Tiêu chuẩn cao, vốn Mỹ vào Việt Nam sẽ  cùng thắng

Tiêu chuẩn cao, vốn Mỹ vào Việt Nam sẽ cùng thắng

(ĐTCK) Mức độ quan tâm và đầu tư của nhà đầu tư Hoa Kỳ vào TTCK Việt Nam những năm gần đây liên tục gia tăng. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama từ ngày 23/5/2016 đang mang lại kỳ vọng về sự hợp tác thương mại, đầu tư sẽ mạnh mẽ hơn giữa hai quốc gia.

Hoa Kỳ - đối tác lớn về thương mại, đầu tư

Giới chuyên gia nhìn nhận, hợp tác thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ đang trong giai đoạn tiến triển tích cực, đồng thời sẽ phát triển hơn nữa khi hai nước tham gia đầy đủ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo thống kê, Hoa Kỳ trong nhiều năm liền là thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2015, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này là 33,48 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 16,9% so với năm 2014. Với việc tham gia TPP, cánh cửa vào thị trường Hoa Kỳ sẽ rộng mở cho hàng hóa của Việt Nam.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu đang chịu mức thuế lên đến hơn 20% sẽ giảm dần về 0%, qua đó tạo lợi thế lớn cho Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh không có mặt trong TPP như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh. Phần lớn các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, phía Hoa Kỳ đều cần như: dệt may, giày dép, thủy sản. Trong khi đó, vốn, công nghệ… của Hoa Kỳ rất cần thiết cho Việt Nam.

Về đầu tư, theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam thường đi qua chi nhánh của các tổ chức ở nhiều khu vực đặt tại Hồng Kông, Singapore…, nên con số thống kê xuất xứ không phản ánh chính xác dòng vốn đầu tư thực sự. Một điểm tích cực nữa là các nhà đầu tư Hoa Kỳ luôn có tiêu chuẩn cao, nên các dự án của họ thường là các dự án “sạch”, mang lại nhiều giá trị cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước tiến dài, tạo điều kiện cho sự gắn kết và thông thoáng hơn cho hợp tác kinh doanh. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama lần này là một dấu ấn thể hiện sự gắn kết đó và có cơ sở để hy vọng rằng, hợp tác về thương mại, đầu tư sẽ phát triển mạnh hơn giữa hai quốc gia sau chuyến thăm này.

Nhà đầu tư Hoa Kỳ có mặt ngay khi TTCK Việt Nam mở cửa

TTCK Việt Nam mặc dù còn non trẻ, nhưng nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đến Việt Nam từ khá sớm. Năm 2000, khi TTCK Việt Nam ra đời, trong số những mã số kinh doanh chứng khoán đầu tiên được Trung tâm Lưu ký chứng khoán cấp cho nhà đầu tư nước ngoài đã xuất hiện những nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp đến từ Hoa Kỳ.

Cùng với sự phát triển của TTCK Việt Nam, SSI nhìn nhận, mức độ quan tâm và đầu tư của nhà đầu tư Hoa Kỳ ngày càng tăng. Một trong những điểm nhấn là năm 2009, Van Eck đã thành lập Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF đầu tư vào TTCK Việt Nam. Tổng tài sản đang quản lý của quỹ ETF này liên tục tăng qua các năm và hiện đạt trên 340 triệu USD.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhà đầu tư “quốc tịch Hoa Kỳ” ở TTCK Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế, hoặc chưa được ghi nhận đầy đủ vì nhiều nguyên nhân như: khoảng cách xa về địa lý, quy mô còn nhỏ của TTCK Việt Nam cũng như các công ty niêm yết, các khó khăn về mặt kỹ thuật…

Một nguyên nhân khác là do các công ty quản lý quỹ lớn của Hoa Kỳ đều có các “cánh tay nối dài” đầu tư tại châu Á như Singapore, Hồng Kông… để đầu tư vào các thị trường trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

Cũng cần nhìn nhận thêm là rất ít quỹ huy động từ Hoa Kỳ chỉ để đầu tư vào Việt Nam, mà còn đầu tư vào nhiều thị trường cận biên khác. Nhà đầu tư Hoa Kỳ thường hiện diện ở nhiều công ty đầu ngành, công ty có tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng, cảng biển…

Để TTCK Việt Nam hấp dẫn hơn trong cái nhìn của nhà đầu tư ngoại nói chung, giới đầu tư Hoa Kỳ nói riêng, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nâng cao, mở rộng quy mô và chất lượng thị trường, công ty niêm yết; đẩy mạnh phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các DNNN lớn; mở rộng các công cụ đầu tư; linh hoạt về thủ tục hành chính khi nhà đầu tư ngoại vào TTCK Việt Nam liên quan đến quy định quỹ đóng trước (prefunding) - có đủ tiền trước khi giao dịch, nới room cho khối ngoại, nới biên độ dao động giá… Cũng cần chú trọng cải thiện tính minh bạch của các doanh nghiệp và các quy định pháp lý, qua đó góp phần nâng cao niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với TTCK Việt Nam.  

Huy động vốn từ Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam đang có diễn biến tích cực

Tiêu chuẩn cao, vốn Mỹ vào Việt Nam sẽ  cùng thắng ảnh 1

Ông Chris Freund, Giám đốc điều hành Mekong Capital 

Mekong Capital vừa huy động thành công 112 triệu USD cho quỹ thứ tư đầu tư vào Việt Nam là Mekong Enterprise Fund III Limited Partnership (MEF III), trong đó có một phần vốn được huy động từ thị trường Hoa Kỳ. MEF III tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp tiêu dùng thuộc lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng. MEF III sẽ giải ngân từ 8 - 15 triệu USD cho các khoản đầu tư.

Tuy việc huy động vốn từ thị trường Hoa Kỳ để đầu tư vào các doanh nghiệp, TTCK Việt Nam đang có diễn biến tích cực, nhưng để cải thiện hơn nữa, Việt Nam cần chú trọng minh bạch thông tin để các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiểu rõ, nắm bắt kịp thời các thông tin về nền kinh tế, môi trường đầu tư, hiệu quả của các dự án đầu tư.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, nếu Tổng thống Hoa Kỳ và lãnh đạo cấp cao Việt Nam phát đi những thông điệp rõ nét về các kế hoạch cụ thể thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, các dự án đầu tư… giữa hai nước, thì sẽ giúp giới đầu tư Hoa Kỳ nhận diện rõ hơn các cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.

Kỳ vọng sẽ có sự hợp tác tích cực giữa các doanh nghiệp/nhà đầu tư hai nước

Tiêu chuẩn cao, vốn Mỹ vào Việt Nam sẽ  cùng thắng ảnh 2

Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime (MSI) 

Sự kiện Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam sẽ có tác động tâm lý tích cực trên TTCK Việt Nam và thực tế, thị trường đã ghi nhận những tín hiệu lạc quan trong thời gian qua. Trong những nội dung sẽ được thảo luận giữa lãnh đạo hai nước có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tôi kỳ vọng, việc này sẽ có tác động tích cực đến các cổ phiếu ngành dệt may. Ngoài ra, một số lĩnh vực dự báo có khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam như dầu khí, tài chính cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí.

Khi hai nhà lãnh đạo Mỹ trước đây thăm Việt Nam là Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống G. Bush, TTCK Việt Nam có diễn biến tăng điểm. Lần này, thị trường/nhà đầu tư cũng đã phản ánh nhanh nhạy khi ghi nhận những điểm số tăng tích cực trong tuần qua. Tôi kỳ vọng, sự hồ hởi và hưng phấn sẽ được duy trì trong và sau chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama.

Tôi cũng kỳ vọng sẽ có sự hợp tác tích cực hơn giữa các doanh nghiệp/nhà đầu tư Mỹ với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là thị trường vốn, khi tháp tùng với Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm lần này có rất nhiều đối tác tiềm năng có khả năng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thị trường vốn, gồm các ngân hàng đầu tư, các nhà quản lý quỹ, cũng như các lĩnh vực dầu khí, bất động sản, dệt may…

Tin bài liên quan