Triển khai T+0, học kinh nghiệm từ Đài Loan

Triển khai T+0, học kinh nghiệm từ Đài Loan

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai giao dịch trong ngày (T+0) của TTCK Đài Loan đến các thành viên thị trường, để họ có thêm thông tin góp ý cho dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch chứng khoán.

4 “van” kiểm soát rủi ro

Xét về bối cảnh triển khai giải pháp giao dịch T+0, thì TTCK Việt Nam hiện khá tương đồng với TTCK Đài Loan về thời gian giao dịch trong một phiên. Theo đó, thời gian giao dịch của TTCK Đài Loan bắt đầu từ 9h00 và kết thúc lúc 14h30 (sớm hơn TTCK Việt Nam 15 phút). Các lệnh T+0 được phép giao dịch từ 9h00 đến 13h30, mà không áp dụng trong khoảng thời gian giao dịch giá đóng cửa (từ 14g00 - 14h30). Đồng thời, lệnh giao dịch T+0 không áp dụng đối với giao dịch lô lẻ, lô lớn hoặc giao dịch thông qua đấu giá, giao dịch thỏa thuận.

Để quản lý rủi ro hiệu quả, các CTCK tại Đài Loan đưa ra 4 “van” kiểm soát.

Thứ nhất là quản lý giới hạn. Theo đó, hạn ngạch giao dịch cho NĐT được xác định trên cơ sở các lệnh mua/bán đầu tiên (không bao gồm lệnh giao dịch bù trừ cho các lệnh trước đó).

Thứ hai là yêu cầu ký quỹ trước: yêu cầu khách hàng ký quỹ tiền, chứng khoán (tùy theo mức độ tín nhiệm của khách hàng).

Thứ ba là đánh giá hàng ngày giới hạn giao dịch. Theo đó, hạn ngạch giao dịch cho NĐT có thể được điều chỉnh, trên cơ sở đánh giá lãi/lỗ của họ sau mỗi ngày giao dịch.

Thứ tư là đánh giá lỗ hàng tháng của NĐT: nếu lỗ lũy kế của NĐT chạm ngưỡng 50% hạn ngạch giao dịch trong ngày, CTCK có thể ngừng cung cấp dịch vụ T+0, để giảm thiểu rủi ro cho chính CTCK cũng như thị trường.

Các “van” kiểm soát hoàn toàn do CTCK tự xác định trên cơ sở khẩu vị rủi ro của từng công ty, cũng như quan hệ giữa công ty và khách hàng. 

Kinh nghiệm xử lý thiếu hụt tiền, chứng khoán

Một câu hỏi lớn liên quan đến triển khai giải pháp giao dịch T+0 tại Việt Nam là phải tìm ra lời giải tối ưu cho xử lý thiếu hụt về tiền và chứng khoán, để tránh xảy ra rủi ro hệ thống.

Theo UBCK, kinh nghiệm của TTCK Đài Loan cho thấy, tại ngày T, NĐT đặt lệnh bán chứng khoán, thì CTCK có trách nhiệm kiểm tra ký quỹ của NĐT. Trong trường hợp NĐT không phát sinh thiếu hụt tiền/chứng khoán, thì chấp nhận lệnh giao dịch. Trường hợp phát sinh thiếu hụt tiền/chứng khoán, CTCK phải kiểm tra xem công ty có đủ tiền hoặc đủ chứng khoán để cho NĐT vay hay không. Nếu đủ, thì CTCK chấp nhận lệnh của NĐT, còn không đủ thì từ chối lệnh.

Với trường hợp lệnh bán của NĐT thực hiện trước, sau đó họ mua thành công chứng khoán để cân bằng trạng thái mua/bán, thì tại ngày T, giao dịch trong ngày hoàn tất. Nếu NĐT đã bán chứng khoán, nhưng sau đó vì nhiều lý do không mua thành công chứng khoán để cân bằng trạng thái, thì tại ngày T, CTCK có trách nhiệm hỗ trợ NĐT bằng cách vay từ nguồn hàng hiện hữu có trong danh mục tự doanh, hoặc vay từ các khách hàng khác hay từ các CTCK khác; đồng thời thay đổi mã lệnh theo hướng: giao dịch ký quỹ hoặc vay chứng khoán để bán.

Cùng với đó, CTCK phải báo lỗi giao dịch cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK), đồng thời thực hiện các giải pháp theo quy trình xử lý thiếu hụt chứng khoán của TTLK.

Cụ thể, nếu kết thúc ngày T mà CTCK không có chứng khoán từ nguồn tự doanh, hoặc không thể vay được chứng khoán để hoàn tất giao dịch, thì tại ngày T+1, CTCK đặt lệnh mua chứng khoán với mức giá cao nhất, bảo đảm giao dịch thực hiện thành công để bù đắp khoản thiếu hụt, đồng thời phải vay chứng khoán thông qua công ty tài chính chứng khoán (tổ chức đặc biệt được thành lập nhằm hỗ trợ thanh khoản trên TTCK).

Nếu việc vay vẫn không thực hiện được, thì tại ngày T+2, CTCK phải phát vay trên Hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) của TTLK. Đến ngày T+3, thì CTCK hoàn trả chứng khoán đã vay.

Đề cập chi tiết hơn quy trình vay chứng khoán để bù đắp thiếu hụt trong ngày giao dịch của TTCK Đài Loan, chuyên gia của UBCK dẫn ra một ví dụ. Theo đó, tại ngày T, để có chứng khoán cho NĐT B vay chứng khoán do thiếu hụt, thì CTCK phải vay từ nguồn của NĐT A. CTCK chỉ có thể mượn chứng khoán từ khách hàng của chính mình và của CTCK khác.

Giao dịch này phải được thông báo tới TTLK và phải được thực hiện dưới tên của CTCK. Trong quan hệ vay - cho vay trực tiếp giữa CTCK và khách hàng, ban giám đốc, ban kiểm soát, cổ đông nắm giữ hơn 10% và người có liên quan không được vay và cho vay cổ phiếu của mình, kể cả khi cổ phiếu trong danh mục quản lý ủy thác bởi công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên, việc vay mượn chứng khoán trên hệ thống SBL không bị hạn chế bởi quy định này.

Tại ngày T+1, CTCK ký hợp đồng với các bên cho vay và với công ty tài chính chứng khoán. Giao dịch này phải được thông báo tới TTLK và phải được thực hiện dưới tên CTCK.

Một điểm cần lưu ý trong thực hiện giao dịch T+0 là thời điểm tạm dừng thực hiện các giao dịch này. Tại TTCK Đài Loan, để ngăn ngừa các tranh chấp quyền sở hữu phát sinh từ hoạt động vay mượn chứng khoán, trong giai đoạn 5 ngày trước khi chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền, mọi giao dịch vay, mượn chứng khoán không được phép thực hiện.

Tin bài liên quan