TTCK phái sinh: Đến điểm chín muồi để khai mở

TTCK phái sinh: Đến điểm chín muồi để khai mở

(ĐTCK) Tại cuộc đối thoại về cơ hội và rủi ro khi tham gia TTCK phái sinh do ndh.vn tổ chức mới đây, nhận định chung của nhiều diễn giả cho rằng, khi các thành tố tham gia TTCK phái sinh đã sẵn sàng, đó là thời điểm chín muồi cho việc khai mở. Tuy nhiên, thị trường mới cần nhất là phải lường trước và có các công cụ kiểm soát rủi ro. Đầu tư Chứng khoán xin chia sẻ một số quan điểm về vấn đề này.

Đây là thời điểm chín muồi và đủ thận trọng để ra đời chứng khoán phái sinh

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam

TTCK phái sinh: Đến điểm chín muồi để khai mở ảnh 1

Sau 17 năm TTCK cơ sở hoạt động, đã đến lúc thị trường cần được phát triển theo cấu trúc cao hơn, trong đó chứng khoán phái sinh là mảng cần thiết, để bức tranh tổng thể về TTCK Việt Nam hoàn thiện.

Trên thế giới, sản phẩm phái sinh đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ 12, tại Ý. Đến nay, hầu hết các TTCK trên thế giới đều vận hành TTCK phái sinh. Đối với Việt Nam, tôi cho rằng, chúng ta đã tích lũy vừa đủ để triển khai chứng khoán phái sinh, đem lại cơ hội cho nhà đầu tư trong hoạt động giao dịch. Sản phẩm này đáp ứng được nhiều nhu cầu của các nhà đầu tư.

Thứ nhất là nhu cầu phòng ngừa rủi ro, thứ hai là kinh doanh, đầu cơ, dựa vào biến động giá thị trường. Thứ ba, qua nghiên cứu của chúng tôi thì khi tham gia TTCK phái sinh, nhiều định chế tài chính có định mức tín nhiệm tốt hơn, chẳng hạn, một ngân hàng muốn cấp tín dụng cho một định chế mà họ có công cụ phòng ngừa rủi ro họ sẽ có điều khoản vay tốt hơn.

TTCK phái sinh ra đời cũng giúp nhà đầu tư chuyên nghiệp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư. Theo tôi, đây là thời điểm là chín muồi và đủ thận trọng cho sự ra đời của chứng khoán phái sinh.

Thị trường mới sẽ có cách chia sẻ thông tin như thị trường cơ sở

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX

Sẽ phân bảng cổ phiếu trên UPCoM

Sản phẩm phái sinh mang đặc trưng rủi ro cao, lợi nhuận cao. Khi xây dựng sản phẩm cho thị trường này, chúng tôi luôn cân nhắc 2 mặt của một vấn đề. Đầu tiên là thanh khoản, sản phẩm có thanh khoản hay không? Thứ hai, nếu thanh khoản quá lớn, bất thường thì phải làm sao để điều tiết?

Đó là vấn đề mà chúng tôi phải nghiên cứu để xác định ra bước giá của sản phẩm, mức ký quỹ là bao nhiêu để cân đối giữa nhu cầu nhà đầu tư, nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn. Ở các TTCK thế giới, họ đã dựng chợ, làm với nhau rồi mới bắt đầu đưa vào các luật lệ. Điều này với thị trường Việt Nam thì ngược lại.

Đối với các nhà đầu tư, phái sinh là sân chơi mới, nhưng để tham gia cần xác định mức độ chấp nhận rủi ro cùng với việc tìm hiểu các phương pháp giao dịch tốt nhất. Về phía HNX, chúng tôi sẽ làm tất cả những việc cần thiết để đưa ra những giải pháp kịp thời để làm sao hạn chế rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư một cách tốt nhất.

Cơ chế của thị trường phái sinh cho phép nhà đầu tư và các bên theo dõi lãi và lỗ phát sinh hàng ngày. Bên cạnh đó, bản thân các giao dịch trên thị trường phái sinh là để hưởng chênh lệch giá và nếu có mức lãi hay lỗ, sẽ tác động trực tiếp đến quyết định của nhà đầu tư về việc nên đóng vị thế.

Thị trường mới sẽ có cách chia sẻ thông tin như thị trường cơ sở. HNX đã hoàn tất việc chuẩn bị các điều kiện nền tảng như các data, website, bảng điện tử… để đưa thông tin về giao dịch phái sinh ra công chúng. Chúng tôi mong rằng, khi thị trường khai mở, công chúng sẽ từng bước hiểu và đón nhận công cụ đầu tư mới.

Có ra đời hôm nay thì mới mong sau 5-10 năm nữa, chúng ta có một TTCK phái sinh đúng nghĩa

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI

Chủ tịch SSI: Cần định vị lại thị trường tài chính Việt

Từ thực tế giao dịch trên TTCK cơ sở cho thấy, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận những công cụ đầu tư có rủi ro cao với hy vọng được lợi nhuận cao tương ứng. Nhu cầu của nhà đầu tư như vậy là một yếu tố thuận lợi cho công cụ phái sinh đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ở vai nhà quản lý, điều quan trọng nhất là phải có các công cụ đủ sức giám sát được tình trạng lũng đoạn thị trường.

Thời kỳ đầu, chắc chắn sẽ có nhiều người cảm nhận sản phẩm phái sinh Việt Nam bị ràng buộc bởi nhiều quy định, hay nói cách khác là bị “trói”, bị “phanh” nhiều. Dù vậy, sản phẩm vẫn cần sớm ra đời, vì có ra đời hôm nay thì mới mong sau 5-10 năm nữa, chúng ta có một TTCK phái sinh đúng nghĩa. Phái sinh là một bộ phận của TTCK, sẽ mang lại lợi ích, nhưng không thể kỳ vọng ngay vào thời gian đầu.

Nếu chúng ta cùng chung tầm nhìn rằng, chủ thể quan trọng nhất cần phục vụ là nhà đầu tư, còn bản chất của TTCK được hình thành với sứ mệnh là huy động vốn cho nền kinh tế và DN, thì có thể cần nhiều thời gian, nhưng các cấu phần thị trường sẽ được hoàn thiện theo cùng một hướng.

Tin bài liên quan