Một khách hàng đến đòi nợ cãi vã với nhân viên tiệm vàng Tuấn Tài.

Một khách hàng đến đòi nợ cãi vã với nhân viên tiệm vàng Tuấn Tài.

Tiệm vàng Tuấn Tài vẫn chưa trả nợ

Ngày 23/11, trên 300 chủ nợ của tiệm vàng Tuấn Tài (Công ty TNHH SX-TM-DV Tuấn Tài, 39 Châu Văn Liêm, P.14, Q.5, TP.HCM) đã có mặt theo lời hứa “sẽ trả hết nợ trong vòng bảy ngày”. Thế nhưng sau buổi làm việc với ông Trần Thanh Tuấn - chủ doanh nghiệp Tuấn Tài, mọi người đã ra về trong thất vọng.

>> Một tiệm vàng lớn TP. HCM ngừng hoạt động

Thất vọng

 

Mặc dù tiệm vàng Tuấn Tài thông báo buổi làm việc diễn ra lúc 14g nhưng mới 12g30 đã có hàng trăm người kéo đến khiến Công an Q.5 phải điều động lực lượng đến hỗ trợ giữ gìn trật tự. Ngay cửa ra vào, Công ty Tuấn Tài đã đặt một hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt, ai muốn vào bên trong phải trình biên nhận gốc và một bản photo để nộp cho nhân viên bảo vệ.

 

Cấm đi khỏi nơi cư trú

 

Hiện Công an Q.5 đã thụ lý khoảng 20 đơn yêu cầu can thiệp của các chủ nợ. Trong nhiều ngày qua, Công an Q.5 đã làm việc nhiều lần với Công ty Tuấn Tài. Cá nhân ông Trần Thanh Tuấn đã nhận được lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của cơ quan công an. Hiện cơ quan chức năng đang xác minh toàn bộ tài sản của Công ty Tuấn Tài cũng như cá nhân ông Trần Thanh Tuấn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, buổi làm việc này không có đại diện của cơ quan chức năng địa phương cũng như Ngân hàng Nhà nước. Đúng 14g, ông Tuấn và đại diện của công ty có mặt.

 

Ông Tuấn đề xuất hai phương án: thứ nhất, sẽ giao toàn bộ tài sản của ông cho cơ quan nhà nước định giá, phát mãi rồi chia ra trả cho các chủ nợ; thứ hai, đích thân ông Tuấn sẽ gặp từng người cùng bàn bạc thỏa thuận trả nợ từng phần. Trước mắt mỗi người được nhận khoảng 5-10%, sau đó sẽ tính tiếp. Tuyên bố này của ông Tuấn khiến hầu hết các chủ nợ có mặt thất vọng và phản đối kịch liệt. Một người đại diện chủ nợ gay gắt: “Ông hẹn sau bảy ngày trả nợ, nếu không sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng đến nay lại nói như vậy là không chấp nhận được”.

 

Ông Tuấn giải thích thứ bảy tuần rồi ông vẫn trả nợ cho một số người, trong đó có người được trả đến 70%, nhưng do hôm nay mọi người đến đông quá không thể giải quyết được. Theo ông Tuấn, sự cố này xảy ra là do rủi ro khiến ông phải ôm nợ chứ không phải huy động vốn của khách hàng rồi đem đi sắm nhà cửa, tiêu xài cá nhân.

 

Sẽ thỏa thuận từng người

 

 

Tiệm vàng Tuấn Tài vẫn chưa trả nợ ảnh 1
Các chủ nợ ngồi nghe ông Trần Thanh Tuấn, chủ tiệm vàng Tuấn Tài, trình bày phương án trả nợ.

Theo ông Tuấn, hiện tất cả tài sản của ông đã được đặt dưới sự giám sát của cơ quan chức năng nên việc giải quyết nợ không phải do ông quyết định mà phải xin ý kiến của cơ quan chức năng. Về hai phương án đã đưa ra, ông mong muốn được giải quyết theo cách thỏa thuận với từng người. Bởi chỉ có cách gặp từng người mới xác định được lại công nợ, phương thức và thời gian trả nợ, chứ nếu giao Nhà nước phát mãi tài sản thì hiệu quả sẽ rất thấp!? Sau rất nhiều tranh cãi, cuối cùng phần đông chủ nợ đồng ý chọn cách thỏa thuận giải quyết riêng với từng người.

 

Và ông Tuấn quyết định từ hôm nay (24/11), công ty sẽ gặp từng người để xác định lại công nợ và phương thức thanh toán. Theo đó, đến ngày 10/12 việc thỏa thuận này mới xong. Danh sách chủ nợ hiện khoảng 308 người ở nhiều tỉnh thành, trong đó người gửi ít nhất khoảng 10 triệu đồng, cao nhất là 30 tỷ đồng. Để đảm bảo xử lý tài sản cho việc trả nợ, ông Tuấn đồng ý cho các chủ nợ cử đại diện cùng công ty giám sát việc định giá tài sản và kế hoạch chi trả.

 

Nguy cơ vỡ nợ dắt dây

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người gửi vốn tại Tuấn Tài có nhiều dạng, nhưng phần lớn không chủ đích gửi tiền kiếm lãi mà để kinh doanh dựa trên chênh lệch giá USD và vàng. Phương thức như sau: khách hàng gửi VND không kỳ hạn tại tiệm vàng để chờ cơ hội, khi đoán USD hoặc vàng sẽ tăng giá, những người gửi tiền này yêu cầu tiệm vàng quy đổi số tiền gửi từ VND sang USD hoặc vàng. Đợi khi giá tăng họ sẽ bán ra chốt lời thu về VND.

 

Còn Tuấn Tài thì dùng chính tiền ký quỹ của khách để kinh doanh thông qua ngân hàng (NH). Cụ thể, khi khách hàng yêu cầu quy đổi từ tiền đồng ra vàng hoặc USD, tiệm vàng sẽ chốt giá bán với khách hàng, sau đó dùng chính số tiền gửi của khách hàng thế chấp để vay vàng ra bán. Nếu giá vàng giảm, tiệm vàng sẽ tất toán số vàng đã vay để thu lãi.

 

Ngược lại, giá vàng tăng tiệm vàng sẽ phải bổ sung tiền ký quỹ theo đúng tỉ lệ quy định tại NH. Nhưng do thời gian qua giá vàng chỉ tăng mà không giảm khiến doanh nghiệp thua lỗ và liên tục phải bổ sung tiền ký quỹ tại NH. Có trường hợp doanh nghiệp đã yêu cầu NH xử lý tài khoản chứ không còn khả năng nộp thêm tiền ký quỹ.

 

Nhiều chủ nợ tại Tuấn Tài cho biết đã kinh doanh theo phương thức trên nhiều năm, tiền vốn gửi cố định tại tiệm vàng để hưởng lãi suất không kỳ hạn thông thường 0,9%/tháng (tương đương 10,8%/năm), cao gấp 3-3,5 lần so với lãi suất huy động tại NH. Bằng cách đầu cơ chuyển hóa linh hoạt như trên, chính những người kinh doanh này đã góp phần tạo ra những đợt sốt vàng, USD làm điên đảo thị trường. Không chỉ dùng vốn tiết kiệm, những người gửi tiền, vàng ở đây còn huy động rất nhiều nguồn từ gia đình, bạn bè, người thân... nên khi vỡ nợ rất có khả năng dắt dây đến nhiều người khác.