Theo các nhà đầu tư nước ngoài, tuy Việt Nam có TTCK, nhưng thoái vốn qua thị trường này không dễ dàng - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Theo các nhà đầu tư nước ngoài, tuy Việt Nam có TTCK, nhưng thoái vốn qua thị trường này không dễ dàng - Ảnh minh họa: Hoài Nam

TTCK Việt Nam qua lăng kính của quỹ đầu tư quốc tế

(ĐTCK-online) TTCK tại các nền kinh tế đang phát triển đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các nước đang phát triển, trong khi rủi ro không quá cao. Vì thế, dòng vốn đầu tư trên thế giới có xu hướng chảy vào các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam cần làm gì để có thể thu hút và sử dụng nguồn vốn này là vấn đề được đại diện của các quỹ đầu tư lớn trên thế giới thảo luận tại hội thảo về thu hút vốn đầu tư tư nhân diễn ra ở TP. HCM tuần qua.

Theo ông Marshall Parke, phụ trách kinh doanh khu vực châu Á của Quỹ Lexington, xu hướng đầu tư vào Đông Nam Á đang ngày càng tăng. Còn ông John Cook, Chủ tịch danh dự của Quỹ Rock Lake, chuyên góp vốn vào các tổ chức đầu tư khác nói: “Trong những tháng vừa qua, nhà đầu tư hỏi chúng tôi nhiều về cơ hội đầu tư ở khu vực châu Á”. Lý do là trước đây, nhà đầu tư đánh giá cao thị trường phát triển, đánh giá thị trường đang phát triển thấp hơn. Nhưng gần đây, người ta quan tâm hơn tới thị trường đang phát triển, vì nhận thấy rằng, đầu tư vào thị trường mới nổi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, trong khi rủi ro không quá cao.

Giám đốc Quỹ đầu tư Indochina, ông Nikkil Singh chia sẻ: “Tôi vừa đến Nhật Bản, các nhà đầu tư ở đây mong muốn đến Việt Nam. Thái Lan là thị trường yêu thích của họ những năm 1990, còn bây giờ là Việt Nam”.

8 năm trước, ông Nikkil Singh tham dự một cuộc họp của đại diện các quỹ đầu tư ở Hồng Kông để nói về hiệu quả đầu tư ở đây. Thực tế cho thấy, sự có mặt của các quỹ ở Hồng Kông là đáng giá. Giờ đây, đại diện của các quỹ đầu tư ở các nước phát triển và đang phát triển có mặt ở TP. HCM để nói về việc huy động vốn đầu tư. Ông Nikkil Singh hy vọng, sau 8 năm nữa, các quỹ sẽ đánh giá sự có mặt ở thị trường Việt Nam vào lúc này là đáng giá.

Ông Nikkil Singh cho rằng, khủng hoảng là thời điểm tốt nhất để đầu tư, còn khi kinh tế tốt đẹp lại là thời điểm tệ nhất đầu đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cạnh tranh rất nhiều để thu hút vốn đầu tư tư nhân của thế giới, bởi nguồn vốn huy động mỗi năm đã giảm rất mạnh. Nếu những năm trước, các quỹ trên thế giới huy động được 300 tỷ USD/năm, thì năm nay chỉ huy động được khoảng 70 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân.

Tổng giám đốc Helen Wong của Lapis Global Limited đang hoạt động tại Trung Quốc băn khoăn, vốn vào Việt Nam thì dễ, ra thì khó, các nhà đầu tư không biết chắc sẽ thoái vốn như thế nào. Dù Việt Nam có TTCK, nhưng thoái vốn qua thị trường này không dễ dàng, nhất là ở những thời điểm như hiện nay, thanh khoản trên thị trường xuống mức thấp.

Theo ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, trong lịch sử thị trường Việt Nam chưa có công cụ thoái vốn hiệu quả. TTCK chỉ giúp nâng cao thanh khoản của khoản đầu tư, nhà đầu tư nên xem các cơ hội thoái vốn khác ngoài TTCK.

Với kinh nghiệm của mình, ông Võ Sáng Xuân Vinh, Tổng giám đốc Sài Gòn Capital chia sẻ, kế hoạch thoái vốn phải chuẩn bị ngay từ đầu. Nhà đầu tư có thể chờ đợi giai đoạn tốt hơn của TTCK để thoái vốn hoặc quan tâm cơ hội thoái vốn bằng mua bán và sáp nhập (M&A). M&A ở Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, đem lại cơ hội thoái vốn cho nhà đầu tư.

Ông Dominic Scriven nhận định, khi xem xét đầu tư vào một thị trường mới nổi như Việt Nam, nếu nhà đầu tư không an tâm về việc họ có thể thoái vốn dễ dàng thì họ sẽ không gia nhập thị trường. Với vốn đầu tư tư nhân thì giá trị gắn liền với TTCK là điều thú vị, nhưng không phải là quyết định. Có thể nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc thoái vốn khi TTCK lình xình và thanh khoản yếu, nhưng đầu tư vào thị trường mới nổi, nhà đầu tư cần học hỏi để kiên nhẫn và chuẩn bị tâm thế đón nhận cơ hội khi thị trường tốt trở lại.