Tiêu dùng, bán lẻ dự báo sẽ hút dòng tiền 2017

Tiêu dùng, bán lẻ dự báo sẽ hút dòng tiền 2017

(ĐTCK) Năm 2017, ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ dự báo sẽ trở thành điểm sáng đầu tư. Bên cạnh đó, các sản phẩm đầu tư mới sẽ hấp dẫn nhà đầu tư.

Ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ có cơ hội “tỏa sáng”

Tại hội thảo “Đầu tư tài chính 2017: Chiến lược cân bằng lợi nhuận và rủi ro” diễn ra vào cuối tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2017 sẽ có diễn biến khả quan trên cơ sở nền kinh tế tăng trưởng ổn định, lạm phát ở mức hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright TP.HCM nhận định, đầu tư công đang ở trong bối cảnh nợ công gần chạm ngưỡng trần và đầu tư tư nhân đang chững lại, thì tiêu dùng cuối cùng từ hộ gia đình sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Các doanh nghiệp sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, xu hướng không chỉ xảy ra trong ngắn hạn mà trong trung hạn vẫn được duy trì”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, quan điểm về chính sách tài khóa của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể khiến USD tiếp tục tăng giá. Đây là một trong những yếu tố bên ngoài tác động đến kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

“USD có khả năng tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác, bao gồm cả tiền đồng. Mặt khác, rủi ro phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể xảy ra nếu như tăng trưởng kinh tế nước này xấu đi. Tuy nhiên, mức độ phá giá, nếu có, sẽ không quá mạnh”, ông Thành nói.

Liên quan đến tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt theo tỷ giá trung tâm trong thời gian qua đã giúp ổn định giá trị tiền đồng. Cùng với đó là chính sách phát hành trái phiếu tài trợ ngân sách, tăng kỳ hạn phát hành trái phiếu và lãi suất giảm đáng kể đã giúp nền kinh tế ổn định, ngay cả khi chịu ảnh hưởng từ các biến động kinh tế lẫn chính trị trên thế giới.

“Năm 2017, với lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán dự kiến đa dạng hơn, kỳ vọng sẽ có nhiều dòng vốn mới đổ vào Việt Nam. Theo đó, ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ sẽ trở thành điểm sáng đầu tư”, ông Quang nhận định.

Diễn biến giao dịch chứng khoán từ đầu năm đến nay cho thấy, tâm lý nhà đầu tư tương đối lạc quan. VN-Index đã vượt mốc 700 điểm kể từ đầu tháng 2. Trong vài phiên gần đây, thị trường có dấu hiệu điều chỉnh, nhưng chỉ số vẫn được duy trì trên ngưỡng 700 điểm. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trong tháng 2 tăng đáng kể.

Ông Winston Lu, Giám đốc khối phân tích và tự doanh, Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, các lĩnh vực đầu tư tài chính có khả năng tốt lên trong năm nay bao gồm: ngành hàng tiêu dùng, ngân hàng, vật liệu xây dựng và bất động sản.

Cơ hội từ những sản phẩm mới

Bên cạnh dòng hàng hóa mới, sẽ lên sàn 2017, hai Sở Giao dịch chứng khoán cũng đang gấp rút chuẩn bị ra mắt các sản phẩm tài chính trong năm nay.

Theo kế hoạch, tháng 5/2017, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu (VN30Index và HNX30Index) và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Tiếp đó, tháng 9/2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ đưa vào hoạt động sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant - CW).

CW, theo định nghĩa tại Nghị định 60/2015/CP-NĐ, là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành. Nhà đầu tư sẽ trả một khoản phí để sở hữu CW và được quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành CW đó theo mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước thời điểm đã được ấn định, hoặc được nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Trên thế giới, CW là sản phẩm đầu tư phổ biến nhất trên các thị trường chứng khoán mới nổi. Hầu hết các Sở giao dịch chứng khoán thành viên của Hiệp hội các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE) đã triển khai sản phẩm này và được giao dịch rất sôi động. Đơn cử, tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, CW chiếm 20% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Việt Hà, thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách HOSE, khi tham gia đầu tư CW, nhà đầu tư cần lưu ý, mức sinh lời cao đồng nghĩa mức rủi ro cũng không nhỏ.

“Để giảm thiểu rủi ro khi triển khai sản phẩm này trong điều kiện vốn hóa và thanh khoản thị trường hiện nay còn khá nhỏ, HOSE sẽ triển khai sản phẩm CW trên cơ sở chọn lọc 20 mã chứng khoán cơ sở đáp ứng đủ kiện kiện vốn hóa và thanh khoản. Về phía tổ chức phát hành, Sở sẽ chọn ra 10 trong tổng số hơn 70 công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường đáp ứng điều kiện để trở thành tổ chức phát hành”, bà Hà cho hay.

Chia sẻ thêm về kế hoạch triển khai các sản phẩm mới trong tương lai, bà Hà cho biết, HOSE đang nghiên cứu những sản phẩm mang tính liên kết đầu tư giữa các thị trường khu vực và quốc tế. Mặc dù đã được triển khai áp dụng ở nhiều quốc gia (không bao gồm Việt Nam) nhưng mô hình này vẫn chưa cho thấy hiệu quả.

Vì vậy, trong thời gian tới, HOSE sẽ nghiên cứu thay vì liên kết đa phương sẽ chuyển sang liên kết song phương. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan đã đặt vấn đề với HOSE trong việc triển khai mô hình liên kết này trong thời gian tới.

Ngoài ra, tháng 7/2017, HOSE sẽ cho ra mắt chỉ số phát triển bền vững nhằm thu hút hơn nữa sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Đồng thời, HOSE có kế hoạch phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kết hợp với việc phát triển thị trường trái phiếu xanh. Mặt khác, Sở sẽ có những sản phẩm, mô hình nhằm hỗ trợ cho khối doanh nghiệp khởi nghiệp”, bà Hà nói.                

Tin bài liên quan