Tỷ giá ám ảnh kết quả quý II

Tỷ giá ám ảnh kết quả quý II

(ĐTCK) Biến động của một số đồng ngoại tệ đã khiến các DN nhiệt điện phải trích lập một khoản dự phòng khá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận trong quý I/2016. Nhiều khả năng, yếu tố này sẽ tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận của các DN nhiệt điện trong quý II.

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) là DN có lượng vốn vay bằng ngoại tệ rất lớn. Tính đến cuối quý I/2016, PPC đang có khoản nợ khoảng 22,2 tỷ yên (JPY). Biến động tăng giá của đồng JPY trong quý I đã khiến Công ty phải hạch toán một khoản lỗ tỷ giá tương đương 261,54 tỷ đồng, dẫn tới kết quả kinh doanh trong quý chịu khoản lỗ 157 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng PPC cho biết, trong tháng 4 và tháng 5, đồng JPY tiếp tục có xu hướng tăng nhưng theo dự báo sẽ có phần chững lại hơn trong tháng 6, do Chính phủ Nhật đang có xu hướng bơm thêm tiền nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau các trận động đất gây nhiều thiệt hại vừa qua. Dự kiến trong quý II/2016, PPC sẽ trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 100 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với quý I/2016.

Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết, hiện PPC đã ký hợp đồng bán điện cho Nhà máy Phả Lại 1 với mức giá nhỉnh hơn so với giá thị trường. Điều này sẽ hỗ trợ tốt cho kết quả kinh doanh của Công ty trong quý II. Tuy nhiên, đối với hợp đồng bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất và dự kiến sẽ được ký vào cuối tháng 5/2016, giá bán điện nhìn chung sẽ thấp hơn một chút so với năm 2015.

Rõ ràng, diễn biến của tỷ giá VND/JPY đã tác động bất lợi đến hoạt động tài chính của PPC nhưng theo dự báo của CTCK Phú Hưng (PHS), trong quý II, mức độ ảnh hưởng của yếu tố này sẽ không quá lớn. Theo đó, nền kinh tế Nhật đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn, mức lạm phát tiến gần tới mục tiêu đã đặt ra, do đó, quốc gia này sẽ dần thu hẹp các gói nới lỏng định lượng hiện tại. Thậm chí, theo PHS, đồng JPY có khả năng tăng giá về cuối năm 2016 và tỷ giá VND/JPY sẽ ít biến động trong năm, vì vậy, ảnh hưởng của tỷ giá lên PPC sẽ không lớn trong năm nay.

Trong báo cáo phân tích mới đây, PHS nhận định, kết quả kinh doanh quý II/2016 của PPC sẽ khả quan hơn khi áp lực từ lỗ tỷ giá suy giảm. Ước tính, PPC có thể đạt 1.752 tỷ đồng doanh thu và 256 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II. Năm 2016, PPC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.010 tỷ đồng, giảm 8,5% so với năm 2015 và lợi nhuận đạt 624 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm ngoái. Dự báo, PPC sẽ hoàn thành được kế hoạch nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện khi chi phí khấu hao giảm mạnh.

Không phải DN nhiệt điện nào cũng có được những tín hiệu tích cực như PPC, bởi tỷ giá giữa VND và một số ngoại tệ khác vẫn có những biến động bất thường kể từ đầu năm tới nay, do đó, rủi ro luôn tiềm ẩn với các DN có khoản vay ngoại tệ lớn.

Kể từ cuối tháng 4 cho tới nay, đồng USD duy trì xu hướng tăng mạnh khi thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành nâng lãi suất trong tháng 6, trong khi đồng euro (EUR) có dấu hiệu chững lại. Diễn biến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các DN có khoản vay bằng 2 ngoại tệ này.

CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đang phải cân đối lại các khoản vay bằng USD và EUR nhằm giảm bớt rủi ro tỷ giá. Quý I/2016, dù lợi nhuận gộp tăng cao nhưng do chịu lỗ chênh lệch tỷ giá và doanh thu tài chính giảm mạnh, NT2 chỉ đạt 318,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó khoản lỗ 58,6 tỷ đồng là do đánh giá lại các khoản mục ngoại tệ. Cùng kỳ năm 2015, NT2 có lãi 314,3 tỷ đồng.

Hiện tại, tổng dư nợ gốc khoản vay ngoại tệ của NT2 là hơn 123,6 triệu USD và hơn 112,9 triệu EUR. Diễn biến trái chiều giữa USD và EUR trong quý I/2016 đã phần nào giúp NT2 trung hòa rủi ro tỷ giá, nhưng, dự báo trong quý II/2016, NT2 tiếp tục phải trích lập dự phòng mạnh tay cho các khoản vay bằng ngoại tệ, đặc biệt là các khoản vay bằng đồng USD.

Theo dự báo của các chuyên gia, tỷ giá tiếp tục chịu sức ép lớn từ cuối quý II trở đi, khi các yếu tố như nhập khẩu, lạm phát, thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động, đồng thời phụ thuộc vào khả năng Fed có tiếp tục tăng lãi suất đồng USD trong thời gian tới hay không. Vậy nên, rủi ro tỷ giá vẫn luôn tiềm ẩn đối với các DN nhiệt điện nói riêng và các DN có khoản vay ngoại tệ lớn nói chung.

Tin bài liên quan