Mối quan tâm lớn nhất của các DN xuất khẩu tôm thời điểm này là nguyên liệu.

Mối quan tâm lớn nhất của các DN xuất khẩu tôm thời điểm này là nguyên liệu.

Thủy sản mắc kẹt

(ĐTCK-online) Xuất khẩu cá tra, basa giảm mạnh trong quý III, xuất khẩu tôm đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng... Quý cuối cùng của năm thường là mùa tiêu thụ khả quan của thủy sản, song năm nay DN đang phải chèo chống để vượt qua nhiều khó khăn.

Cá tra: Giảm cầu

Trong 3 tháng liên tiếp của quý III, xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam liên tục sụt giảm với tỷ lệ 2 con số (14 - 20%), với sự "tụt dốc" của thị trường nhập khẩu lớn nhất là EU. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 985 triệu USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu cá tra giảm trên 18%.

Sự sụt giảm đồng loạt của 4 thị trường chính trong khối EU đã khiến cho kim ngạch sang thị trường này giảm rõ rệt. Sau khi giảm 19% về giá trị trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang EU tháng 9 tiếp tục giảm mạnh hơn với 25,6%. Trong tháng 9, nhập khẩu vào Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Ba Lan đều giảm mạnh (từ 13,3 - 54,4%). Ai Cập được đánh giá là thị trường tiềm năng của cá tra Việt Nam, nhưng lượng xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến tháng 9/2009, xuất khẩu cá tra sang Ai Cập giảm 26,8% về giá trị so với cùng kỳ, đạt 26,7 triệu USD.

Thị trường EU không mấy tích cực, nhiều DN đang chuyển hướng tập trung cho thị trường Mỹ. Mặc dù được coi là thị trường có nhiều thách thức đối với cá tra Việt Nam với những rào cản thuế quan và kỹ thuật, nhưng Mỹ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh và ổn định về nhập khẩu mặt hàng này. Tháng 9, nước này nhập khẩu trên 4.000 tấn cá tra Việt Nam, trị giá 13,48 triệu USD, tăng 77% về lượng và 75% về giá trị so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng gần 63% về giá trị, đạt trên 95 triệu USD.

Ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) cho biết, hiện cá da trơn đã được xuất khẩu tới 100 thị trường trên thế giới, tuy bị áp thuế bán phá giá song do được hưởng mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thấp hơn nhiều so với năm ngoái, Công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Kim ngạch sụt giảm mạnh, nhưng xuất khẩu cá tra Việt Nam hy vọng vào những tháng cuối năm, nhu cầu của thị trường thế giới sẽ tăng, giúp ngành vượt kim ngạch 1,3 tỷ USD đã đề ra.

Tôm: thiếu cung

Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc CTCP Thuỷ hải sản Minh Phú cho hay, mối quan tâm lớn nhất của các DN xuất khẩu tôm thời điểm này là nguyên liệu, do thiếu đầu vào, nhiều nhà máy chỉ hoạt động 30% công suất. Còn theo ông Nguyễn Minh Hải, Phó giám đốc CTCP Hòa Trung, sau khi DN đồng lòng thực hiện chương trình "Nói không với tôm bơm chích tạp chất", chất lượng nguyên liệu đã cải thiện rõ rệt, giá tôm nguyên liệu cũng tăng cao. Tuy nhiên, lượng tôm tại Cà Mau cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% công suất của Hòa Trung. Thậm chí, Công ty còn không mua được tôm cỡ lớn cho chế biến và xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hòa, Giám đốc Công ty Thực phẩm Thủy sản Xuất khẩu Cà Mau cũng chia sẻ lo lắng này và cho biết, lượng tôm nguyên liệu mà Công ty mua được chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là thời tiết hiện không mấy thuận lợi cho việc nuôi và thu hoạch tôm, trong khi lo sợ thua lỗ như năm trước, mùa tôm năm nay, người dân tỏ ra dè dặt thả nuôi và thu hoạch rải rác. Hiện giá tôm xuất khẩu đã tăng hơn 25% so với vài tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn thấp hơn 15%.

Không chỉ tôm, một số ngành thủy sản khác cũng khó khăn về nguyên liệu. Tháng 8 - 9, khối lượng thủy sản xuất khẩu của Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thuận (Thaimex) giảm mạnh, do nguồn nguyên liệu mực tại Bình Thuận chỉ đáp ứng khoảng 1/3 các đơn hàng của Công ty. Các cơn bão liên tiếp, nguồn hải sản cạn kiệt, giá nguyên liệu cao chót vót…, khiến cho Công ty thiếu trầm trọng nguyên liệu để chế biến.

Trước những khó khăn trên, DN nhỏ thì sản xuất cầm chừng, còn DN lớn buộc phải chấp nhận đầu tư ban đầu với chi phí khá lớn. CTCP Minh Phú bỏ vốn tự đầu tư khu nuôi tôm, ngoài ra mua thức ăn cho tôm bán chịu cho nông dân, sau này thu lại bằng sản phẩm. Tương tự, khá nhiều DN trong ngành cá tra cũng đã đầu tư vùng nuôi cá, đồng thời hợp tác với bà con nông dân tại các tỉnh đầu tư thức ăn và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Đây sẽ là nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến, giúp DN chủ động trong chế biến và xuất khẩu.