Tính hai mặt của việc tăng vốn

Tính hai mặt của việc tăng vốn

(ĐTCK) Việc tăng vốn của doanh nghiệp thường là để đầu tư mở rộng sản xuất, tạo tiền đề gia tăng doanh thu, lợi nhuận trong tương lai. Cũng có nhiều trường hợp, tăng vốn nhằm mục tiêu trước mắt là để doanh nghiệp được “sống”. Cho dù là mục tiêu nào đi chăng nữa thì kết quả thực tế lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Thị trường chứng khoán khởi sắc, quy mô và thanh khoản thị trường tăng vọt đang là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch huy động vốn. Không bỏ lỡ cơ hội, mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã trình phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu, cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, chào bán cổ phiếu riêng lẻ… để chuẩn bị cho những kế hoạch đầu tư, kinh doanh sắp tới.

CTCP Nhựa và môi trường Xanh An Phát (AAA) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành 83,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 14.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, Công ty cũng phát hành 4 triệu cổ phiếu ESOP.

Việc huy động vốn để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh nhằm đưa AAA trở thành nhà sản xuất túi nhựa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời giúp AAA có thể phát triển sản phẩm mới với biên lợi nhuận cao hơn, nhưng nhiều công ty chứng khoán đánh giá, với quy mô lớn, các đợt phát hành trên có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn trong khi các khoản đầu tư chỉ có thể mang lại kết quả sớm nhất là năm 2019.

Ở thời điểm công bố về kế hoạch phát hành, thị giá cổ phiếu AAA cao gấp đôi giá phát hành Công ty đưa ra, nhưng hiện tại, giá AAA bị giảm theo đà giảm chung của thị trường khiến kế hoạch tăng vốn chịu ít nhiều thách thức.

Vào cuối tháng 4, cổ phiếu NVL bất ngờ giảm sàn, nguyên nhân chính được cho là bị ảnh hưởng bởi việc hơn 202 triệu cổ phiếu từ phát hành cho cổ đông hiện hữu của Công ty chính thức được niêm yết bổ sung. Đồng thời, diễn biến giá cổ phiếu NVL còn bị tác động bởi thông tin phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá chuyển đổi ban đầu là 74.750 đồng/cổ phần, cao hơn 15% so với giá cổ phần tham chiếu tại ngày phát hành, thời hạn hạn chế chuyển nhượng là 3 năm.

Hoạt động của doanh nghiệp hiện tại vẫn được đánh giá tích cực và việc huy động vốn trái phiếu là cần thiết để NVL có thể thực hiện việc phát triển dự án và gia tăng quỹ đất. Dù vậy, trong ngắn hạn, cổ phiếu NVL cũng không tránh khỏi những tác động từ thị trường, từ áp lực pha loãng.

Tích cực hơn là cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số (Digiworld). Cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng giá khá hơn 31% so với đầu năm nay, hiện đang ở mức 26.700 đồng/cổ phiếu. Sự gia tăng này đến từ kết quả kinh doanh năm 2017 có sự cải thiện đáng kể, các mảng hoạt động ghi nhận kết quả tích cực, nhất là mảng mới là hàng tiêu dùng đã bắt đầu đóng góp doanh thu, lợi nhuận tốt hơn từ năm 2018.

Năm 2018, Hội đồng quản trị DGW trình cổ đông thông qua chỉ tiêu doanh thu thuần 4.700 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 29%. Bởi lẽ đó, dù DGW có kế hoạch tăng vốn thêm 15% cũng không có tác động lớn đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Với trường hợp của Gỗ Trường Thành (TTF), Công ty đã hoàn tất việc tăng vốn thêm 700 tỷ đồng và có khả năng sẽ tăng vốn tiếp trong năm 2018. Việc tăng vốn của TTF được các cổ đông hoàn toàn đồng thuận bởi lẽ TTF đang trong tình trạng lỗ lũy kế cả ngàn tỷ đồng, nợ vay lớn, nếu không có dòng tiền mới đổ vào, doanh nghiệp sẽ đối diện nguy cơ phá sản.

Với tình trạng thua lỗ của TTF, câu chuyện pha loãng cổ phiếu khi tăng vốn không đáng quan tâm. Nhà đầu tư đang kỳ vọng TTF dần mạnh khỏe khi được tiếp thêm nguồn vốn mới và từng bước thực hiện những tham vọng của vị CEO nổi tiếng Mai Hữu Tín.

Về lý thuyết, tăng vốn càng nhiều thì doanh nghiệp có thêm dòng tiền, hỗ trợ đạt hiệu quả hoạt động càng cao. Tại nhiều doanh nghiệp, cổ đông chấp nhận áp lực điều chỉnh cổ phiếu trong ngắn hạn để “đổi” lấy triển vọng dài hạn tích cực.

Nhưng ngược lại, trên thực tế, không ít trường hợp, tăng huy động vốn đồng nghĩa với tăng quy mô vay nợ. Nếu nguồn vốn huy động không được phân bổ và sử dụng hiệu quả, gánh nặng chi phí càng cao và làm giảm tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phát hành giấy lấy tiền, nhà đầu tư không tỉnh táo có thể mất trắng khoản đầu tư.

Tin bài liên quan