Đa số nhà đầu tư chứng khoán mới làm được một phần rất nhỏ trong quá trình nghiên cứu, phân tích.

Đa số nhà đầu tư chứng khoán mới làm được một phần rất nhỏ trong quá trình nghiên cứu, phân tích.

Tiền sinh ra từ tư duy đúng đắn

(ĐTCK) Nếu một người lạ yêu cầu mượn 10 triệu đồng, sau 1 năm họ sẽ trả lại 12 triệu đồng, bạn có đủ tự tin để cho vay? Hầu hết câu trả lời là không, nhưng khi đầu tư chứng khoán, chúng ta lại dễ dàng đưa hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng cho một doanh nghiệp mà không rõ họ làm gì. Đây là điều hết sức vô lý nhưng vẫn diễn ra hàng giờ, hàng ngày trên thị trường chứng khoán. 

Đầu tư thông minh, những việc cần làm

Bài viết này xin tiếp nối bài viết: “Bạn chơi chứng khoán hay đầu tư chứng khoán”? tôi đã chia sẻ trên Đầu tư Chứng khoán số 149 (ngày 12/12/2018). Điều mà khi tiếp xúc với các nhà đầu tư tôi thấy thiếu sót nhiều nhất là chuyên môn - vốn là yếu tố dễ có được nhất trong ba yếu tố (tư duy, nhiệt huyết, chuyên môn) mà tôi đã đề cập ở phần trước.

Sau khi nhận thức được các yếu tố cấu thành của một nhà đầu tư thành công và biết được mình đang ở đâu trong nấc thang đầu tư, mong sao chúng ta sẽ bước vào kênh này với một tư duy đúng đắn ngay từ đầu, từ đó không bị lạc hướng trong quá trình nghiên cứu và cải thiện kỹ năng phân tích một cách nhanh chóng hơn.

Thực tế, chuyên môn và tư duy có thể đồng hành cùng nhau, trong quá trình rèn luyện chuyên môn thì tư duy cũng dần thay đổi. Theo cuốn sách của tác giả Inamori Kazuo, quá trình nghiên cứu đầu tư là một sự lao động, kết tinh trí tuệ trong các quyết định và chính điều này vô tình “rèn giũa” nhân cách của chúng ta.

Không có nhà đầu cơ thành công nào thiếu đi những hệ thống riêng và không ngừng cải tiến nó, vì thị trường sẽ học được “công thức” của bạn rất nhanh. Đồng thời, không có nhà đầu tư nào không trải qua hàng giờ nghiên cứu, đọc báo cáo thường niên, tài chính và các thông tin phi tài chính khác.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng từng có câu nói nổi tiếng về vấn đề này: “Investing is more intelligent when it is most businesslike” - “ Đầu tư thông minh nhất khi đầu tư giống với kinh doanh”.

Câu nói ngắn gọn này diễn tả đầy đủ và gợi ý cho nhà đầu tư cá nhân biết được chặng đường phía trước nên tiến hành như thế nào. Cụ thể, khi kinh doanh, bạn sẽ phải làm cơ bản các hoạt động sau:

Thứ nhất, nghiên cứu thị trường, quy mô của ngành, các chính sách và pháp lý liên quan tới ngành nghề định kinh doanh.

Thứ hai, cách thức vận hành một doanh nghiệp, các quy định pháp lý khi thành lập một doanh nghiệp ( vốn pháp định, cơ cấu tổ chức, nhân sự…).

Thứ ba, mua hàng hóa đầu vào đối với doanh nghiệp thương mại, nguyên vật liệu đối với doanh nghiệp sản xuất từ nguồn nào, chất lượng có được đảm bảo và khả năng đàm phán với các nhà cung cấp.

Thứ tư, thị trường đầu ra bao gồm đối tượng, khách hàng mục tiêu nào, độ tuổi bao nhiêu. Điều này đòi hỏi quá trình nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và các chiến dịch marketing thật hiệu quả ở khắp các kênh quảng cáo.

Thứ năm, đối thủ cạnh tranh là ai? Tại thị trường mà ta hướng tới đang tồn tại những ông lớn nào, nếu doanh nghiệp phát triển tới một quy mô nào đó liệu có bị đại gia thâu tóm? Điều này sẽ xảy ra khi công ty không có một lợi thế cạnh tranh và định vị rõ ràng về sản phẩm. 

Điểm thiếu để thành công

Nếu quá trình đầu tư cũng tương tự như kinh doanh, thì hiện tại, đa số nhà đầu tư chứng khoán mới chỉ làm được một phần rất nhỏ trong quá trình nghiên cứu, phân tích. Đó là quan sát bảng điện, đưa ra xu hướng của thị trường và ra quyết định. Nếu một người lạ yêu cầu mượn 10 triệu đồng, sau 1 năm họ sẽ trả lại 12 triệu đồng, bạn có đủ tự tin để cho vay?

Hầu hết câu trả lời là không, nhưng khi đầu tư chứng khoán, chúng ta lại dễ dàng đưa hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng cho một doanh nghiệp mà không rõ họ làm gì, kiếm tiền bằng cách nào, ông chủ là ai và kỳ vọng mức sinh lời khi đầu tư là bao nhiêu. Đây là điều hết sức vô lý nhưng vẫn diễn ra hàng giờ, hàng ngày trên thị trường chứng khoán.

Câu chuyện không phải bạn có bao nhiêu tiền, mà là chuyên môn, kỹ năng và tư duy cần trau dồi trước khi "xuống tiền"   

Từ quan sát ngoài thực tế, tôi kể lại câu chuyện mà tôi và các bạn đều thấy hàng ngày trên đường phố là những đứa trẻ đá bóng bên vỉa hè, mải miết đuổi theo quả bóng. Đôi lúc quả bóng lăn ra đường, những đứa trẻ sẽ không biết sợ hãi, chỉ dán mắt theo quả bóng lăn tới đâu và chạy ra nhặt, mặc cho xe cộ qua lại rất nguy hiểm.

Hình ảnh này làm tôi liên tưởng ngay tới những người “chơi chứng khoán”, họ chỉ biết mở một tài khoản, bỏ tiền mua cổ phiếu rồi dán mắt vào bảng điện. Tất cả những gì họ quan tâm là xanh hay đỏ, tím hay xanh lơ. Những yếu tố nguy hiểm khác đang hiện hữu như xe cộ chạy ngoài đường cũng không đáng bận tâm. Để rồi khi rủi ro xảy ra thường sẽ “nhập viện” trong tình trạng đầy thương tích, hoặc các “game thủ” thường nói vui là “về thành dưỡng sức”.

Sau một quá trình đầu tư thua lỗ, tôi quan sát thấy nhà đầu tư thường rút tiền ra bỏ vào kênh bất động sản cho “lành”, với suy nghĩ đơn giản rằng đất chật người đông, “người sinh ra chứ đất không sinh ra”, mua một miếng đất, một căn hộ để cho thuê hay bán lại, hay mua đất nền chờ lên giá rồi bán. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy và những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp mà tôi tiếp xúc đều sở hữu những kỹ năng đáng giá.

Theo đó, họ hiểu rõ về ngành, chính sách, pháp lý và quy hoạch của một khu vực, dự án; hiểu phân khúc thị trường mình tham gia; biết rõ giá cả của hầu như tất cả các giao dịch trong khu vực đó; có mối quan hệ trong ngành rộng lớn với danh mục đa dạng, dễ dàng tìm kiếm đầu ra.

Chưa kể, họ có kỹ năng đàm pháp rất tốt, với tư duy “lời ngay lúc mua, thay vì đợi mua xong chờ giá lên và bán chốt lời”. Đây cũng là những yếu tố mà nhà đầu tư chứng khoán nên học hỏi.

Như vậy, câu chuyện không phải là bạn có bao nhiêu tiền, mà vẫn là chuyên môn, kỹ năng và tư duy cần trau dồi trước khi “ xuống tiền”. Cơ chế vận hành của bất động sản tương tự thị trường cổ phiếu.

Dù vậy, giá bất động sản dựa trên cung cầu và không thể tìm ra giá trị thực của một bất động sản, nhưng với cổ phiếu, điều này là có thể vì nó dựa trên hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp ăn nên làm ra trong dài hạn, giá cổ phiếu không thể đi xuống.

Tại Việt Nam, chỉ có 3 kênh đầu tư phổ biến là tiết kiệm, chứng khoán và bất động sản. Thị trường chứng khoán được ra đời vì hai mục đích: Là kênh huy động vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp và kênh tiết kiệm, đầu tư cho dân chúng.

Hiện tại, chức năng thứ hai của thị trường chứng khoán đang bị hiểu sai và lạm dụng nhiều, các thế hệ người chơi chứng khoán thất bại đi phổ biến những quan điểm sai lệch của mình cho thế hệ sau, lâu ngày dẫn tới một hệ tư tưởng không đúng khi nghĩ về chứng khoán.

Dù việc đầu tư khôn ngoan có “độ khó” tương tự như kinh doanh, nhưng đầu tư là một cấp độ cao nhất của kiếm tiền, tức còn “khó hơn” và cần nhiều kinh nghiệm hơn. Vậy nhà đầu tư cá nhân cần bảo vệ mình bằng cách nào?

Câu trả lời chỉ có một, đó là đọc thật nhiều và chọn lọc thông tin. Tương tự với các bước khởi sự kinh doanh ở trên, các nhà đầu tư cũng cần thực hiện các bước cơ bản bao gồm: Phân tích vĩ mô, ngành nghề của doanh nghiệp; biết doanh nghiệp kiếm tiền bằng cách nào; hiểu được chuỗi giá trị trong hoạt động của doanh nghiệp tương tự như khi kinh doanh, các rủi ro liên quan; hiểu được lợi thế cạnh tranh và đưa ra các dấu hiệu nhận diện một ban điều hành không tốt; có kiến thức về định giá doanh nghiệp.

Thông tin càng được nghiên cứu kỹ, độ rủi ro càng thấp và xác suất thành công càng cao. Những nhà đầu tư mua tích trữ vui mừng khi giá thị trường của doanh nghiệp giảm, họ sẽ được mua với giá tốt hơn và giấc ngủ sẽ ngon hơn với các nhà đầu tư cẩn trọng.

Các đối tượng mà tôi gợi ý nhà đầu tư có thể tham khảo trong quá trình nghiên cứu là ngân hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh, người lao động các cấp...

Bạn sẽ thấy ngạc nhiên rằng, một doanh nghiệp tốt hội tụ rất nhiều yếu tố tốt, từ ban lãnh đạo cho tới nhân viên cấp thấp nhất như công nhân, bảo vệ, từ bộ phận quan hệ nhà đầu tư cho tới marketing. Và chặng đường đầu tư tuy gian nan nhưng những điều hiệu quả lại tới từ những quan sát hết sức đơn giản.

Cuối cùng, trong một môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng thay đổi vì công nghệ phát triển, nhà đầu tư không chỉ cần cải thiện kỹ năng, mà còn phải trau dồi kiến thức mới. Triết lý của các nhà đầu tư huyền thoại sẽ làm kim chỉ nam cho chúng ta, nhưng việc cách thức các doanh nghiệp vận hành khác xưa rất nhiều buộc nhà đầu tư phải nhìn nhận và tự rút ra những kinh nghiệm riêng cho mình, từ đó mới có thể ra quyết định độc lập.

Câu nói tâm đắc của tôi là “Tiền không tự sinh ra tiền, mà được sinh ra từ tư duy đúng đắn”.

Tin bài liên quan