Truyền thông có vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức cho cả bên lập và bên sử dụng báo cáo PTBV

Truyền thông có vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức cho cả bên lập và bên sử dụng báo cáo PTBV

Thúc doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững, nhà quản lý vào cuộc

(ĐTCK) Để thúc đẩy các DN quan tâm hơn đến lập báo cáo phát triển bền vững, nhằm nâng cao minh bạch hoạt động của DN cũng như TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các Sở GDCK đang có nhiều nỗ lực.

Nỗ lực đáng ghi nhận đầu tiên là trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý nhằm minh bạch hơn hoạt động của các DN niêm yết, UBCK đang tính đến từng bước luật hóa quy định về DN phải lập báo cáo phát triển bền vững (PTBV) như kinh nghiệm của nhiều nước.

Cụ thể, trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 52/2012 hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK, UBCK đề xuất bổ sung một số nội dung mới liên quan đến báo cáo PTBV.

Ở phần phụ lục về báo cáo thường niên của dự thảo Thông tư, UBCK đề xuất bổ sung nội dung mới vào 2 mục là tình hình hoạt động trong năm và báo cáo, đánh giá của Ban giám đốc.

Cả 2 phần này phải bổ sung báo cáo/đánh giá liên quan đến môi trường và xã hội của công ty, với 3 nội dung gồm: báo cáo/đánh giá liên quan đến các chỉ tiêu môi trường (tiêu thụ nước, năng lượng, phát thải...); báo cáo/đánh giá liên quan đến vấn đề người lao động (số lượng lao động, mức lương trung bình đối với người lao động, chính sách lao động, hoạt động đào tạo người lao động); báo cáo/đánh giá liên quan đến trách nhiệm của DN đối với cộng đồng địa phương.

Theo bà Christine Koblun, Điều phối viên quan hệ mạng lưới, Tổ chức sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), giới truyền thông có vai trò rất quan trọng trong nâng cao nhận thức cho cả bên lập báo cáo PTBV (DN), cũng như các bên sử dụng thông tin trong báo cáo này (các cổ đông, nhà đầu tư...).

Thông qua việc tuyên truyền, giám sát của giới truyền thông, sẽ thúc đẩy DN ngày càng quan tâm nhiều hơn đến lập báo cáo PTBV. Đây là một trong những lý do UBCK cùng các Sở GDCK phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và GRI vừa tổ chức khóa đào tạo cho giới truyền thông các kỹ năng truyền thông về báo cáo PTBV.

“Tiếp cận báo cáo PTBV, các chủ điểm nóng mà giới truyền thông nên tập trung khai thác là hãy đặt nghi ngờ hay lật lại các thông tin mà DN công bố, xem họ có đang cố che giấu sự thật không tốt hay không; kiểm chứng xem giữa những gì DN công bố với những gì họ thực hiện có vênh nhau không...”, bà Christine Koblun chia sẻ.

Để khích lệ các DN, liên tiếp trong 8 năm gần đây, HOSE cùng Báo ĐTCK và Dragon Capital đã tổ chức bình chọn và trao giải thưởng cho các DN có báo cáo thường niên tốt nhất và 2 năm gần đây phát triển cuộc bình chọn báo cáo PTBV tốt nhất.

Năm nay, giải thưởng này được trao cho các DN vào ngày 26/6. Nỗ lực của Ban tổ chức được các chuyên gia và các DN đánh giá là tiếp thêm động lực để các DN ngày càng quan tâm nhiều hơn đến lập báo cáo PTBV theo các chuẩn mực, cũng như thông lệ tốt trên thế giới.

Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Christine Koblun cho biết, để thúc đẩy các DN ngày càng coi trọng lập và công bố báo cáo PTBV, bản thân các thành viên khác trên TTCK cũng phải quan tâm đến vấn đề này, để... làm gương cho DN.

Tại Việt Nam, giữa tháng 5 vừa qua, nằm trong chuỗi các hoạt động của Sáng kiến Sở GDCK phát triển bền vững (SSE), tại Diễn đàn đối thoại khu vực Đông Nam Á Sở GDCK phát triển bền vững, HOSE và HNX đã chính thức trở thành đối tác của SSE.

Việc gia nhập SSE là cam kết của các Sở GDCK Việt Nam trong chia sẻ và thúc đẩy các thông lệ liên quan đến PTBV đối với các DN đại chúng niêm yết.

Với vai trò là đối tác của SSE, HOSE và HNX tham gia vào các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thông qua đối thoại với các nhà đầu tư, DN và nhà quản lý; nỗ lực thúc đẩy đầu tư bền vững dài hạn và cải thiện minh bạch thông tin về môi trường, xã hội và quản trị công ty...

SSE được thành lập năm 2009 bởi các tổ chức: Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc (UN Global Compact), Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm của Liên hợp quốc (UNPRI) và Sáng kiến Chương trình tài chính Liên hợp quốc (UNEP FI).

Mục tiêu của SSE là tạo ra mối quan hệ hợp tác giữa các Sở GDCK với các cơ quan quản lý và cơ quan lập pháp, giới đầu tư, DN và các tổ chức có liên quan trên toàn thế giới, nhằm tăng cường tính minh bạch trong quản  trị DN, tạo điều kiện cho các bên thảo luận và cam kết về trách nhiệm của DN đối với môi trường và xã hội, cũng như công bố các báo cáo PTBV của họ.    

“Dựa vào các chỉ số trong báo cáo PTBV, DN có thể phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu”

Thúc doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững, nhà quản lý vào cuộc ảnh 1

Bà Nguyễn Lâm Hoàng Ái, Giám đốc cấp cao Công ty JIA HSIN, thành hội đồng bình chọnBáo cáo Phát triển bền vững
 

Nhìn chung, các báo cáo năm nay có nhiều tiến bộ về nội dung lẫn hình thức so với năm trước.

Các báo cáo tuân thủ một phần hoặc gần như toàn bộ chuẩn mực báo cáo của IFC và GRI, nhờ đó cung cấp một cách đầy đủ hơn các thông tin được xem là trọng yếu đối với doanh nghiệp, các nhà đầu tư hay các bên liên quan khác, thay vì chỉ trình bày các hoạt động an sinh xã hội hay cộng đồng như năm trước.

Về hình thức, các báo cáo trình bày đẹp & rõ, có một vài công ty có sáng tạo đặc biệt như sử dụng giấy tái chế, đọc báo cáo trên các ứng dụng của hệ điều hành iOS hay Android, dùng khổ giấy in báo cáo dạng brochure …vv.

Để có được báo cáo PTBV tốt, các doanh nghiệp nên tuân thủ theo một khung báo cáo phổ biến (chẳng hạn như IFC & GRI G4) và đáp ứng được các tiêu chí quan trọng như Tính Trọng Yếu, Tính Đầy Đủ, Tính Cân Bằng, Tính Chính Xác…

Khi đáp ứng được các tiêu chí này, báo cáo PTBV mới phản hồi một cách đầy đủ và chính xác những vấn đề mà các bên liên quan như nhà đầu tư, khách hàng, các đối tác và người lao động quan tâm.

Hiện tại, sách hướng dẫn báo cáo của IFC và GRI đều có phiên bản Tiếng Việt và có hướng dẫn riêng cho nhiều ngành nghề, DN nên sử dụng các sách hướng dẫn này để soạn thảo báo cáo. Ngoài ra, DN cũng nên có cơ chế thu thập thông tin & dữ liệu định kỳ để có sẵn dữ liệu cho kỳ báo cáo.

Quá trình thực hiện báo cáo PTBV cũng là một quá trình soát xét hầu hết hoạt động của doanh nghiệp trên 3 phương diện: Kinh Tế, Xã Hội và Môi Trường. Nếu nghiêm túc thực hiện báo cáo PTBV, doanh nghiệp sẽ nhìn thấy được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội cũng như thách thức của mình.

Các chỉ số báo cáo chính là những con số phản ánh thành tích của doanh nghiệp, dựa vào đó, doanh nghiệp có thể đưa ra các định hướng phát triển phù hợp, phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Ngoài ra, một báo cáo PTBV đáp ứng các tiêu chí quan trọng về nội dung và chất lượng sẽ giúp nhà đầu tư,đối tác có thêm thông tin về công ty, hổ trợ phần nào cho việc tiếp cận và đưa ra các quyết định đầu tư.

Tin bài liên quan