Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rục rịch quay trở lại thị trường trái phiếu.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rục rịch quay trở lại thị trường trái phiếu.

Trái phiếu chính phủ: Nhà đầu tư nước ngoài quay lại

(ĐTCK-online) Trái phiếu chính phủ với những điều chỉnh lãi suất theo thị trường đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại đầu tư sau hơn 3 tháng "lơ là".

Theo ước tính của các chuyên gia trên thị trường vốn, các nhà tổ chức đầu tư nước ngoài đã bán một lượng trái phiếu chính phủ trị giá 1 tỷ USD trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua cho các ngân hàng trong nước (một phần nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn ở Mỹ).

Việc Bộ Tài chính cho phép lãi suất trái phiếu chính phủ điều chỉnh theo thị trường thay cho cơ chế lãi suất trần chỉ đạo đã khiến thị trường trái phiếu chính phủ có những chuyển biến tích cực. Những phiên đấu thầu trái phiếu tại TTGDCK Hà Nội gần đây không còn cảnh ảm đạm như trước.

Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm đã tăng từ 8,3%/năm vào phiên đấu thầu ngày 12/11 lên 8,5%/năm vào phiên ngày 26/11 và 8,7%/năm vào phiên ngày 10/12. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm cũng tăng lên 8,2%/năm từ mức hơn 7%/năm hồi đầu năm. Khối lượng đưa ra đấu thầu trong các phiên gần đây cũng được mua gần hết. Đơn cử, trong phiên đấu thầu ngày 10/12, toàn bộ khối lượng trái phiếu kỳ hạn 5 năm đã được mua hết và 84% khối lượng trái phiếu kỳ hạn 3 năm đã có chủ.

Kết quả này khác xa với tỷ lệ 10% khối lượng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và không có trái phiếu kỳ hạn 3 năm nào được mua vào phiên đấu thầu ngày 26/11. Một trong những nguyên nhân không thành công là lãi suất chỉ ở mức 8,5%/năm cho kỳ hạn 5 năm và 8% cho kỳ hạn 3 năm, trong khi đó lãi suất đặt thầu thấp nhất cho kỳ hạn 3 năm là 8,5%/năm và cao nhất là 8,65%/năm.

Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh nắm giữ thị phần lớn trong mảng trái phiếu chính phủ cho biết, gần đây, không chỉ trên thị trường sơ cấp (thị trường phát hành) mà trên thị trường thứ cấp (thị trường mua đi bán lại), các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã bắt đầu liên hệ lại với ngân hàng để mua trái phiếu. Giá trị mỗi vụ mua bán tuy nhỏ, chỉ dừng ở mức vài chục tỷ đồng trong 1 - 2 tuần gần đây, song đó là dấu hiệu đáng mừng của thị trường. Ngay cả những tổ chức nước ngoài như Citibank và HSBC cũng đã thể hiện sự quan tâm của mình trong báo cáo về thị trường Việt Nam .

"Ở thời điểm này, có dấu hiệu nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rục rịch nhảy vào thị trường, tuy nhiên họ đang "mua rò đáy và bán rò đỉnh" để nắm bắt và tìm cơ hội từ thị trường", vị lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quay lại thị trường là điều không phải ngẫu nhiên bởi lợi tức từ trái phiếu chính phủ Việt Nam hiện đạt khá cao so với khu vực và so với trái phiếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nếu không muốn nói là cao gấp đôi. Trong khi đó, sức ép VND tăng giá so với USD ngày càng cao vào thời điểm cuối năm khi luồng vốn đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tăng lên mạnh mẽ. Nhìn ra các nước xung quanh, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tỷ giá đồng nội tệ đều tăng giá so với USD trong 7 năm đầu gia nhập.

Tuy nhiên, yếu tố khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự tham gia mạnh vào thị trường là do lạm phát đang ngày một tăng cao tại Việt Nam . Họ đang trong tâm lý chờ đợi lãi suất lên cao hơn và với tình hình hiện tại, họ sẽ tiếp tục kỳ vọng. Do đó, thị trường trái phiếu chính phủ sẽ khó phát triển trong giai đoạn hiện tại. Trong khi đó, Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về thắt chặt tín dụng cho chứng khoán đã làm cho giao dịch trái phiếu gặp khó khăn, tính thanh khoản giảm bởi việc áp dụng chỉ thị này vô hình trung làm cho hoạt động repo trái phiếu rất vướng. Nhiều ngân hàng hiện không còn "room" cho dịch vụ repo trái phiếu. Việc nắm giữ giữ trái phiếu đồng nghĩa với việc giữ cố định lượng tiền. Tuy nhiên, với những ai đầu tư lâu dài vào trái phiếu chính phủ thì đây là vấn đề không đáng lo ngại.