Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Ất Mùi tại Sở GDCK Hà Nội (HNX)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Ất Mùi tại Sở GDCK Hà Nội (HNX)

TTCK 2015: Kỳ vọng cú huých chính sách mới

(ĐTCK) Đến với TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch đầu Xuân Ất Mùi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng truyền đạt một thông điệp mạnh mẽ về việc phải hoàn thiện thể chế, chính sách để đạt mục tiêu TTCK minh bạch, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu mới khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.

Chứng khoán bật tăng mạnh trên 2 sàn ngay sau phát biểu của người đứng đầu Chính phủ, thể hiện kỳ vọng và niềm tin chính sách sẽ hỗ trợ và thúc TTCK phát triển năm nay. 

Chính sách được chờ đợi

Khoảng 500 thành viên đã đến dự cuộc họp bàn kế hoạch phát triển TTCK 2015 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức đầu tháng 2/2015 cho thấy, bức tranh thị trường sau 15 năm đã lớn mạnh và khác trước rất nhiều.

Điểm chung nhất và cũng là điểm mà nhà quản lý dành nhiều thời gian chia sẻ nhất là nới rộng không gian đầu tư cho khối ngoại - ý tưởng được UBCK nêu lên năm 2014, nhưng chưa thành hiện thực - đã được các thành viên nêu ra một cách mạnh mẽ tại cuộc họp này.

Đại diện HSBC - một trong số ít các tổ chức cung cấp dịch vụ ngân hàng lưu ký cho các nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam phát biểu, nâng trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên TTCK Việt Nam là việc hết sức quan trọng để tăng cường thu hút các dòng vốn lớn.

Bên cạnh đó, “Việt Nam cần giảm sở hữu Nhà nước trong các DN, để tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên thị trường, đồng thời đẩy mạnh việc niêm yết các ngân hàng thương mại”, HSBC khuyến nghị và cho rằng, đó là những chính sách mà nhà đầu tư ngoại đặt kỳ vọng Việt Nam sẽ thực hiện được năm 2015.

Nói về mong muốn chính sách năm 2015, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý quỹ Việt Nam, ông Trần Thanh Tân bộc bạch, chúng ta đã nói nhiều về câu chuyện nới room trên TTCK, chuyện hợp nhất 2 Sở, chuyện tạo dựng nhà đầu tư tổ chức, thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, nhưng thực tế chưa làm được, hoặc làm chưa xong được. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn tự hỏi, vị trí của TTCK ở đâu trong nền kinh tế?

Nêu vấn đề trên, ông Tân thể hiện một mong muốn: TTCK cần được đặt đúng vị trí, đúng tầm quan trọng đáng có. Chính phủ, các bộ ngành phải trân trọng TTCK, từ đó phải nỗ lực, góp sức thúc thị trường phát triển mạnh mẽ hơn.

TTCK 2015: Kỳ vọng cú huých chính sách mới ảnh 1

Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân đánh cồng khai trương giao dịch đầu Xuân tại Sở GDCK TP. HCM  - Ảnh: Lê Toàn

Nếu như câu hỏi trên ít nhiều thể hiện tâm trạng chơi vơi của một người đã nhiều năm nỗ lực làm thị trường, thì việc Thủ tướng đến với TTCK, khẳng định vai trò của TTCK Việt Nam là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, là thị trường góp sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam - đã tạo một điểm tựa tinh thần trong năm mới, như “món quà” kịp thời động viên mọi nỗ lực của các thành viên góp sức xây thị trường này.

Chia sẻ với ĐTCK về sự kiện Thủ tướng lần đầu tiên đến gõ cồng, khai trương giao dịch đầu năm tại Sở GDCK Hà Nội, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, sự quan tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là quan tâm thúc đẩy sự minh bạch, sẽ tạo môi trường thuận lợi cho TTCK phát triển và phát triển một cách thực chất.

Tuy nhiên, phía sau động lực tinh thần là rất nhiều công việc nhà quản lý phải thực hiện, để tạo dựng khung pháp lý hiệu quả cho TTCK.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, khung pháp lý trên TTCK đã được cải tiến, sửa đổi nhiều, nhưng còn nhiều bất cập.

Theo Thứ trưởng, nhiệm vụ lớn nhất là Luật Chứng khoán đến thời điểm phải sửa mới có thể đồng bộ với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng và tạo không gian kinh doanh mới cho các thành viên thị trường.

Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách trên TTCK phải sửa đổi để phù hợp với những cam kết của Việt Nam khi hội nhập nền kinh tế, cũng là bài toán lớn với nhà quản lý năm 2015.

“Yêu cầu đặt ra là làm sao để tạo thế chủ động cho DN trong hội nhập, trong cái thế đại đa số DN chưa hiểu nhiều về hội nhập, còn bị động trước hội nhập”, ông Hà nói.

Liên quan đến việc rộng cửa cho khối ngoại, Thứ trưởng khẳng định, năm 2015, Bộ Tài chính quyết tâm đề xuất Chính phủ nới rộng không gian đầu tư cho nhà đầu tư ngoại bằng một văn bản pháp lý phù hợp.

“Thực tế, năm 2014, chúng tôi đã trình Chính phủ đề xuất nới room, nhưng ý kiến từ các bộ ngành còn khác nhau nên đề xuất này chưa thành hiện thực. Năm 2015, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới sẽ có hiệu lực, cùng với đó, Việt Nam phải tuân thủ các cam kết quốc tế trong hội nhập, là những yếu tố pháp lý mới phải xem xét tổng thể trong việc xây dựng đề xuất mở rộng không gian đầu tư”, ông Hà nói. 

Khi thị trường 15 tuổi

Mở cửa năm 2000, TTCK Việt Nam có 2 DN niêm yết, 6 công ty chứng khoán và vài trăm nhà đầu tư đầu tiên. Năm 2015, TTCK ghi dấu ấn tuổi 15 khi Sở GDCK TP. HCM tròn 15 năm hoạt động và Sở GDCK Hà Nội sẽ kỷ niệm 10 năm hoạt động vào ngày 8/3 tới.

15 năm tạo dựng ngành chứng khoán tại Việt Nam, so với chính mình, TTCK đã có bước phát triển ngoài sức tưởng tượng, khi  thu hút gần 1.000 DN lên sàn, gần 1,5 triệu nhà đầu tư, giúp nền kinh tế huy động 1,5 triệu tỷ đồng vốn, thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, tạo dựng văn hóa kinh doanh minh bạch và góp sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn sang các nước khác, thực lực của TTCK Việt Nam còn rất khiêm tốn, ngay cả so với nhiều thị trường trong khu vực ASEAN.

Nếu TTCK Việt Nam có quy mô vốn hóa 50 tỷ USD, thì TTCK Thái Lan có quy mô vốn hóa 480 tỷ USD, TTCK Malaysia có quy mô vốn hóa 600 tỷ USD, với thanh khoản gấp nhiều lần, có chính sách, cơ chế điều hành năng động, sẵn sàng hội nhập.

Thực tế này cho thấy, TTCK Việt Nam cần bước nhanh hơn chính mình mới có hy vọng sánh bước khi hội nhập.

Trong thông điệp gửi đến TTCK năm 2015, câu chuyện hội nhập đã được Thủ tướng đề cập và đặt mong muốn ngành chứng khoán sẽ bước vững trong thế hội nhập đang đến rất gần.

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện 8 hiệp định thương mại tự do và sắp ký kết 6 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong bối cảnh đó, không còn cách nào khác phải hoàn thiện thể chế nhằm mục tiêu để TTCK hoạt động năng động, minh bạch, tính thị trường phải cao hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế”, Thủ tướng nói và giao nhiệm vụ, các văn bản pháp quy sắp tới phải thực hiện đúng các cam kết hội nhập khi gia nhập WTO và đúng cam kết trong đàm phán về các hiệp định thương mại tự do với quốc tế.

Hoàn thiện thể chế, chính sách để thị trường vốn, trọng tâm là TTCK mạnh hơn và chủ động trước ngưỡng cửa hội nhập, là thông điệp đồng thời là nhiệm vụ mới mà người đứng đầu Chính phủ đặt ra trong cuộc gặp đầu năm với ngành chứng khoán. Làm thế nào để thông điệp của Thủ tướng đi vào thực tiễn là điều các thành viên đang chờ đợi và dõi theo từng bước đi của UBCK, Bộ Tài chính và các bộ, ngành.             

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Tôi đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được của ngành tài chính nói chung và ngành chứng khoán nói riêng trong những năm qua. Sau 15 năm hình thành, TTCK hiện đã phát triển vững chắc hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Hiện Việt Nam đang thực hiện 8 hiệp định thương mại tự do, đang đàm phán và chuẩn bị ký kết 6 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tức là yêu cầu mở cửa cao hơn so với trước. Trong bối cảnh đó, không cách nào khác là cần phải hoàn thiện thể chế, thúc đẩy TTCK năng động, linh hoạt, minh bạch hơn trong điều kiện kinh tế thị trường đầy đủ hơn và hội nhập hơn.

Năm 2015 là năm tập trung cao triển khai cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK. Cùng với đó là những yêu cầu xây dựng các nghị định, thông tư mới cho TTCK, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và sự phát triển của TTCK Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đó là thị trường vốn; thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN và hình thành loại hình doanh nghiệp cổ phần; thúc đẩy xã hội hóa trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội XI của Đảng thông qua nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước khuyến khích hình thành doanh nghiệp cổ phần, niêm yết, mua bán cổ phiếu trên TTCK.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và các bộ, ngành liên quan cần tập trung rà soát lại để hoàn thiện khung thể chế, chính sách, nhằm mục tiêu đưa TTCK hoạt động thông thoáng hơn, hiệu quả hơn và minh bạch hơn, phù hợp hơn nữa với thông lệ quốc tế, để có thể hội nhập sâu rộng hơn.

Thể chế càng hoàn thiện, hiệu quả cả nền kinh tế càng cao. Các nghị định, thông tư tới đây phải hoàn thiện theo hướng đó, phải mở rộng thêm đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cũng cần tập trung chỉ đạo triển khai tốt Đề án tái cơ cấu TTCK, nâng cao chất lượng hàng hóa, công khai minh bạch, hợp nhất các sở để hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia TTCK lưu ý tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, góp phần làm nền kinh tế phát triển bền vững.

Tin bài liên quan