Trả cổ tức sao cho đỡ tức, ý kiến từ nhiều phía

Trả cổ tức sao cho đỡ tức, ý kiến từ nhiều phía

(ĐTCK) Bài viết “Trả cổ tức: sao cho đỡ tức” của chuyên gia chứng khoán Huy Nam đăng trên Đầu tư Chứng khoán mới đây nhận được nhiều sự đồng thuận của nhà đầu tư và một số góc nhìn từ thị trường. Theo tiếp dòng thời sự này, Báo Đầu tư Chứng khoán xin chia sẻ quan điểm của một số bên liên quan.

Theo chuyên gia Huy Nam, để đảm bảo sự chặt chẽ, việc tiến hành trả cổ tức sẽ cần thông qua 4 thời điểm: ngày công bố (công ty ghi nhận vào sổ sách “khoản nợ” để trả cổ tức); ngày giao dịch không cổ tức (xác định ai sẽ nhận cổ tức); ngày ghi nhận (xác định cổ phiếu sẽ được nhận cổ tức) và ngày chi trả (việc chi trả thực sự được ghi nhận).

Trong khi các ngày “công bố, ghi nhận, chi trả” sẽ do doanh nghiệp quyết định, thì ngày giao dịch không cổ tức phải được sở giao dịch chứng khoán ấn định và đây là phương thức không thể “du di”. Vậy nhưng, đến nay, tại thị trường Việt Nam, hầu như chỉ có 3 cột mốc được quy định, được tiến hành theo thứ tự cứng là: ngày giao dịch không cổ tức, ngày ghi nhận, ngày chi trả, mà không có ngày công bố và tất cả đều do doanh nghiệp niêm yết quyết định.

Sự thiếu sót này cộng với trình tự thực hiện cứng và đơn điệu, thủ tục điều chỉnh giá, thuế không hợp lý, dẫn đến gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư.

Cũng theo ông Huy Nam, chúng ta cần biết việc công bố trả cổ tức mặc nhiên là việc xác định một nghĩa vụ. Sự kiện này cùng lúc sẽ hình thành một khoản nợ cần được chốt lại để chờ chi trả. Nếu không có ngày công bố thì sổ sách kế toán công ty sẽ không có bút tích ghi nhận khoản nợ này.

Việc không có cột mốc để thực hiện bút toán điều chỉnh sẽ làm cho nguồn vốn chủ sở hữu (phần lợi nhuận giữ lại) thể hiện một “khoản ảo” từ ngày công bố đến ngày chi trả.

Khoản ảo này có khi rất lớn, mặc nhiên thể hiện sự kém minh bạch trong các giao dịch tài chính liên quan đến tài sản thuần. Đó là chưa nói đến điều rất quan trọng: “sự ràng buộc nghĩa vụ phải trả” với nhà đầu tư. Bởi lẽ, trong thực tế, không ít trường hợp họ (nhà đầu tư) đã từng bị lờ, bị dây dưa, hứa cuội...

Nhiều ý kiến từ thị trường cho rằng, góc nhìn của ông Huy Nam, nhất là với câu chuyện trả cổ tức bằng cổ phiếu, là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, không phải Việt Nam hoàn toàn không có “ngày công bố”, bởi trên thực tế, thông qua nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của hội đồng quản trị và thông báo của Sở GDCK, Trung tâm lưu ký về ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức cũng được coi là hình thức đã công bố việc trả cổ tức, chỉ có điều cách kế toán khoản này của doanh nghiệp Việt Nam có thể không theo thông lệ quốc tế hiện nay.

Theo một chuyên viên trong khối quản lý ngành chứng khoán, việc Việt Nam chưa thể hoàn toàn áp dụng "ngày công bố" như các nước là bởi một số yếu tố đặc thù, nhất là ở các doanh nghiệp cổ phần có cổ đông lớn nhà nước.

Ở các nước, quyền của đại hội đồng cổ đông, của ông chủ doanh nghiệp là tối thượng, có nghĩa là khi công khai một khoản để trả cổ tức, thì họ toàn quyền trong đảm bảo cho “lời hứa” đó sẽ được thực hiện. Thế nhưng ở Việt Nam, không hoàn toàn tương tự như vậy.

Lấy ví dụ đơn cử, trong lĩnh vực ngân hàng, ngay cả khi ngân hàng lãi lớn, nhưng bản thân họ không phải tự quyết định việc chia cổ tức với mức bao nhiêu, vì có thể có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Bởi vậy, ngay cả khi ngân hàng lãi lớn, thì không dễ chia cổ tức cao, nếu Ngân hàng Nhà nước không ủng hộ (thường không ủng hộ vì mục tiêu lớn hơn mà Ngân hàng Nhà nước hướng tới là ngày một gia tăng hệ số an toàn tài chính của hệ thống ngân hàng thương mại).

Do đó, ngân hàng thương mại không thể công khai “ngày công bố”, vì như vừa phân tích, một khi Ngân hàng Nhà nước thể hiện quan điểm không ủng hộ chia cổ tức cao, thì rất có thể tỷ lệ chia cổ tức và thời điểm sẽ thay đổi, do đó ngân hàng rất dễ vạ miệng, bị coi là “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Mặt khác, ở không ít doanh nghiệp, sau khi đã công bố mức chi trả cổ tức tại nghị quyết đại hội đồng cổ đông hoặc nghị quyết của hội đồng quản trị, cũng như tại thông báo của Sở GDCK, Trung tâm lưu ký về ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức, doanh nghiệp đã hạch toán một khoản tiền để trả cổ tức, nên ý kiến này cho rằng, không có chuyện phản ánh phần lợi nhuận giữ lại là một “khoản ảo”.

Liên quan đến ý kiến cho rằng, không có quy định buộc doanh nghiệp thực thi “ngày công bố”, thì họ dễ lờ đi không trả cổ tức, hiện tại, về lý, nếu doanh nghiệp vi phạm quy định này, có thể sẽ đối mặt với nguy cơ bị kiện, bởi Khoản 4, Điều 132 Luật Doanh nghiệp đã quy định: cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Về phía nhà quản lý, quan điểm cơ bản cho rằng, nếu doanh nghiệp, hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm các quy định về trả cổ tức, thì cổ đông cũng như các bên liên quan có quyền khởi kiện ra tòa để buộc doanh nghiệp phải thanh toán cổ tức theo luật định. Tuy nhiên, trên thực tế, cổ đông rất khó tập hợp nhau lại để thực hiện việc khởi kiện doanh nghiệp và nếu có khởi kiện thì khả năng theo kiện để đi đến thắng kiện là vô cùng mong manh.      

Doanh nghiệp thất hứa trả cổ tức, cổ đông hãy khởi kiện 

Trả cổ tức sao cho đỡ tức, ý kiến từ nhiều phía ảnh 2

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế  Việt Nam 

Tuy quy định pháp lý Việt Nam hiện không quy định trực diện về “ngày công bố” trả cổ tức, nhưng thực ra dạng thông tin này đã được thể hiện qua nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên hoặc nghị quyết của hội đồng quản trị công ty. Do đó, nếu sau khi đã công bố các thông tin này, mà doanh nghiệp không nêu cụ thể mức tạm ứng/trả cổ tức, thời gian cụ thể, đồng thời chây ì, thậm chí lờ đi nghĩa vụ trả cổ tức, thì cổ đông có quyền khởi ra tòa theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Các cổ đông khởi kiện khi doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn thanh toán cổ tức theo quy định của Luật Doanh nghiệp, mà muốn giải quyết tranh chấp qua kênh trọng tài, thì phải đáp ứng hai điều kiện.

Thứ nhất là điều lệ công ty phải có quy định về việc sử dụng kênh trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, trường hợp điều lệ công ty chưa có quy định về nội dung này, thì người đại diện pháp luật của doanh nghiệp cùng với nhóm cổ đông khởi kiện phải đạt được thỏa thuận bằng văn bản về việc giải quyết tranh chấp qua kênh trọng tài.

Từ thực tế này, để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, khi xây dựng điều lệ công ty, các cổ đông cần chủ động đề xuất bổ sung nội dung về giải quyết tranh chấp qua kênh trọng tài thương mại.

Thực ra, giải quyết tranh chấp qua kênh này có lợi cho doanh nghiệp, vì thông tin về công ty không bị công khai ra bên ngoài, hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị ảnh hưởng như khi giải quyết qua tòa án.

Đừng để xảy ra tình trạng lợi dụng công bố trả cổ tức để làm giá cổ phiếu

Trả cổ tức sao cho đỡ tức, ý kiến từ nhiều phía ảnh 3

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) 

Đành rằng Việt Nam không có “ngày công bố” trả cổ tức một cách rõ ràng, nhưng trên thực tế, với thông tin về trả cổ tức tại nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị và thông báo của Sở GDCK, Trung tâm lưu ký về ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức, thì nhà đầu tư hoàn toàn nắm được 2 thông tin quan trọng nhất là mức cổ tức được trả (bằng tiền hay cổ phiếu) và thời điểm trả…

Chỉ có điều, sau khi thông tin này được công bố, vì quy định pháp lý chưa ràng buộc rõ ràng, nên thị trường, nhà đầu tư không biết doanh nghiệp có tách riêng một khoản tiền để trả hay không, dẫn đến những thông tin không chuẩn xác về sức khỏe tài chính doanh nghiệp, cũng như chưa rõ ràng về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong thanh toán cổ tức cho các cổ đông.

Lẽ ra ngay sau khi công bố thời điểm chốt danh sách để trả cổ tức, doanh nghiệp nên hạch toán khoản trả cổ tức vào khoản mục nợ phải trả.

Trước khi trình đại hội đồng cổ đông mức chi trả cổ tức, cũng như công bố thông tin về thời điểm chốt danh sách cổ đông để thanh toán cổ tức, doanh nghiệp cần tính toán cẩn trọng, để nói đi đôi với làm, tránh tình trạng công bố trả cổ tức thật cao, nhưng sau đó thực trả rất ít, thậm chí chây ì không trả.

Kiểu công bố thông tin này khiến nhà đầu tư, cổ đông có cảm giác doanh nghiệp toan tính công bố trả cổ tức nhằm lái giá cổ phiếu, lừa dối cổ đông. Đương nhiên, khi doanh nghiệp thất hứa về trả cổ tức, thì cổ đông có quyền khởi kiện, nhưng “được vạ thì má đã sưng”, vì thủ tục khởi kiện quá rườm rà, thiếu khả thi.

Do đó, đề nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần có giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, thay vì phó mặc cho cổ đông- những người “thấp cổ bé họng” tự xoay sở.

Tin bài liên quan