Theo tài liệu ÐHCÐ, niên độ 2018 - 2019 (bắt đầu từ 1/10/2018), Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) dự kiến đạt doanh thu hợp nhất 4.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 100 tỷ đồng - con số này thấp hơn nhiều so với kế hoạch được trình bày trong báo cáo thường niên là 255 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), Công ty đã có 2 năm thua lỗ liên tiếp, hiện cổ phiếu thuộc diện bị kiểm soát, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch.
Tại ÐHCÐ sắp tới, Hội đồng quản trị (HÐQT) AGF sẽ trình ÐHCÐ về việc bán các tài sản để cơ cấu lại Công ty. Cụ thể, bán 2 nhà máy đông lạnh AGF8 và AGF9 tại An Giang, với tổng giá trị 340 tỷ đồng; bán 2 vùng nuôi nguyên liệu tại Ðồng Tháp, tổng cộng gần 29 ha, giá trị khoảng 40 tỷ đồng. Ðồng thời, chuyển nhượng dự án khu nhà ở tập thể công nhân tại An Giang, giá trị chuyển nhượng dự kiến 20 tỷ đồng. Niên độ 2018 - 2019, AGF lên kế hoạch đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp ngành chứng khoán sẽ tổ chức ÐHCÐ trong tháng 2 đang được thị trường chú ý là Công ty Chứng khoán Ðà Nẵng (DSC). Năm 2018, giá cổ phiếu DSC tăng gần 44%, từ 8.400 đồng/cổ phiếu lên 12.100 đồng/cổ phiếu, trong bối cảnh thị trường giảm điểm.
Tuy nhiên, mức tăng này chưa là gì so với giai đoạn hoàng kim của DSC trong nửa đầu năm 2018, khi thị giá cổ phiếu đạt 114.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 11/5/2018, cao nhất trong ngành. Giai đoạn đó, nhiều cảnh báo với cổ phiếu DSC đã được đưa ra. Bởi tính đến hết quý I/2018, vốn chủ sở hữu của DSC chỉ gần 73 tỷ đồng, vốn điều lệ 60 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách (BV) khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu, nhưng lại có mức tăng giá 11 lần trong hơn 4 tháng đầu năm 2018; thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) tương ứng gần 10 lần, cao hơn hẳn so với định giá bình quân các doanh nghiệp trong ngành.
Thực tế, giá cổ phiếu DSC tăng vọt là nhờ kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 ấn tượng, doanh thu hoạt động 35,5 tỷ đồng, gấp gần 11 và lợi nhuận sau thuế 24,4 tỷ đồng, gấp hơn 26 lần cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, quý III/2018, Công ty chỉ lãi vỏn vẹn 210 triệu đồng và sang quý IV âm 143 triệu đồng. Theo đó, giá cổ phiếu rơi thẳng về mức 1x.
DSC dự kiến sẽ tổ chức họp ÐHCÐ vào ngày 16/2 tới, nhưng cho đến cuối tuần qua, Công ty chưa công bố tài liệu họp trên website.
Trong lĩnh vực dầu khí, Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVT) dự kiến tổ chức ÐHCÐ vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Năm 2018, theo ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT, là năm có mức tăng trưởng mạnh mẽ của PVT, với các chỉ tiêu kết quả sản xuất - kinh doanh cao nhất kể từ khi thành lập: doanh thu hợp nhất đạt 7.750 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 910,4 tỷ đồng. Với kết quả này, PVT có 6 năm liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm.
Trong năm 2018, PVT cùng các công ty thành viên đầu tư thêm 7 tàu gồm 1 tàu dầu thô, 4 tàu LPG, 1 tàu dầu sản phẩm/hóa chất và 1 tàu hàng rời. Ông Việt Anh cho rằng, đầu tư tàu tại điểm đáy của thị trường mua tàu đã tạo lợi thế cạnh tranh quan trọng cho doanh nghiệp trong giai đoạn kinh doanh tiếp theo.
Mặc dù vậy, năm 2019 được dự báo là năm khó khăn với ngành vận tải dầu khí. Theo đó, PVT đặt mục tiêu giành quyền tham gia vận chuyển 25% sản lượng dầu thô đầu vào, 40% sản lượng dầu sản phẩm cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu trên thị trường trong và ngoài nước, cũng như cho thuê tàu trên thị trường quốc tế để khai thác tối đa năng lực đội tàu hiện có và tăng nguồn thu ngoại tệ. Ðồng thời, PVT tiếp tục vận hành hiệu quả kho nổi FSO PVN Ðại Hùng Queen tại mỏ Ðại Hùng, tàu FPSO Lewek Emas tại mỏ Chim Sáo.