Dòng vốn đầu tư từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, dự kiến sẽ chảy nhiều hơn vào Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, dự kiến sẽ chảy nhiều hơn vào Việt Nam.

Tín hiệu dòng vốn mới từ châu Á vào chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đón nhận thêm quỹ ETF mới là Premia MSCI Vietnam ETF. Dù quy mô tài sản ròng khá nhỏ, nhưng quỹ này được kỳ vọng sẽ dẫn dòng vốn lớn từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc vào thị trường trong thời gian tới.

Thêm một quỹ ETF ngoại vào TTCK Việt Nam

Premia MSCI Vietnam ETF được giới thiệu là do Premia Partners, công ty đầu tư hàng đầu Hồng Kông quản lý. Premia MSCI Vietnam ETF sử dụng tiêu chí chuẩn là MSCI Vietnam Index - chỉ số mô tả các công ty lớn, đại diện cho 85% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, danh mục cổ phiếu của quỹ này dựa trên 16 cổ phiếu trong rổ MSCI Việt Nam Index, bao gồm VIC (20,94%), VNM (17,01%), VHM (12,63%), VRE (7,84%), MSN (7,64%), HPG (6,8%), VJC (4,97%), SAB (4,31%), VCB (3,99%), NVL (3,26%), STB (1,54%), POW (1,54%), GAS (1,47%), BID (1,39%), PLX (1,17%), BVH (1,16%).

So với các quỹ ETF đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhìn chung, quy mô tài sản ròng của Premia MSCI Vietnam ETF khá nhỏ, với 21 triệu USD. Quỹ VNM ETF niêm yết tại Mỹ và Quỹ FTSE ETF niêm yết tại Anh, còn Quỹ Premia MSCI Vietnam ETF là quỹ đầu tiên của Hồng Kông vào Việt Nam.

Theo nhận định của một số chuyên gia, điều này càng chứng minh không chỉ Mỹ, Anh, mà dòng vốn từ châu Á vẫn đang tiếp tục chảy vào Việt Nam. Sự phát triển của quỹ này cũng giống như Quỹ VNM ETF của Mỹ hay Quỹ FTSE ETF của Anh, quy mô của nó sẽ lớn dần theo thời gian.

Tín hiệu dòng vốn mới từ châu Á vào chứng khoán Việt Nam  ảnh 1

Danh mục cổ phiếu của Premia MSCI Vietnam ETF.

Việt Nam có Quỹ ETF VFMVN30 được phát triển bởi một công ty quản lý quỹ trong nước, đã niêm yết chứng chỉ quỹ ở thị trường Hàn Quốc và Thái Lan. Cụ thể, trên thị trường Hàn Quốc, quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30 của Việt Nam đầu tiên được niêm yết và giao dịch theo thời gian thực từ tháng 7/2016, với tên gọi KIM KINDEX Vietnam VN30 ETF.

Quỹ được quản lý bởi Korea Investment Management Co (KIM), sử dụng tài sản cơ sở là Quỹ ETF VFMVN30 của CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM). Còn trên thị trường Thái Lan, VFM niêm yết thành công chứng chỉ quỹ theo hình thức chứng chỉ lưu ký (DR) - sản phẩm có chi phí thấp và không có phí thưởng, được giao dịch trực tiếp trên sàn chứng khoán Thái Lan (SET) bằng đồng baht nên có thanh khoản hàng ngày...

Chính những đặc điểm này đã giúp các nhà đầu tư tại Thái Lan dễ dàng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam hơn. Giá trị tài sản ròng (NAV) của ETF VFMVN30 đã lên đến 6.779 tỷ đồng (21/7/2019), tăng mạnh so với mức 4.100 tỷ đồng cuối năm 2018.

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) cho biết, tăng trưởng NAV ấn tượng của ETF VFMVN30 đến từ sự tin tưởng vào những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chưa kể, Việt Nam với nền tảng vĩ mô ổn định và được nhận định là quốc gia có nhiều cơ hội hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhiều hiệp định thương mại quan trọng vừa ký kết, các nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán tốt hơn.

“Rổ chỉ số VN30 là rổ chất lượng, các nhà đầu tư nếu muốn vào Việt Nam thì nên đầu tư vào VN30, rất đơn giản, VN30 đã đại diện cho khoảng 75% vốn hoá thị trường”, ông Tân nói và cho rằng, từ nay đến cuối năm, NAV do VFM quản lý có khả năng sẽ tăng gấp đôi.

Nói về sự xuất hiện quỹ ETF mới đến từ Hồng Kông, ông Tân cho rằng, vốn ngoại vào thị trường chứng khoán qua hai kênh là vốn gián tiếp (từ các quỹ đầu tư lớn mang đến) và từ quỹ ETF. Trong đó, vốn vào nhanh và năng động là ETF. Quỹ ETF của Hồng Kông là một biểu hiện của sự năng động và đi nhanh.

Sắp tới, ông Tân tin rằng, sẽ xuất hiện một số quỹ ETF mới, riêng VFM cũng sẽ ra mắt thêm vài quỹ.

“Việc rót vốn vào  ETF là đơn giản nhất, nhanh nhất vì đây là loại quỹ đầu tư vào nhóm cổ phiếu minh bạch thông tin nhất trên thị trường”, ông Tân nói.

Kỳ vọng dẫn dòng vốn mới từ châu Á

Với sự xuất hiện của quỹ ETF mới đến từ Hồng Kông, giới đầu tư kỳ vọng, tới đây, dòng vốn đầu tư từ châu Á sẽ chảy nhiều hơn vào Việt Nam. Ông Tân dự đoán, dòng vốn lớn nhất sẽ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong 6 tháng cuối năm, dòng vốn quốc tế vào thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng sẽ cải thiện, thông qua các quỹ mới được thành lập... Lý do căn bản nhất là nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm đang được đánh giá sẽ cải thiện và là thời điểm tăng trưởng tốt.

“Một số nhà đầu tư gặp VFM nhận định, họ tới Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore... thì họ thấy, Việt Nam là cơ hội đầu tư tuyệt vời trong giai đoạn này và có sự ưu tiên giải ngân đầu tư vào Việt Nam”, ông Tân chia sẻ.

Ông Ðỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho hay, các quỹ ETF có tính chất là cầu nối dòng vốn từ những thị trường lớn vào các thị trường mục tiêu. Ở đây, Premia MSCI Vietnam ETF có thị trường mục tiêu là Việt Nam, nên danh mục của họ là các cổ phiếu lớn, đại diện khoảng 80 - 85% vốn hoá thị trường.

“Các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thì phải tự mở tài khoản chứng khoán, chuyển tiền và giao dịch. Thay vì thế, họ có thể mua chứng chỉ quỹ ETF của Hồng Kông này”, ông Ngọc nhìn nhận.

Thông tin từ Quỹ cũng cho thấy, họ đánh giá, dù thị trường chứng khoán quy mô vẫn còn hạn chế nhưng Chính phủ Việt Nam đang hành động rất mạnh mẽ để cải tổ thị trường nhằm thu hút vốn gián tiếp nước ngoài. Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, gia tăng các sản phẩm phái sinh để hoàn thiện thị trường, đang trong tiến trình hoàn tất Luật Chứng khoán sửa đổi... Tất cả những tiến trình này hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Tuy nhiên, quỹ này có phải chỉ “đón lõng” trước cơ hội nâng hạng tại Việt Nam hay không? Ông Ngọc cho rằng, nâng hạng chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện, “cái gốc của mọi vấn đề” chính là nền kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Ngọc cho biết, bản thân Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cũng đang đón nhiều đoàn quỹ đầu tư, công ty đầu tư tài chính và cả các nhà đầu tư cá nhân từ Hồng Kông và Trung Quốc Ðại lục sang Việt Nam tìm hiểu về thị trường chứng khoán. Họ có góc nhìn so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc cách đây 20 năm và tin tưởng rằng, kinh tế Việt Nam có chu kỳ tăng trưởng từ 10 - 20 năm với tốc độ cao.

Tin bài liên quan