Những bất ổn về tiền tệ, tỷ giá của nền kinh tế Việt Nam là những khó khăn trong ngắn hạn - Ảnh: Hoài Nam

Những bất ổn về tiền tệ, tỷ giá của nền kinh tế Việt Nam là những khó khăn trong ngắn hạn - Ảnh: Hoài Nam

Tỷ giá và hai “nỗi sợ” của nhà đầu tư ngoại

(ĐTCK-online) Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng trong những ngày qua khiến giới đầu tư chứng khoán đang cầm giữ tiền đồng tỏ ra rất sốt ruột. Sốt ruột một phần vì tiền đồng bị mất giá, một phần vì nếu tỷ giá vẫn có dấu hiệu bất ổn thì chứng khoán chưa nhìn thấy cửa lên.

Vấn đề mà nhà đầu tư chứng khoán quan tâm lúc này là khi nào tỷ giá trên thị trường tự do bình ổn và biện pháp bình tỷ giá trên thị trường tự do của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là gì? Trong khi đó, thị trường vẫn chưa thấy có thêm thông tin gì mới từ NHNN liên quan đến đến chính sách giảm áp lực tỷ giá vào thời điểm cuối năm, ngoài việc sẽ bán USD cho các NHTM. Câu hỏi lớn mà nhà đầu tư cá nhân quan tâm là liệu NHNN có nới biên độ tỷ giá một lần nữa, như những gì đã làm vào năm 2008 để bình ổn tỷ giá trong thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới. Nhưng theo các nhà đầu tư nước ngoài, nới biên độ tỷ giá lần này chưa giải quyết được vấn đề.

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài lâu năm ở thị trường Việt Nam nhận xét, điều mà nhà đầu tư nước ngoài sợ không phải là đem tiền vào Việt Nam thời điểm này sẽ lỗ vì tiền đồng sẽ còn mất giá so với USD, mà họ sợ "tâm lý thị trường, tâm lý của người dân thiếu tin tưởng vào đồng nội tệ". Nếu cơ quan quản lý không có biện pháp đồng bộ thì tiền đồng còn tiếp tục mất giá, chừng nào người dân vẫn còn muốn tích trữ vàng và USD. Đây là vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài đã gặp phải ở một số thị trường, đặc biệt là ở Nam Mỹ.

"Không thể cứ khi nào USD trên thị trường tự do tăng giá thì lại nới biên độ tỷ giá. Như vậy, sẽ phải nới hết lần này đến lần khác", ông bình luận về giải pháp mà nhiều nhà đầu cá nhân trong nước cho rằng sẽ được NHNN áp dụng để giải quyết vấn đề tỷ giá lần này.

Theo vị giám đốc trên, để giải quyết vấn đề tỷ giá, cần dùng công cụ kinh tế như cấm gửi vàng, gửi USD vào ngân hàng nhận lãi. Nếu lợi ích từ việc giữ vàng và USD biến mất thì người dân sẽ dùng tiền đầu tư chứng khoán, bất động sản, sản xuất - kinh doanh. Như vậy, tiền đã quay trở lại nền kinh tế. Đồng tình với Thông tư 22/2010/TT-NHNN hạn chế huy động vốn tín dụng bằng vàng, nhưng ông này cho rằng, vẫn cần có biện pháp mạnh hơn.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon cho rằng, xử lý tỷ giá quả thực là bài toán khó cho cơ quản quản lý hiện nay. "Rất may tôi không phải là NHNN", ông này nói đùa.

Nhưng ông Dominic cũng chỉ ra rằng, tất cả chúng ta đều biết nguyên nhân dẫn đến việc tỷ giá sốt trên thị trường tự do là do nhiều người dân đầu cơ vào USD, vàng, thiếu niềm tin vào tiền đồng. Việc thiếu niềm tin cũng xuất phát một phần từ những vụ việc như Vinashin. "Lý do thì ai cũng biết, vấn đề là giải pháp xử lý như thế nào", ông Dominic nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí thẳng thắn cho rằng, chỉ nới biến độ tỷ giá thì sẽ không giải quyết được cơ bản vấn đề "sốt đô la" trong trung hạn và dài hạn. Theo mô hình tính toán của ông Chí, tăng cung tiền trong 10 năm qua tăng cao hơn GDP danh nghĩa 1,7 lần. Vì vậy, điều cần làm là giảm tăng trưởng tín dụng dưới 25%. "Với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 22 - 23%, nền kinh tế vẫn đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm tới", ông Chí nói.

Đồng thời với giảm tín dụng, theo ông Chí, chính sách tài khóa phải được yểm trợ bằng việc giảm đầu tư công xuống thấp hơn mức 42% GDP hiện nay, theo một lộ trình.

Nhìn chung, theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, những bất ổn về tiền tệ, tỷ giá của nền kinh tế Việt Nam là những khó khăn trong ngắn hạn. Mặc dù thừa nhận bài toán tỷ giá là bài toán khó, nhưng một số nhà đầu tư nước ngoài am hiểu thị trường cũng tin tưởng, do đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là dự trữ vàng và USD trong dân rất cao, nên nếu cơ quan quản lý có biện pháp đúng, tạo được niềm tin tưởng của người dân thì những vấn đề bất ổn sẽ dần dần được giải quyết.