Từ trải nghiệm chứng quyền đến những bài học kinh nghiệm

Từ trải nghiệm chứng quyền đến những bài học kinh nghiệm

(ĐTCK) Chứng quyền có bảo đảm (CW) là sản phẩm mới nên thời gian qua được coi bước chạy đà thử nghiệm, tuy vậy, hầu hết tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư đều đạt được những thành công nhất định. 

Từ trải nghiệm ban đầu

Từ 10 mã CW đầu tiên được niêm yết ngày 28/6/2019, đến nay đã có 22 mã, bao gồm 6 mã vừa đáo hạn trong tuần qua.

Kể từ khi đi vào giao dịch cho tới nay, bình quân mỗi phiên có 1,94 triệu CW được chuyển nhượng, tương ứng với giá trị giao dịch 6,5 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, CW là sản phẩm khá dễ chơi và dễ tiếp cận, vì cách giao dịch tương tự như cổ phiếu.

Tuy nhiên, anh Quang Hưng, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, sản phẩm CW không dễ mang lại lợi nhuận.

Ðầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ cần dự đoán đúng xu hướng giá, nhưng khi giao dịch CW phải cân nhắc ít nhất 4 yếu tố, gồm xu hướng giá cổ phiếu cơ sở, mức độ đòn bẩy (Effective Gearing), số ngày đến hạn và định giá của chứng quyền, tức có nhiều biến số trong quá trình ra quyết định.

Khi ra quyết định với nhiều biến cần giải, nhà đầu tư càng khó để có thể tìm lời giải và giao dịch thành công hơn.

Rất may là trong đợt phát hành CW đầu tiên, không ít cổ phiếu cơ sở như MWG, FPT tăng giá mạnh, khiến phần thưởng cho người chơi CW bước đầu là rất tích cực.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận chiến lược, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, CW là sản phẩm mới nhưng phương thức giao dịch giống cổ phiếu trên thị trường cơ sở.

Ðiểm khác là chu kỳ sản phẩm thường chỉ từ 3 - 6 tháng, nên khi đầu tư CW, nhà đầu tư phải xác định cổ phiếu cơ sở có xu hướng tăng trong thời gian đó thì mới có lãi.

Kết thúc đợt đáo hạn CW đầu tiên, có một số mã CW giảm giá mạnh do cổ phiếu cơ sở giảm giá, nhưng cũng có những mã CW mang lại lợi nhuận cao.

“Ở giai đoạn đầu, nhiều mã CW có trạng thái lãi. Ðây là sản phẩm của các công ty chứng khoán phát hành nên sự thành công của sản phẩm cũng chính là thương hiệu của công ty. Nhiều nhà đầu tư đã có lãi từ việc nắm giữ đến lướt sóng CW trên sàn”, ông Hưng nói.

Xu hướng của thị trường chứng quyền được dự báo sẽ dần dần sôi động hơn do các mã CW phát hành đều dựa trên các cổ phiếu chất lượng, nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tham gia…

… Đến những bài học kinh nghiệm

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, chứng quyền là sản phẩm đầu cơ, nhà đầu tư nên tránh giao dịch và nắm giữ khi sắp đáo hạn, trừ khi đó là những chứng quyền ở trạng thái lãi (ITM) cao và có giá sát với giá trị nội tại.

Trong các chứng quyền đã đáo hạn, CHPG1901, CHPG1903, CPNJ1901 kết thúc với trạng thái lỗ (OTM) và trong những ngày gần đến hạn, giá các chứng quyền này giảm mạnh, tiến về gần ngưỡng 0. Ðây là rủi ro rất lớn khi giao dịch.

Do đó, nhà đầu tư nên chọn các chứng quyền có mức định giá hợp lý, cân nhắc chọn các mã có mức biến động hàm ý (Implied Volatility - IV) thấp hơn/tương đương so với trung bình thị trường hoặc thấp hơn/tương đương so với các chứng quyền cùng loại. Ngoài ra, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về độ rủi ro (đòn bẩy, thời gian đáo hạn) khi giao dịch.

Thời điểm hiện tại, số lượng nhà đầu tư tham gia CW còn hạn chế, chủ yếu là đội ngũ môi giới và một số khách hàng có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường cơ sở.

Sau hơn 2 tháng, giá trị giao dịch CW vẫn chỉ quanh mức 10 tỷ đồng/phiên. Ðáng chú ý, khi giao dịch, đa phần nhà đầu tư chưa có phương pháp riêng, chủ yếu đánh cược theo đà tăng của chứng khoán cơ sở.

MBS lưu ý, đầu tư CW cũng giống như đầu tư vào chính mã cổ phiếu cơ sở, do vậy phải chọn mã cổ phiếu cơ sở có triển vọng tăng giá và quan trọng là xu hướng tăng phải nằm trong chu kỳ của CW.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên chọn nhà phát hành CW uy tín, do việc tạo lập thanh khoản đến từ nhà phát hành.

Ðặc biệt, thị trường CW có mức độ dao động lớn, nhà đầu tư cần chọn các mã thanh khoản cao, giúp ra/vào dễ dàng.

“Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên chọn các mã CW có thông số kỹ thuật tốt dựa trên giá lý thuyết, giá thực hiện, giá hòa vốn, thời gian đến khi đáo hạn, đòn bẩy hiệu quả, độ nhạy, độ biến động nội hàm, phần bù rủi ro”, anh Nam, môi giới tại BSC khuyến nghị.

Tin bài liên quan