Nếu như trong đợt sóng tăng của thị trường trong tháng 4 phần nhiều phụ thuộc vào yếu tố tâm lý, đó là ảnh hưởng từ sự hưng phấn của nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, mà thiếu vắng những thông tin về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, thì đến thời điểm này, bức tranh kinh doanh quý I của các doanh nghiệp về cơ bản đã lộ sáng.
Theo thống kê của Fiintech cập nhật đến ngày 4/5/2020, kết quả kinh doanh quý I của 845 doanh nghiệp (không tính các ngân hàng), chiếm 68,8% vốn hóa trên ba sàn chứng khoán giảm 2,8% doanh thu, giảm đến 31,2% lợi nhuận sau thuế (số liệu đã loại trừ khoản thu nhập bất thường 7.500 tỷ đồng của VHM).
Con số lợi nhuận suy giảm đáng giật mình, bởi nhiều nhà đầu tư chỉ nhìn vào doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, nơi có nhiều doanh nghiệp lớn, chất lượng quản trị và mô hình kinh doanh tốt nên mức sụt giảm lợi nhuận là có nhưng không lớn đến như vậy, trừ một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 như hàng không, du lịch.
Việc thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4 dự báo sẽ khiến kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý II này ảnh hưởng nặng nề hơn.
Một số doanh nghiệp đã phải xây dựng lại kế hoạch kinh doanh năm 2020 giảm mạnh so với kịch bản đưa trong quý I, thời điểm dịch bệnh đã tác động nhưng vẫn còn chưa lường hết được diễn biến xấu.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hoà Bình đã điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống còn 200 tỷ đồng cho năm 2020, giảm mạnh so với mức 720 tỷ đồng dự kiến ban đầu.
Ngay cả những công ty đặt kế hoạch cả năm tốt, nhưng kết quả quý I cho thấy mọi sự không thuận lợi như dự đoán ban đầu, đặc biệt với các doanh nghiệp dệt may, thuỷ sản.
Thị trường chứng khoán, về phân tích kỹ thuật từ thế giằng co đã nghiêng về áp lực giảm nhiều hơn trong phiên giao dịch đầu tuần (4/5), sau kỳ nghỉ lễ dài.
May mắn là khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ trong phiên này, với giá trị bán ròng thấp nhất trong vòng một tháng qua, nếu không đà giảm của thị trường có thể đã mạnh hơn.
Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán MBS đã đưa ra nhận định: “Chứng khoán toàn cầu khởi động tháng 5 đều giảm điểm, chứ không riêng gì Việt Nam. Nhìn nhận thị trường một cách khách quan, nếu không có biến cố về thương mại trong phiên 4/5 thì thị trường trong nước cũng có thể giảm điểm sau nhịp hồi kỹ thuật vừa qua. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I đang dần khép lại và dần hé lộ tác động của dịch Covid-19 tới thị trường, trong khi thông tin hỗ trợ trong nước cũng không có gì mới. Với bối cảnh trong và ngoài nước như hiện nay, khả năng tạo sóng tăng mới là chưa rõ ràng. VN-Index có khả năng sẽ tạo một nhịp đi ngang trong khoảng từ 760 - 784 điểm”.
Thông tin đáng lưu ý là số liệu PMI tháng 4 của Việt Nam, chỉ số thể hiện sức khỏe của các nhà sản xuất đã giảm hơn 9 điểm so với tháng 3, về ngưỡng 32,7 điểm. Ðây đồng thời là mức điểm thấp nhất trong 9 năm qua.
Trong bối cảnh thông tin doanh nghiệp và thông tin vĩ mô chưa có các yếu tố mới hỗ trợ thì thị trường sẽ đứng trước thách thức lặp lại quy luật bán trong tháng 5.