Vi phạm của SKG đã tạo tiền lệ xấu cho thị trường chứng khoán, gây bức xúc cho nhà đầu tư, cổ đông Công ty

Vi phạm của SKG đã tạo tiền lệ xấu cho thị trường chứng khoán, gây bức xúc cho nhà đầu tư, cổ đông Công ty

Trách nhiệm lãnh đạo ở đâu khi doanh nghiệp sai phạm?

(ĐTCK) Từ chuyện SKG bị truy thu và phạt thuế hơn 57 tỷ đồng, làm suy giảm nghiêm trọng lợi nhuận Công ty, giá cổ phiếu, đặt ra vấn đề là liệu có cần xem xét trách nhiệm lãnh đạo khi doanh nghiệp để xảy ra vi phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông và uy tín doanh nghiệp hay không?

Nỗi đau của nhà đầu tư SKG…

Như thông tin báo chí đã phản ánh trong thời gian qua về CTCP Superdong Kiên Giang (SKG), sau hơn 2 tháng nhận quyết định xử phạt của cơ quan thuế, Ban lãnh đạo SKG mới công bố thông tin ra thị trường.

Hàng trăm nhà đầu tư mua trong giai đoạn này đã bị thiệt hại khi giá cổ phiếu sụt giảm trước và sau thông tin sai phạm. Ban lãnh đạo SKG đã có giải trình và thừa nhận việc chậm trễ công bố thông tin.

Thông tư 155/2015/TT-BTC quy định, công ty đại chúng, niêm yết phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được bản án, quyết định của tòa án liên quan đến hoạt động của công ty; kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật về thuế.

Thực chất, các quy định về mặt pháp luật chỉ là quy định tối thiếu đối với doanh nghiệp niêm yết. Đối với những thông tin có ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu như quyết định phạt thuế, đặt trên tinh thần cẩn trọng nhất của người lãnh đạo, từ lúc bắt đầu làm việc với cơ quan thuế, đáng ra, HĐQT SKG đã phải công bố và lưu ý nguy cơ có thể bị phạt để cổ đông nắm được thông tin, cho dù doanh nghiệp có đồng tình hay không với quyết định đó.

Lập luận của SKG cho rằng, từ thời điểm có quyết định của cơ quan thuế, Công ty có trình khiếu nại quyết định truy thu nhưng chưa nhận được phản hồi nên chưa công bố thông tin được nhiều nhà đầu tư cho là không hợp lý.

Theo nhà đầu tư Hoàng Mạnh Hùng tại sàn MBS, một khi cơ quan thuế đã ra quyết định nghĩa là công ty phải công bố, phải chấp hành và không có lý do gì để trì hoãn. Không những vậy, động thái bán ra của một số cổ đông nội bộ trong thời gian thông tin chưa đến với cổ đông càng khó để doanh nghiệp này biện minh cho hành vi chậm công bố thông tin của mình.

Tuy nhiên, hầu hết cổ đông SKG không thực sự nắm rõ được thông tin về khoản truy thu thuế cho đến khi thông tin SKG bị Chi cục thuế Phú Quốc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế tổng số tiền hơn 57 tỷ đồng.

Vi phạm của SKG không chỉ tạo tiền lệ xấu cho thị trường, mà còn gây bức xúc cho nhà đầu tư, cổ đông SKG. Với mức truy thu lên đến hàng chục tỷ đồng, lợi nhuận của Công ty bị sụt giảm, đồng nghĩa ESP sẽ giảm, giá cổ phiếu đã và sẽ còn điều chỉnh.

Thứ hai, cổ đông và nhà đầu tư đứng trước áp lực bán tháo khi cổ phiếu sẽ phải vào diện không được cấp margin theo quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Thông thường, đứng trước nhiều thông tin bất lợi cho doanh nghiệp, cổ đông, cách nhanh chóng nhất mà nhiều nhà đầu tư lựa chọn là bán ra cổ phiếu, không đầu tư vào doanh nghiệp đó nữa. Trong nhiều trường hợp nhà đầu tư không muốn và cũng không thể “làm đến cùng” vì quyền lợi của mình bởi nhiều lý do.

Mất không ít tiền theo đà rơi của giá cổ phiếu SKG, nhiều nhà đầu tư cho rằng, những vi phạm như SKG, truy trách nhiệm sau án phạt của nhà quản lý như thế nào là điều họ quan tâm nhất. Dù vô tình hay hữu ý, việc để xảy ra vi phạm trách nhiệm lớn nhất thuộc về ban lãnh đạo doanh nghiệp, cụ thể là HĐQT.

… Đến trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp khi xảy ra sai phạm

Theo TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP. HCM, chuyên gia quản trị công ty khu vực ASEAN thì hiện nay, về mặt pháp luật đã có Nghị định 108/2013/NĐ-CP và Nghị định 145/2016/NĐ-CP quy định xử phạt đối với trường hợp chậm công bố thông tin doanh nghiệp (thông tin định kỳ và thông tin bất thường), phạt đối với các cá nhân như cán bộ công bố thông tin, hay người có trách nhiệm sau cùng như Chủ tịch HĐQT công ty niêm yết cho những trường hợp chậm công bố thông tin và đặc biệt khi có quyết định từ cơ quan thuế về sai phạm thuế.

“Tuy nhiên, hầu hết sau các vụ việc vi phạm, đối tượng chịu phạt đều là doanh nghiệp, mà ít truy đến trách nhiệm cá nhân lãnh đạo hay những nhân sự cụ thể. Như vậy, sau khi doanh nghiệp nộp phạt, cổ đông phải gánh chịu phí phạt, bên cạnh việc phải gánh chịu tổn thất từ giao dịch mà gây ra bởi các thông tin nội bộ chậm công bố”, bà Hiền cho hay.

 Với mức truy thu lên đến hàng chục tỷ đồng, lợi nhuận của SKG sẽ bị sụt giảm, giá cổ phiếu đã và có thể sẽ còn điều chỉnh

Thực tế, cổ đông có quyền khởi kiện ban lãnh đạo trong trường hợp để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều hành và quản lý doanh nghiệp. Quyền này đã được hiện thực hóa trong Luật Doanh nghiệp 2014.

Theo đó cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với cá nhân người quản lý doanh nghiệp khi phát hiện người quản lý doanh nghiệp có các hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và gián tiếp cho cổ đông, để đòi bồi thường thiệt hại.

Tại Việt Nam, điều này là có, nhưng để thực thi được là không dễ, một phần đến từ văn hóa người Việt Nam thường ngại kiện tụng (phí, thủ tục phức tạp), phần khác hiểu biết của cổ đông về kiện phái sinh nhân danh doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo báo cáo Môi trường kinh doanh của Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016, Việt Nam ghi được số điểm 4,5 trong chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, đứng vị trí thứ 122/189 quốc gia trên thế giới về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, lùi một bậc so với năm 2015.

Tham khảo mô hình trong khu vực, Malaysia, quốc gia được xếp thứ 4/189 quốc gia về bảo vệ cổ đông thiểu số theo xếp hạng của WB có một tổ chức bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. Theo đó, tổ chức này nắm giữ một lượng nhỏ cổ phiếu trong hầu hết các công ty niêm yết và trong trường hợp cần khiếu kiện nọ sẽ tập hợp và gom cổ phiếu của cổ đông nhỏ để thực hiện quyền.

Tổ chức này được Quỹ phát triển thị trường vốn của Malaysia tài trợ hoạt động. Tuy nhiên, theo bà Hiền, điều này thường chỉ trong những vụ việc phức tạp và trong nhiều trường hợp cách xử lý nhanh nhất là báo cho cơ quan quản lý nắm vụ việc.

Tại Việt Nam, hiện chưa có một cơ chế nào thực sự đứng ra vì quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ. Trong bối cảnh này, bà Hiền cho rằng, cổ đông cần tự ý thức về quyền lợi của mình để chủ động phản hồi.

Bà Hiền cũng nói thêm, tại một số thị trường trong khu vực, mức độ nhận thức của cổ đông về quyền của mình khi doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin khá cao. Trong những trường hợp cần thiết, họ thường sẽ chủ động phản hồi qua các kênh thông tin để cơ quan quản lý vào cuộc.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng phải tạo kênh phản hồi cho cổ đông và nhà đầu tư. Tại các nước trong khu vực, cơ quan quản lý thị trường, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán đều có kênh phản hồi cho cổ đông đối với trường hợp muốn tố giác các vi phạm pháp luật của tất cả các đối tượng thị trường.

Ngoài ra, cần phải xem xét mức độ xử phạt để quy định thực sự có tính răn đe hơn. Điều quan trọng nhất là phải truy trách nhiệm cá nhân trong các trường hợp vi phạm để cổ đông không phải bị phạt “vạ lây”, tránh tình trạng phạt chung chung, chẳng ai chịu trách nhiệm.

Tin bài liên quan