Quý IV, dệt may có thể đóng góp thêm khoảng 2,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu

Quý IV, dệt may có thể đóng góp thêm khoảng 2,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu

Thuỷ sản, dệt may khả quan cuối năm

(ĐTCK-online) Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thuỷ sản, dệt may được đánh giá có nhiều triển vọng bứt phá trong những tháng cuối năm, điều này thể hiện qua chuyển biến đơn hàng mới của các DN. Bên cạnh các thị trường truyền thống, thị trường mới được cơ quan quản lý khuyến nghị cần đặc biệt chú trọng.

Thuỷ sản: Tiến chắc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 9, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 410 triệu USD, lũy kế 9 tháng đạt 3 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương đánh giá, 3 tháng cuối năm, mặt hàng thuỷ sản có thể đóng góp thêm khoảng 1,35 tỷ USD kim ngạch.

Với các DN trong ngành thuỷ sản, việc tìm kiếm đơn hàng khá khả quan. Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc Minh Phu Seafood Corp cho biết, 8 tháng đầu năm nay, Công ty đã xuất khẩu được gần 9.005 tấn tôm đông lạnh với tổng trị giá 90,95 triệu USD, tăng 18,12% về khối lượng và 2,12% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng Mỹ đã chiếm 49% về khối lượng và 45% về giá trị trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Công ty, tiếp đó là thị trường Hàn Quốc chiếm 13%, Canada chiếm 12,06%, Nhật Bản chiếm hơn 10%... Trong thời gian tới, Minh Phu Seafood Corp sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng giá trị gia tăng như tôm ring, tôm nobashi, tôm sushi, tôm tẩm bột…. Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ ngày 01/2/2007 đến 31/1/2008, mức thuế áp dụng với Minh Phú gần bằng 0% là tín hiệu tốt cho Công ty đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa sang thị trường Mỹ.

Trong khuôn khổ Triển lãm hàng xuất khẩu Việt Nam tại Liên bang Nga trung tuần tháng 9 vừa qua, CTCP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) đã ký được hợp đồng trị giá 19 triệu USD. Bắt đầu từ tháng 11/2009 tới, Baseafood sẽ tiến hành giao hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Ông Phạm Công Huyên, Phó tổng giám đốc Baseafood cho biết, hiện nay, Baseafood đã ký hợp đồng trở lại với nhiều bạn hàng truyền thống và mở rộng thêm một số khách hàng mới tại Trung Đông, Bắc Phi với trị giá bình quân từ 500.000 - 600.000 USD/hợp đồng. Từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nhờ đầu ra thuận lợi.

Tại cuộc họp bàn về xuất khẩu quý IV/2009 mới đây, lãnh đạo Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh, Hàn Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản cần được chú trọng. Với mức tiêu thụ trung bình khoảng 7.300 tấn tôm mỗi năm, đây là thị trường tiềm năng cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thị trường Hàn Quốc nhập khẩu các sản phẩm tôm, nhuyễn thể chân đầu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và cá tra, basa và đặc biệt là các sản phẩm từ cua. Nga cũng là một trong những thị trường cần phải quan tâm, sau khi những rào cản cho xuất khẩu thủy sản vào thị trường này phần nào được dỡ bỏ. Trong những sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu vào Nga, cá tra chiếm đa số. Với Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, Nhật Bản sẽ trở thành đối tác nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Đông được nhận xét là một thị trường rất tiềm năng của thủy sản Việt Nam. Cộng đồng người Hồi giáo hiện vào khoảng 1,8 tỷ người, chiếm 25% dân số toàn cầu. Đây là cộng đồng có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh nhất thế giới với tỷ lệ gần 3%/năm, trong khi tỷ lệ tăng trưởng trung bình trên thế giới chỉ khoảng 2%.

Dệt may: Phấn đấu dương

Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 840 triệu USD, lũy kế  9 tháng đạt 6,73 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ. Ba tháng cuối năm, mặt hàng này được đánh giá có thể đóng góp thêm khoảng 2,5 tỷ USD, nếu khai thác tốt các lợi thế về thị trường và tiềm năng nội tại của ngành. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, toàn ngành phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 9,2 tỷ USD, tương đương năm 2008. Trên thực tế, tình hình đơn hàng đã được cải thiện nhiều trong quý II và quý III năm nay. Nhiều DN, đặc biệt là các DN lớn đã có đơn hàng ổn định tới tháng 10, 11. Nhiều đơn vị phải đi gia công tại các DN vệ tinh.

Đánh giá về mức độ hấp thụ hàng tại các thị trường lớn, Bộ Công Thương cho biết, tại Mỹ hiện có khoảng 65% trong tổng số 305 triệu người tiêu dùng quay trở lại với các sản phẩm dệt may giá rẻ bình dân. Tại EU, phong cách thời trang thoải mái, thể thao đang được ưa chuộng. Do cơ cấu dân số già và xu hướng quan tâm đặc biệt tới sức khỏe trước những căn bệnh hay gặp ở bộ phận dân cư khá giả như béo phì, tiểu đường, đang khiến tiêu dùng quần áo, giày dép, đồ dùng thể thao tại khu vực châu Âu tăng lên. Tuy vậy, ngành dệt may vẫn cần tiếp tục tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu ở những thị trường khác như Nam Mỹ, châu Phi; đồng thời, cơ cấu lại tổ chức, rà soát và tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Có triển vọng khả quan, song cả hai ngành trên đều đang phải đối mặt với vấn đề nguyên liệu. Đại diện Baseafood cho hay, đơn hàng không thiếu nhưng nguyên liệu hải sản trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50% công suất chế biến của Công ty, nên Baseafood vẫn phải nhập khẩu 30% nguyên liệu cho nhà máy. Đây cũng là lý do Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đề nghị áp thuế 0% đối với nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu để hỗ trợ xuất khẩu.Với ngành dệt may, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,73 tỷ USD, nhưng tính ra DN phải chi hơn 4 tỷ USD để nhập nguyên vật liệu.