Do ngân hàng quản lý tài khoản tiền nên công ty chứng khoán không thực hiện thống kê chi tiết quy mô dòng tiền mới

Do ngân hàng quản lý tài khoản tiền nên công ty chứng khoán không thực hiện thống kê chi tiết quy mô dòng tiền mới

Tiền chảy vào chứng khoán theo cách khác

(ĐTCK) Còn nhớ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2007, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán tăng mạnh nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiền tiết kiệm qua đầu tư. Năm nay, sau Tết Mậu Tuất, câu chuyện này có thể sẽ lặp lại. Tuy nhiên, khác với thời điểm 11 năm về trước, các nhà đầu tư nghiệp dư đang có xu hướng gửi tiền ủy thác đầu tư, thay vì tự mày mò đầu tư như trước.

Dòng tiền hầu như không rút khỏi thị trường

Cuối năm 2017, anh Trần Quốc Tuấn, nhân viên phân tích của một công ty chứng khoán tại Hà Nội, đã đi một lượt để gặp gỡ, khách hàng, đối tác, trong đó có cả những nhà đầu tư lớn mà công ty anh đang phục vụ.

Sau một năm đầu tư tương đối thành công, hầu hết khách hàng hay liên lạc với anh để tham khảo ý kiến đầu tư đều cho biết, sẽ không rút lợi nhuận năm 2017 và đồng thời tiếp tục tăng quy mô đầu tư năm 2018 do vẫn còn tiền gửi tiết kiệm.

Tại một công ty làm dịch vụ quản lý ủy thác danh mục đầu tư, với mức sinh lợi lên tới gần 50% trong năm 2017 của các khách hàng, lãnh đạo công ty này cho biết, chỉ có chưa đến 20% khách hàng rút lợi nhuận năm 2017 ra để dùng cho các mục tiêu khác, trong khi có 30% tăng hơn 2 lần số tiền ủy thác đầu tư.

Tiền đổ vào thị trường từ các tài khoản đã tồn tại và tài khoản mới từ đầu năm 2018 đến nay rất lớn, trong khi hầu như không có nhà đầu tư rút tiền ra   

Dạo một vòng các lãnh đạo, nhân viên công ty chứng khoán, điểm thú vị là đợt tăng điểm của thị trường chứng khoán năm 2017 đang tạo ra một sự hấp dẫn mạnh mẽ với cả các nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường lẫn những người mới chỉ nghe nói về thị trường chứng khoán mà chưa từng đầu tư.

“Tiền đổ vào thị trường từ các tài khoản đã tồn tại và tài khoản mới từ đầu năm 2018 đến nay rất lớn, trong khi hầu như không có nhà đầu tư rút tiền ra”, anh Tài, một môi giới chứng khoán tại Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết.

Anh Bình, một môi giới chứng khoán tại SSI chia sẻ: "Trước Tết, khá nhiều tài khoản đã bán sạch cổ phiếu ra. Thông thường, với kỳ nghỉ dài, nhà đầu tư sẽ đi gửi tiết kiệm, nhưng năm nay, khách không rút tạm ra. Điều này cho thấy, nhà đầu tư vẫn rất lạc quan về cơ hội đầu tư”, anh Bình nhận xét.

Cũng theo anh Bình, dù không có con số thống kê chi tiết, cũng như chưa có dữ liệu cập nhật đầy đủ nguồn tiền của khách hàng đến từ tiết kiệm, bất động sản hay vay ngân hàng, nhưng lượng lớn khách hàng giao dịch qua đầu môi giới của anh đều tăng quy mô đầu tư, bao gồm cả tăng nhờ lãi đầu tư năm 2017 và nhờ nộp tiền mới, đặc biệt từ đầu năm 2018.

"Do ngân hàng quản lý tài khoản tiền nên công ty chứng khoán không thực hiện thống kê chi tiết quy mô dòng tiền mới. Tuy nhiên, nhìn vào việc thanh khoản thị trường tăng mạnh trong bối cảnh cổ phiếu mới niêm yết trong hơn 1 tháng qua hầu như không có và margin các công ty chứng khoán có phần hạn chế hơn…, thì dòng tiền mới là có thực", lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn nhận xét.

Tiền đến từ đâu?

Câu chuyện dòng tiền ồ ạt đổ vào chứng khoán năm 2018 khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh "người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán" giai đoạn 2006-2007. Thế nhưng, điểm tích cực dễ nhận thấy của năm nay là nhà đầu tư ít tự giao dịch, mà có xu hướng ủy thác tài khoản cho các cá nhân, tổ chức chuyên nghiệp quản lý. Đây là lý do các công ty quản lý quỹ… hầu như không có quỹ mà vẫn sống tốt.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Nguyễn Quang Huy, chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán chia sẻ, từ đầu tháng 12 Âm lịch của năm 2017 đến qua Tết Mậu Tuất 2018, anh nhận được một loạt cuộc hẹn cà phê từ những người bạn mà trước đó hầu như ít liên lạc. Hóa ra, khi biết anh làm cho công ty chứng khoán, họ đã liên lạc để nhờ tư vấn và quản lý tài khoản chứng khoán.

Nhà đầu tư cá nhân đang có xu hướng sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp thay vì tự đầu tư và lượng lớn dòng tiền đến từ các nhà đầu tư ngoại chính là 2 lý do quan trọng khiến thị trường dù đón nhận ồ ạt lượng tiền mới, nhưng không có tình trạng tăng giảm đồng loạt các mã chứng khoán, mà có sự chọn lọc ở từng nhóm ngành, từng mã chứng khoán.

Điểm cần quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại là tìm hiểu được dòng tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán đến từ đâu? Nếu đến từ tiền tiết kiệm hoặc các khoản đầu tư khác, thì dòng tiền này có thể sẽ ở lại lâu dài với thị trường, nhưng nếu đến từ các khoản vay, đặc biệt những khoản vay trá hình dưới hình thức vay mua bất động sản, vay sửa chữa nhà, hoặc thậm chí là vay vốn tín dụng của doanh nghiệp nhưng dùng sai mục đích sang đầu tư chứng khoán… thì mới đáng ngại.

Tin bài liên quan