Nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, bất chấp ảnh hưởng từ giá dầu giảm

Nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, bất chấp ảnh hưởng từ giá dầu giảm

TTCK: Chỉ tăng 1 phiên hay tăng mạnh?

(ĐTCK) Sau chuỗi phiên giảm điểm, cả 2 sàn đã hồi phục trở lại trong phiên 19/5 với VN-Index tăng 7,87 điểm (+1,49%), lên 536,82 điểm và HNX-Index tăng 0,93 điểm (+1,22%), lên 77,44 điểm.

Dù biến động của thị trường khá rộng với số mã tăng gấp hơn 2 lần số mã giảm, nhưng nhìn chung, TTCK hồi phục chủ yếu dựa một số mã cố phiếu lớn như VCB, DPM, HAG, FPT, CTG, BVH, đặc biệt là GAS.

Sau khi đi ngang trong phiên sáng, giá cổ phiếu GAS bật tăng mạnh khi bước vào phiên giao dịch chiều nhờ lực cầu từ khối ngoại. Đóng cửa, GAS tăng 5,17%, với 452.250 đơn vị được khớp, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 201.400 đơn vị, chiếm gần 50% tổng lượng mua.

Cổ phiếu VCB cũng góp phần không nhỏ giúp VN-Index hồi phục. Vẫn chịu áp lực giảm của phiên sáng, nhưng sang phiên chiều, VCB cũng bật tăng mạnh dù lực mua không quá mạnh. Đóng cửa, giá cổ phiếu VCB tăng 1,3%, lên 39.100 đồng. VCB cũng chính là cổ phiếu vững giá, thậm chí tăng giá trong phiên đầu tuần, khi cả thị trường giảm mạnh.

Phiên ngày 19/5 còn chứng kiến nhiều mã bluechip khác đóng cửa ở mức tăng mạnh, như DPM, tăng hơn 2%, HAG tăng 2,34%, FPT tăng 0,82%, CTG tăng 2,37%, BVH tăng 2,15%...

Chính nhờ các trụ đỡ này và sự hào hứng mua của nhà đầu tư nước ngoài, đã giúp giải tỏa tâm lý nghi ngờ trên thị trường, khích thích nhà đầu tư “xuống tiền”, đẩy nhiều mã tăng trở lại. Nhiều mã đã tăng giá kịch trần như HHS, VHG, DXG, NHS…

Hỗ trợ cho việc bật xanh của thị trường là nhiều thông tin tích cực từ một số DN lớn. GAS vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 3/2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 7%. Dù lợi nhuận sau thuế quý I năm nay của GAS sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng với mức lãi sau thuế hợp nhất lên tới 2.660 tỷ đồng, GAS có năng lực tài chính đủ mạnh để hấp dẫn dòng vốn đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp lớn khác có kết quả kinh doanh quý I khả quan, như BVH, HPG, KDC, FPT, PVS, PVC… Cụ thể, quý I, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BVH đạt 457 tỷ đồng, hoàn thành 31,7% kế hoạch năm 2015. HPG đạt lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng trong quý I, hoàn thành 28% kế hoạch năm. HAG cũng báo lãi ròng hợp nhất 372,5 tỷ đồng trong quý I, dù giảm nhẹ so với năm ngoái, nhưng HAG lại được hỗ trợ bởi thông tin đăng ký mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ và bản thân Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức cũng đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu.

FPT vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I với doanh thu hợp nhất 9.564 tỷ đồng, tăng 30%; lợi nhuận trước thuế 645 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 425 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. KDC cũng công bố lãi trước thuế 47 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ…

Nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý I như VCB lãi sau thuế hợp nhất 1.456 tỷ đồng, CTG lãi 1.248 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, BID lãi 1.865 tỷ đồng, tăng hơn 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu dầu khí dù vẫn chịu ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới, nhưng lợi nhuận sau thuế đã đứng vững, thậm chí tăng trưởng. Lợi nhuận hợp nhất của PVC đạt 27,31 tỷ đồng, tăng 13,65% so với cùng kỳ. Với PVS, quý I/2015, doanh thu thuần đạt trên 3.147 tỷ đồng, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 290,5 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Thông tin hỗ trợ tích cực khác là dòng tiền ngoại. Sau 4 phiên chốt lời, khối ngoại đang có xu hướng mua ròng ở nhiều mã khác. Trong phiên hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 7.352.370 đơn vị, tổng giá trị mua ròng 131 tỷ đồng. Tính chung trong 2 phiên đầu tuần, khối ngoại mua ròng gần 10 triệu đơn vị, giá trị mua ròng gần 182 tỷ đồng.

Với nhiều thông tin tích cực từ chính DN niêm yết lớn, phiên hồi phục ngày 19/5 không đơn thuần là phiên hồi phục kỹ thuật, mà được kỳ vọng sẽ khởi đầu cho một giai đoạn tăng mới của thị trường.

Theo đánh giá của CTCK MSBS, nhiều khả năng, TTCK sẽ tiếp tục tăng điểm trở lại mốc 540 điểm trong một vài phiên tới. Công ty này cũng vừa có báo cáo về tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN đến TTCK và cho rằng, thanh khoản của TTCK đã sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30% so với cùng kỳ 2014, theo đó các chỉ số thị trường trên 2 Sở cũng bị tác động theo. Nếu năm 2014, PE trung bình của TTCK khoảng 15 lần thì hiện nay chỉ còn 13 lần, có nhiều cổ phiếu rơi về 8-9 lần. “Các chỉ số này thấp hơn nhiều TTCK khu vực và không phản ánh đúng giá tri nhiều cổ phiếu trên sàn”, MSBS viết.

MSBS cho rằng, sự ra đời của Thông tư 36 là cần thiết để phát triển thị trường vốn bền vững trong dài hạn, nhưng thực tế đang đòi hỏi cần điều chỉnh tỷ trọng cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức tín dụng từ 5% lên mức 10% vốn chủ sở hữu để tăng quyền chủ động cho các ngân hàng. Cùng với đó, nếu các chính sách về nới room, tăng nguồn cung có chất lượng trên TTCK, hay cụ thể hơn là UBCK tăng tỷ lệ cho vay chứng khoán ký quỹ tối đa với 1 mã chứng khoán từ mức 50% lên 60-70% thì TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ không tăng điểm phập phù, mà sẽ xác lập xu hướng tăng bền vững.

Tin bài liên quan