Tổng giám đốc VinaCapital: Biến động tạo ra cơ hội đầu tư tốt

Tổng giám đốc VinaCapital: Biến động tạo ra cơ hội đầu tư tốt

(ĐTCK) Ông Andy Ho, Tổng giám đốc VinaCapital chia sẻ, trên nền tảng kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, sự biến động của thị trường chứng khoán sẽ tạo ra cơ hội đầu tư tốt.

Thưa ông, những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán năm 2019?

Bước sang năm 2019, có một số yếu tố quan trọng tác động đến thị trường chứng khoán. Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nếu 2 bên đi tới hòa giải thì sẽ tạo tác động tích cực tới thị trường toàn cầu. Vậy trong trường hợp ngược lại, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?

Theo tôi, cuộc chiến này đang tạo cơ hội cho các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, cổ phiếu của các công ty đầu tư và phát triển khu công nghiệp, cảng biển, các công ty xây dựng nhà máy sẽ có triển vọng tăng giá do nhu cầu tăng cao.

 Ông Andy Ho, Tổng giám đốc VinaCapital.

Yếu tố thứ hai là lãi suất của Mỹ. Hiện tại, Mỹ đang thực hiện hai chính sách là tăng tãi suất 0,25 điểm phần trăm một lần và bán trái phiếu ra thu tiền về. Nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục thực hiện chính sách này thì thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đều sẽ đi xuống.

Mặt khác, nếu lãi suất đi lên, các nền kinh tế khác phải tăng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá. Việt Nam đã có bài học kinh nghiệm về câu chuyện này. Năm 2018, VND mất giá ít hơn 3%.

Hiện nay dự phòng ngoại tệ tương đương lượng nhập khẩu xấp xỉ 3 tháng, trong khi vay nợ ngoại tệ ở Việt Nam không cao nên tỷ giá là vấn đề không đáng lo ngại. Bên cạnh đó, lãi suất tăng thì không ngại lạm phát. Tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5% - 7% trong năm 2019. Khi lãi suất cao, lạm phát thấp thì tiền gửi tiết kiệm là kênh nhà đầu tư để tâm.

Thứ ba là năm 2018, có nhiều dự án bất động sản, hạ tầng chậm khai thác ảnh hưởng đến nhiều công ty nhưng năm nay tình hình có thể tốt hơn. Chúng tôi dự đoán EPS của các công ty lớn tăng trưởng khoảng 14% - 15%. 

Nếu lãi suất tăng, liệu nhà đầu tư nước ngoài có tiếp tục rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam?

Nhiều khả năng nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút tiền ra, nhưng chúng tôi kỳ vọng lượng rút ra không nhiều. Tháng 4/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt đỉnh ở 1.204 điểm, tăng 22% so với đầu năm, nhưng đến cuối năm đã giảm 25% từ đỉnh đó.

Thị trường đi lên là do nhà đầu tư nước ngoài bơm tiền vào, bao gồm thương vụ tại Sabeco và các thương vụ IPO BSR, POW, Techcombank, Vinhomes…, với dòng vốn chảy vào gần 2 tỷ USD. Tính đến nay, đa số các nhà đầu tư mua ở đỉnh đều thua lỗ. Thử đặt mình vào vị trí của những nhà đầu tư này, liệu bạn sẽ rút tiền về hay đầu tư thêm? Nếu rút tiền về thì bạn sẽ đầu tư vào đâu?

Tôi cho rằng, lượng tiền được rút ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ không quá lớn, bởi trong danh mục của các nhà đầu tư quốc tế, thị trường Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Một khi rút ra, họ cũng không còn nhiều sự lựa chọn khác, khi các thị trường đều đang đi xuống. Đơn cử, thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng đã giảm 20% trong năm qua. 

Vậy đâu là các yếu tố khó lường, gây bất lợi cho thị trường?

Theo tôi đó là sự kiện Brexit và khủng hoảng ở một số nước. 

Ông có kỳ vọng việc nâng hạng thị trường sẽ tạo lực hấp dẫn dòng vốn lớn?

Nhà đầu tư đang kỳ vọng Việt Nam lọt vào danh sách MSCI Watchlist. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, nếu không mở room nhiều hơn thì khả năng này không cao.

Dưới góc nhìn của nhóm nhà đầu tư này, vướng mắc nằm ở việc nếu đại hội đồng cổ đông không muốn mất quyền, thì sẽ không xin nới room. Vì vậy, có thể giải quyết vấn đề bằng cách tự động mở room ở các công ty, nhưng cho đại hội đồng cổ đông quyền trình xin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hạn chế room. Nếu vấn đề này được tháo gỡ, đây sẽ là một lợi thế giúp cổ phiếu của các công ty niêm yết trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn tổng thể thị trường, chúng tôi nhận thấy có nhiều cổ phiếu giá tốt, trong khi doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ vay margin trên thị trường thấp chứng tỏ tiền còn dồi dào. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định là điều cơ bản. Những ảnh hưởng từ thị trường nước ngoài có thể khiến thị trường Việt Nam chịu nhiều biến động. Nhưng với chúng tôi, biến động sẽ tạo ra những cơ hội đầu tư tốt.

Tin bài liên quan