Trong bài phát biểu gần đây tại lễ ra mắt chương trình Thạc sĩ Thương mại toàn cầu của Ðại học RMIT, ông Olson kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và quan sát viên lưu ý một số yếu tố quan trọng khi đánh giá những ảnh hưởng của mâu thuẫn thương mại này lên Việt Nam.
Vì giới hạn quy mô lực lượng lao động cũng như cơ sở hạ tầng Việt Nam so với Trung Quốc sẽ khiến nhiều nhà sản xuất cuối cùng chọn ở lại Trung Quốc và chấp nhận chi phí xuất khẩu đi Mỹ cao hơn.
“Hãy nghĩ về một số lợi thế cạnh tranh, về lực lượng lao động. Tại Việt Nam, các bạn có khoảng 14,5 triệu công nhân lao động, trong khi Trung Quốc có tới 200 triệu. Nhưng vấn đề ở đây không nằm ở quy mô, mà là ở kỹ năng.
Lực lượng lao động Trung Quốc có tay nghề cao, đặc biệt khi cần đến chuyên môn về kỹ thuật - một điều kiện hết sức tiên quyết - để chế tác bậc cao trong những lĩnh vực như không gian hay trang thiết bị y tế phức tạp”, ông Olson chia sẻ quan điểm.
Hạ tầng cầu đường, cảng biển và đường sắt là những điều luôn được cân nhắc khi đưa ra các quyết định như “Chúng ta nên đặt nhà máy sản xuất ở đâu?” và “Chúng ta nên thiết lập chuỗi cung ứng như thế nào?”.
Nếu xem xét 10 cảng biển lớn nhất trên thế giới, 6 trong số này được đặt ở Trung Quốc. Còn cảng lớn nhất ở Việt Nam được đặt tại TP. Hồ Chí Minh xếp hạng thứ 25.
Một vấn đề khác các doanh nghiệp cần hết sức chú ý, đó là tình trạng gia tăng giao thương với Mỹ - kết quả từ việc các nhà sản xuất quyết định chuyển nhà máy đến Việt Nam để tránh chi phí xuất khẩu cao hơn - sẽ khiến Việt Nam lọt vào tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump.
Chuyên gia trên thậm chí còn khuyến nghị thẳng: “Tôi không cần cho các bạn biết về quan điểm của Washington cũng như thái độ của Tổng thống Trump với những nước giao thương nhiều với Mỹ. Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi thu hút quá nhiều sự chú ý phiền phức và bất lợi từ Washington”.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ chiếm ưu thế thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán năm ngoái, đã có không ít câu hỏi đặt ra về giải pháp ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với các doanh nghiệp.
Cũng đã có những lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra giải pháp mạnh mẽ như tính tới việc xây dựng nhà máy tại Mỹ… Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, chắc hẳn những câu chuyện như trên sẽ còn tiếp tục nóng.