Triển vọng ngành kém khả quan, cổ phiếu xây dựng đi xuống

Triển vọng ngành kém khả quan, cổ phiếu xây dựng đi xuống

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh nửa đầu năm, cũng như diễn biến thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành xây dựng đang phản ánh thực tế khó khăn của ngành này.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, ba khu vực kinh tế là dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp - xây dựng cùng tăng trưởng chậm lại. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 8,93% - thấp hơn mức 9,1% của cùng kỳ 2018.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của các doanh nghiệp xây dựng đã phần nào phản ánh sự khó khăn này. Ðơn cử, tại CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), kết thúc nửa đầu năm, việc doanh thu thuần giảm 20,6% và doanh thu hoạt động tài chính giảm 27,2% đã khiến lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ giảm 57,7% so với cùng kỳ 2018, xuống 222,4 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh kém khả quan là một trong những nguyên nhân khiến thị giá cổ phiếu liên tục đi xuống. Ðóng cửa phiên giao dịch 23/8, cổ phiếu CTD đứng ở mức 99.900 đồng/CP, giảm 37,6% so với hồi đầu năm, khiến vốn hóa “bốc hơi” hơn 4.660 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối năm 2017, cổ phiếu CTD ghi nhận mức đỉnh 240.000 đồng/CP.

Ðánh giá về triển vọng của Coteccons, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, giá trị hợp đồng ký mới thấp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp này. VCSC ước tính, giá trị hợp đồng ký mới của Coteccons năm 2019 ở mức 23.100 tỷ đồng (giảm 25% so với năm 2018), riêng 3 đô thị Vinhomes đang thi công dự kiến đóng góp 15% tổng doanh thu giai đoạn 2019-2022.

Triển vọng ngành kém khả quan, cổ phiếu xây dựng đi xuống   ảnh 1

VCSC điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế (sau lợi ích cổ đông thiểu số) các năm 2020, 2021 lần lượt là 31% và 35% vì lo ngại về khả năng duy trì tăng trưởng giá trị hợp đồng ký mới của CTD (ngoài các dự án Vinhomes), cũng như khả năng duy trì biên lợi nhuận ổn định trong giai đoạn dự báo.

Biên lợi nhuận gộp của CTD giảm xuống 3,2% trong quý II/2019, so với mức 6,6% của Ricons (công ty xây dựng mà CTD nắm 15% cổ phần). Thực tế, lợi nhuận của CTD đã sụt giảm trong 4 quý liên tiếp, từ quý III/2018 đến quý II/2019, lần lượt là 473 tỷ đồng, 318,8 tỷ đồng, 188,8 tỷ đồng và 123,8 tỷ đồng.

Theo đó, VCSC điều chỉnh giảm giá mục tiêu 25% xuống 93.000 đồng/CP do diễn biến hoạt động kinh doanh quý II/2019 tiêu cực hơn so với dự kiến, bên cạnh lo ngại liên quan đến việc công bố thông tin khá hạn chế trong 3 quý gần nhất.

Tương tự, cổ phiếu của một đại gia xây dựng khác là CTCP Tập đoàn Hòa Bình (HBC) cũng liên tục giảm thời gian qua. Kết thúc phiên 23/8, cổ phiếu HBC chốt tại mức giá 13.800 đồng/CP, giảm 17,9% so với đầu năm, khiến vốn hóa thị trường giảm 690 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ HBC cũng liên tục giảm trong 4 quý gần nhất. Cụ thể, trong quý III/2018, HBC lãi hơn 206 tỷ đồng, sang quý IV/2018 giảm về 129 tỷ đồng, đến quý I/2019 về mức 119,5 tỷ đồng và chỉ còn 55,1 tỷ đồng vào quý II/2019.

Tại CTCP Hưng Thịnh Incons (HTN), doanh thu và lợi nhuận quý II/2019 cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong kỳ, HTN ghi nhận 1.156 tỷ đồng doanh thu, giảm 25%, so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng, giảm 22%. Theo HTN, nguyên nhân sụt giảm là do đặc thù ngành xây dựng nghiệm thu theo giai đoạn, nên những hạng mục công trình chưa nghiệm thu thì chưa được ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HTN đóng cửa phiên 23/8 ở mức 19.450 đồng/CP, giảm 30,5% so với mức giá ngày chào sàn 12/11/2018 là 28.000 đồng/CP và giảm 10% so với đầu năm.

Việc thị giá nhiều cổ phiếu xây dựng giảm sâu đã phần nào phản ánh sự khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng thời gian qua. Từ nay đến cuối năm,bức tranh ngành xây dựng  được nhìn nhận vẫn chưa thể khởi sắc, nên có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cổ phiếu ngành này.

Tin bài liên quan