Thời gian gần cạn, nhiều doanh nghiệp vẫn ở vạch xuất phát

Thời gian gần cạn, nhiều doanh nghiệp vẫn ở vạch xuất phát

(ĐTCK) Trải qua hơn 3/4 chặng đường năm 2018, trong khi không ít doanh nghiệp đã sớm về đích thì một số công ty vẫn loay hoay ở vạch xuất phát.

Công ty cổ phần (CTCP) Bao bì dầu thực vật (VPK) dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối tháng 11 để bàn một số nội dung quan trọng, trong đó có việc định hướng lại hoạt động kinh doanh.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh VPK đã có hơn 8 quý liên tiếp hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ. Báo cáo tài chính quý III/2018 cho thấy, Công ty tiếp tục lỗ 3,8 tỷ đồng, dù con số này đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (lỗ hơn 12,2 tỷ đồng).

Theo VPK, khoản lỗ trong quý III có phần thu hẹp nhờ Công ty tập trung tái cấu trúc hoạt động theo hướng tinh gọn sản xuất, giảm khấu hao, đàm phán với ngân hàng cơ cấu nợ gốc và miễn giảm lãi vay. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi đối với VPK hiện nay là tình trạng nguồn thu khó khăn.

Trong quý III/2018, doanh thu thuần của Công ty giảm hơn 56%, đạt 17,9 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu mà VPK đạt được chỉ bằng 47% mức thực hiện cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là thị trường bao bì đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, VPK đang trong quá trình tái cơ cấu sản xuất, di dời nhà máy từ quận 12 (TP.HCM) về Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, kéo theo các chi phí phát sinh, khiến doanh nghiệp khó thu hút và giữ chân khách hàng.

Hiện tại, cổ phiếu VPK vẫn đang nằm trong diện cảnh báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) kể từ ngày 3/4/2018 do lợi nhuận sau thuế năm 2017 và lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 là số âm.

Lũy kế đến ngày 30/9/2018, VPK đang âm hơn 54,5 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 94,5 tỷ đồng. Giá cổ phiếu VPK đã giảm hơn 40% từ đầu năm tới nay, hiện còn hơn 4.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2018, dù tiên đoán được khó khăn với việc đặt lỗ kế hoạch, nhưng thực tế, 9 tháng đầu năm, VPK đã lỗ hơn 24,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch dự kiến mà Công ty đề ra.

Trong khi đó, dù nằm trong diện kiểm soát, hạn chế giao dịch phiên sáng, cổ phiếu AGF của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang đã bật tăng mạnh hơn 45% trong vòng 1 tháng trở lại đây, cùng với công ty mẹ là CTCP Hùng Vương, nhờ ngành xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều thuận lợi.

Tuy vậy, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của AGF, dễ nhận thấy Công ty cần thêm thời gian để có thể cải thiện các khoản lỗ trong kinh doanh.

Tính đến ngày 30/6/2018, AGF lỗ lũy kế hơn 270 tỷ đồng. Còn 3 quý của niên độ 1/10/2017 đến 30/9/2018, Công ty lỗ ròng 178 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính bán niên năm 2018 của AGF đã soát xét, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Công ty do lỗ lũy kế lớn. Theo đó, kết thúc 3 quý của niên độ 1/10/2017 đến 30/9/2018, AGF hoàn thành 60% kế hoạch doanh thu, nhưng mục tiêu không lỗ khó có thể hoàn thành. 

Với CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL), dù chưa công bố báo cáo quý III/2018, nhưng 6 tháng đầu năm nay, Công ty chỉ lãi hơn 1,3 tỷ đồng, giảm hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt tương đương gần 5% kế hoạch năm là 26,7 tỷ đồng. Với thực trạng này, việc có thể về đích kế hoạch gần như khó xảy ra.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn, mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, HĐQT HTL đã trình cổ đông kế hoạch phát hành 4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu ESOP. Kế hoạch này ngay lập tức bị cổ đông bác bỏ với kết quả 65% cổ đông tham dự không tán thành. Kết quả, Công ty chỉ thông qua kế hoạch cổ tức năm 2017 là 20% bằng tiền mặt.

Một gương mặt khác cũng đang  loay hoay ở vạch xuất phát là CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (CSM). Năm 2018, tiên lượng được khó khăn trong diễn biến giá nguyên vật liệu, Ban lãnh đạo CSM đã đặt ra kế hoạch thận trọng với lãi trước thuế dự kiến 105 tỷ đồng.

Con số này dù tăng so với thực hiện năm 2017, nhưng ở mức tương đối thấp trong lịch sử hoạt động của Công ty 4 năm trở lại đây. Dù vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, CSM đạt doanh thu khoảng 2.818 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch doanh thu, nhưng lãi sau thuế chỉ mới hoàn thành khoảng 13% chỉ tiêu với 11,3 tỷ đồng.

CSM được biết đến là một trong những doanh nghiệp săm lốp có uy tín, thương hiệu và năng lực sản xuất ngày càng được cải thiện khi Công ty đang trong giai đoạn đầu tư dây chuyền sản xuất lốp PCR dành cho các dòng xe du lịch với định hướng đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, áp lực chi phí lãi vay, cũng như khấu hao hiện tại là không nhỏ với CSM, trong bối cảnh diễn biến giá nguyên vật liệu đang theo chiều hướng bất lợi.

Đáng chú ý, dù hoạt động kinh doanh đang đối mặt với những khó khăn nhất định, nhưng cổ phiếu CSM luôn được giới đầu tư săn đón. Sau giai đoạn rớt giá mạnh, cổ phiếu CSM đã được bắt đáy, tăng từ mức khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 5/2018 lên mức khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Tin bài liên quan