiếu mỗi ngày.

Thực tế, quy định về việc DN thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM rất đơn giản, không khắt khe như sàn niêm yết, nên số lượng doanh nghiệp đại chúng đủ tiêu chuẩn lên sàn này hiện cũng rất lớn. Tuy nhiên, hàng trăm DN vẫn đứng ngoài sàn này, nên quyết tâm đưa cổ phiếu đại chúng vào giao dịch tập trung trên UPCoM còn để để các DN ý thức hơn với trách nhiệm minh bạch thông tin, tạo điều kiện pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông đại chúng.

Ngoài việc hướng các DN theo quy chuẩn hoạt động minh bạch, UPCoM cũng là cơ hội để các công ty đại chúng khi chưa đủ điều kiện niêm yết có thể tập dượt các yêu cầu, thủ tục đối với một công ty niêm yết.

Hiện nay, sàn UPCoM có khoảng 150 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, số lượng này đã tăng khá nhiều so với năm 2009 (12 doanh nghiệp). Khi Quyết định của Thủ tướng được thực thi, số DN phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM dự báo sẽ tăng đột biến. 

Thêm động lực cải tổ sàn UPCoM

Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán đã quy định các DN phát hành cổ phiếu ra công chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung (sàn niêm yết hoặc UPCoM) trong vòng 1 năm, nếu không tuân thủ, DN sẽ bị phạt nặng từ 100 đến 200 triệu đồng.

Sau gần 1 năm thi hành, tác động của Nghị định 108 đến các DN phát hành cổ phiếu ra công chúng chưa đủ thời gian để đánh giá. Nay, bằng quyết định 51 nói trên, Chính phủ một lần nữa thể hiện quyết tâm buộc DN đại chúng phải minh bạch, gắn hoạt động của DN với TTCK. Tuy nhiên, từ thị trường, một số ý kiến cho rằng, để DN đại chúng nhiệt tâm lên UPCoM, cần có nhiều sự cải tổ.

Nhìn vào diễn biến giao dịch trên sàn UPCoM cho thấy, dù đã hoạt động đến năm thứ 5, nhưng thanh khoản trên sàn này rất thấp, đại đa số cổ phiếu không có giao dịch. Để sàn UPCoM thực sự sôi động, một mặt cần thu hút nhiều DN lớn đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng quan trọng hơn là cần thay đổi phương thức giao dịch để tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư rót vốn vào cổ phiếu.

Là cơ quan trực tiếp vận hành thị trường UPCoM, trong báo cáo hồi tháng 3 vừa qua, Sở GDCK Hà Nội cho biết, Sở sẽ hoàn thiện cơ chế đăng ký và giao dịch linh hoạt hơn nữa để thu hút DN và nhà đầu tư tham gia thị trường, chuẩn bị cho việc đón đầu làn sóng cổ phần hóa và lên sàn nửa cuối năm 2014-2015. Thị trường đang chờ đợi những giải pháp mới cho UPCoM để cải thiện giao dịch, chuẩn bị đón lượng hàng hóa mới lên sàn.

Một số DNNN, CTCP cho biết, dù đã IPO vài năm nay, nhưng DN chưa tính đến việc niêm yết cổ phiếu hay đăng ký giao dịch trên UPCoM. “Nếu buộc phải thực hiện theo quy định thì DN sẽ thực hiện, nhưng không mặn mà”, lãnh đạo một DN chia sẻ. và thể hiện mong muốn được kéo dài thời gian “tự do” càng lâu càng tốt.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, sàn UPCoM là sàn phục vụ giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng, chỉ cần DN là công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán và cổ phiếu được đăng ký, lưu ký tại VSD là được giao dịch tại sàn này. Với quy chuẩn rất mở như vậy, UPCoM có cơ hội đón hàng trăm DN lên sàn trong thời gian tới.        

Tin bài liên quan