Tranh chấp cổ đông nhìn từ mùa đại hội 2019

Tranh chấp cổ đông nhìn từ mùa đại hội 2019

(ĐTCK) Tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ cổ đông có nguồn gốc sâu xa từ lợi ích. Bên cạnh đó, cổ đông thiếu niềm tin rằng ban lãnh đạo sẽ hành xử vì lợi ích chung.

Năm 2020, mặc dù có lo ngại về dịch Covid-19, nhưng mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đã rục rịch bắt đầu. Một số doanh nghiệp thông báo chốt danh sách cổ đông chuẩn bị tổ chức đại hội.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Đông Dương (PTT) chốt danh sách để tổ chức ĐHCĐ 2020, ngày đăng ký cuối cùng là 10/3; Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến tổ chức ĐCHĐ vào ngày 28/4, ngày đăng ký cuối cùng là 16/3;

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) dự kiến họp đại hội vào ngày 27/3, ngày chốt danh sách là 20/2; Công ty cổ phần Máy và Thiết bị dầu khí (PVM) chưa ấn định ngày tổ chức ĐHCĐ, nhưng đã chốt danh sách ngày 18/3...

Nhìn lại năm 2019, bên cạnh những đại hội xuôi chèo mát mái, cổ đông hỉ hả với lợi nhuận, cổ tức và giá cổ phiếu, thì có không ít đại hội đầu không xuôi, đuôi không lọt.

Chẳng hạn, cuộc họp ĐHCĐ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) liên tục bị hoãn, do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông.

Sau 3 lần trù bị, Eximbank tổ chức ĐHCĐ lần 2 nhưng lại nổ ra tranh cãi về vị trí chủ tọa, dẫn đến quy chế tiến hành đại hội không được thông qua.

Sau đó, Chủ tịch HĐQT Eximbank xin từ chức với lý do "có quá nhiều bất đồng khó dung hòa dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành...".

Cuối cùng, ngân hàng này quyết định tổ chức ĐCHĐ bất thường năm 2019 vào ngày 5/3/2020, ngày chốt danh sách là 12/12/2019.

Một tranh chấp cổ đông đình đám khác trong năm 2019 là việc nhóm cổ đông của Vinaconex có đơn yêu cầu tòa án hủy nghị quyết ĐHCĐ. Mặc dù tòa án đã đình chỉ xét đơn yêu cầu, nhưng vụ việc cho thấy mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn qua các chính sách mua cổ phiếu quỹ, thẩm quyền quyết định dự án...

Ngoài ra, có không ít tranh chấp giữa công ty và các cổ đông cá nhân sở hữu lượng cổ phiếu ít ỏi.

Ví dụ, những bức xúc của một nhóm cổ đông ở Công ty cổ phần Xi măng La Hiên (CLH) kéo dài dai dẳng.

Những vấn đề cổ đông bức xúc thường liên quan đến tính minh bạch, công khai như giao dịch với các bên liên quan, vấn đề đấu thầu, vấn đề lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh...

Hay như việc cổ đông phản ứng về điều lệ của Công ty cổ phần Cấp nước Nhơn Trạch quy định tỷ lệ ứng cử/đề cử là 10%, cao gấp đôi so với tỷ lệ mà điều lệ mẫu của công ty đại chúng quy định...

Theo luật sư Nguyễn Huy An (Văn phòng luật sư Huy An), trong công ty cổ phần, tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ cổ đông đều có nguồn gốc sâu xa từ lợi ích.

Đối với các nhóm cổ đông sở hữu đủ tỷ lệ để tham gia hội đồng quản trị, hoặc đủ tỷ lệ phủ quyết thì hầu hết các vấn đề quan trọng đều được các bên trao đổi, thỏa thuận thống nhất trước khi ra cuộc họp.

Nhưng không phải lúc nào các bên cũng đạt được thỏa thuận, chấp nhận lùi bước để có được sự hài hòa lợi ích.

Trong trường hợp này, mấu chốt là doanh nghiệp phải tôn trọng các quy định pháp luật, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ, hạn chế các sơ hở có thể dẫn đến cuộc chiến pháp lý.

Thực tế, từng có nhóm cổ đông phản ứng về việc một công ty trong ngành dầu khí năm nào cũng bầu lại từng thành viên hội đồng quản trị, thay vì bầu lại toàn bộ dựa trên quy định về nhiệm kỳ của thành viên hội đồng quản trị tại Luật Doanh nghiệp.

Việc bầu lại từng thành viên khiến số phiếu của cổ đông lớn tập trung, các cổ đông nhỏ dù tập hợp được trên 25% lá phiếu vẫn khó chen chân vào hội đồng quản trị.

Nhóm cổ đông bức xúc cho rằng quy định của Luật Doanh nghiệp bất cập, nhưng không thể tiến hành các phản ứng cứng rắn hơn.

Một vấn đề khác, theo luật sư Nguyễn Huy An, doanh nghiệp cần tôn trọng cổ đông. Nhìn lại mùa ĐHCĐ 2019, một số trường hợp cổ đông gửi văn bản đóng góp ý kiến và biểu quyết từ xa theo đúng quy định về các hình thức ra quyết định của ĐHCĐ theo Luật Doanh nghiệp.

Cổ đông biểu quyết với ý kiến là không đồng ý hoặc không có ý kiến, nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận tỷ lệ biểu quyết 100%.

Tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân rất nhỏ, nhưng đây là nguy cơ dẫn đến việc đề nghị tòa án hủy nghị quyết ĐHCĐ nếu mâu thuẫn nghiêm trọng.

“Bên cạnh nguồn gốc lợi ích, mẫu thuẫn nội bộ cổ đông còn do sự thiếu tin tưởng, cổ đông không có niềm tin rằng ban lãnh đạo sẽ hành xử vì lợi ích chung của doanh nghiệp. Do đó, giải pháp vẫn là sự minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật để hạn chế tranh chấp”, luật sư An nói.    

Tin bài liên quan