Mobifone nằm trong danh sách phải cổ phần hóa năm 2018

Mobifone nằm trong danh sách phải cổ phần hóa năm 2018

Truy trách nhiệm cá nhân để đẩy mạnh cổ phần hóa

(ĐTCK) Trong tháng 4/2018 chỉ cổ phần hóa (CPH) thêm được 1 công ty, 4 tháng đầu năm nay, chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong khi năm nay phải CPH 85 doanh nghiệp. Trước thực trạng này, Bộ Tài chính cần đi tìm lời giải cho sự chậm trễ, nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình CPH.

“Mổ xẻ” nguyên nhân

Theo Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm nay, chỉ 3 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị 726 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước 218 tỷ đồng, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Phước An - Đăk Nông, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vạn Tường và Ban quản lý Khai thác cung cấp nước sinh hoạt huyện Châu Thành (Bến Tre).

Như vậy, sự chậm trễ này đang gây áp lực ngày một lớn lên kế hoạch phải hoàn thành CPH 85 doanh nghiệp đề ra cho năm nay.

Theo nhìn nhận của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tiễn cho thấy, sự chậm trễ trong tiến trình CPH không chỉ xuất phát từ nguyên nhân mang tính khách quan như khó khăn trong định giá doanh nghiệp, xử lý tồn đọng hay bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế chưa thuận lợi, mà còn do những yếu tố mang tính chất chủ quan như lo ngại của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, kết quả yếu kém của công ty, khi phải thực hiện kiểm toán và đánh giá lại giá trị để thực hiện CPH.

Điều quan trọng hơn phải kể đến là sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ, ngành dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn chưa được thực thi với hiệu lực cao.

“Ví dụ, dù các quy định về đưa cổ phiếu vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán đối với doanh nghiệp CPH là một yêu cầu cơ bản đối với doanh nghiệp lớn, minh bạch trong nền kinh tế thị trường và đã được ban hành rộng rãi, nhưng vẫn không được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Vậy mà chưa có ai phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Nỗ lực cải cách bị trì hoãn như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, của các nhà đầu tư”, ông Lộc nói.

Ở vai trò là tư lệnh lĩnh vực CPH theo phân giao của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, tiến độ CPH doanh nghiệp nhà nước những tháng đầu năm 2018 còn chậm. Việc chậm trễ này ở khâu tổ chức thực hiện và do những nguyên nhân như quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi CPH vẫn phức tạp.

Theo đó, một số doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất “vàng” tại các địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi CPH. Quá trình UBND cấp tỉnh có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường rất chậm, dẫn đến việc phải kéo dài thời gian CPH. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.

Đây chính là những tồn tại của khâu tổ chức thực hiện đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của quá trình CPH, phản ánh chưa đầy đủ giá trị doanh nghiệp khi CPH; đồng thời cũng là nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để vi phạm quản lý, sử dụng đất đai trước, trong và sau khi CPH.

“Tính công khai, minh bạch trong quá trình CPH thời gian vừa qua chưa cao. Các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua nhiều lúc, nhiều nơi còn hạn chế và bị vi phạm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Truy trách nhiệm cá nhân

Để đẩy nhanh tiến độ CPH, các chuyên gia, cũng như lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để có sự vào cuộc đồng bộ, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu.

“Đặc biệt, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ niêm yết doanh nghiệp CPH trên thị trường chứng khoán. Thị trường tài chính và nhà đầu tư sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới chất lượng quản trị công ty. Tôi cũng đề nghị Quốc hội mạnh dạn giao cho một số tập đoàn nhanh chóng trong 5 năm tới có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế, để tăng tính hấp dẫn cho tiến trình CPH”, TS. Lê Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho rằng, CPH doanh nghiệp nhà nước cần phải thực hiện triệt để hơn không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng. Cụ thể, Chính phủ cần cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân sâu rộng hơn vào bộ máy quản trị doanh nghiệp đã được CPH.

Cần có quy định rõ, công khai, minh bạch các thông tin về doanh nghiệp CPH và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để loại bỏ nhà đầu tư ngắn hạn hoặc không mang lại giá trị tăng thực chất, phù hợp với hoạt động doanh nghiệp. Chính phủ nên cân nhắc mở rộng lĩnh vực ngành nghề mà nhà đầu tư chiến lược nắm giữ, tỷ lệ cổ phần chi phối trừ lĩnh vực ngành nghề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, cũng như quốc phòng an ninh.

“Cần tiếp cận CPH doanh nghiệp nhà nước dưới con mắt của nhà đầu tư và tuân theo cơ chế thị trường thay vì tiếp cận theo cách của các cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy, doanh nghiệp CPH mới được định giá đúng và hấp dẫn cổ đông chiến lược”, ông Đức nói.

Thu hẹp danh mục doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

Đối với những doanh nghiệp đã CPH trong giai đoạn 2011 - 2016, tỷ lệ vốn trung bình nhà nước nắm giữ còn ở mức rất cao, tới 81%. Nhiều cử tri cho rằng, CPH như vậy mang tính hình thức, không đạt mục tiêu huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào doanh nghiệp và đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp.

Do vậy, đề nghị Chính phủ rà soát lại tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, danh mục doanh nghiệp nhà nước CPH, thu hẹp nhóm ngành, lĩnh vực, số lượng doanh nghiệp mà nhà nước cần duy trì 100% vốn nhà nước và giữ cổ phần chi phối.

Đối với những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, kiên quyết thoái toàn bộ 100% vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đủ để đổi mới quản trị doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng về vốn, công nghệ, tạo động lực phát triển doanh nghiệp. Trên cơ sở đó công khai, minh bạch danh mục, lộ trình CPH theo cơ chế thị trường để tối đa hóa giá trị bán vốn nhà nước.

Cần có luật cổ phần hóa

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Để tăng cường khung khổ pháp lý cũng như kỷ cương trong việc thực hiện CPH doanh nghiệp nhà nước, đề nghị Quốc hội nghiên cứu và giao Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Luật Cổ phần hóa. Đây là việc rất quan trọng, xứng đáng để Quốc hội có bộ luật riêng về vấn đề này.

Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng chủ trương, chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, bao gồm cả các nhà đầu tư chiến lược của khu vực vừa và nhỏ, có thể tham gia vào quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước. Sự lùi lại của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng sẽ tạo nên bước tiến cho khu vực doanh nghiệp nội địa ở những lĩnh vực này, không thể chỉ để cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình CPH các doanh nghiệp nhà nước của chúng ta.

Đây là vấn đề khó nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Chúng ta tuân thủ các quy định của quốc tế, của WTO, nhưng vẫn tạo điều kiện cho khu vực tư nhân trong nước có thể tham gia vào quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước.

Tin bài liên quan