Những cổ phiếu dự kiến có kết quả kinh doanh tốt trong quý III sẽ hút được sự quan tâm của dòng tiền

Những cổ phiếu dự kiến có kết quả kinh doanh tốt trong quý III sẽ hút được sự quan tâm của dòng tiền

Thời điểm cơ cấu lại danh mục

(ĐTCK) Những chuyển biến tích cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục là động lực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.

Nền tảng vĩ mô vững chắc

Cuối tháng 9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp của Hội đồng, đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô trong quý III và 9 tháng đầu năm 2017.

Cụ thể, chỉ tiêu lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4%. GDP quý III tăng 7,46%, giúp tăng trưởng GDP 9 tháng qua ở mức 6,41%. Diễn biến tích cực của GDP quý III/2017 đã củng cố thêm cho kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% năm 2017.

Trong 9 tháng, huy động vốn cho nền kinh tế qua kênh trái phiếu Chính phủ là 147.000 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch, nhờ mặt bằng lãi suất ổn định. Đặc biệt kỳ hạn vay đã tăng thêm 3,2 năm so với cùng kỳ năm trước, góp phần giãn đỉnh nợ công từ các năm 2018 -  2019 sang các năm 2021 - 2022. Tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch từ đầu năm và đang triển khai theo hướng nới biên độ tăng năm 2017 lên trên 20%.

Bên cạnh đó, vốn hóa thị trường chứng khoán đã tăng 38,7%, tương ứng giá trị 60% GDP. Chỉ số VN-Index vượt 800 điểm sau gần 10 năm. Thị trường chứng khoán phái sinh hoạt động hiệu quả sau hơn một tháng đầu tiên khai trương. Thị trường ngoại tệ ổn định, không có biến động lớn về tỷ giá, các nhu cầu hợp pháp về ngoại tệ được đáp ứng kịp thời.

Chưa kể, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ghi nhận con số cao kỷ lục, tính đến ngày 20/9, có 14,6 tỷ USD đăng ký mới, tính cả số vốn điều chỉnh đầu tư tăng thêm 6,8 tỷ USD thì tổng mức đăng ký đã tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng là 12,3 tỷ USD, tăng 15%.

Cơ hội cơ cấu danh mục phù hợp

Trong bối cảnh này, ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index tiếp tục trạng thái đi ngang trong biên độ hẹp và chờ đợi kết quả tích cực hơn nhờ thông tin kết quả kinh doanh quý III sắp được công bố. Hiện tại, thanh khoản chưa nhiều cải thiện, dòng tiền vẫn đang ở trạng thái chờ đợi, trong đó sự phân hóa cổ phiếu diễn ra rõ nét.

Kết thúc phiên giao dịch 4/10, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng mạnh nhất về điểm số kể từ tháng 5. Sau phiên giảm tiêu cực phiên 3/10, lực cung giá thấp đã hạn chế khiến nhiều trụ cột dần hồi phục, nhờ vậy VN-Index không những trở về mốc 800 điểm mà còn tăng tới gần 8 điểm dù thanh khoản chỉ đạt gần 2.500 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là dòng dẫn dắt thị trường khi bất ngờ bứt tốc với sắc xanh phủ kín hầu hết các mã cổ phiếu. Đáng chú ý, việc thanh khoản đạt mức thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây nhưng tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu cơ bản đã cho thấy sự chuyển hướng đang bắt đầu, dòng tiền thông minh đang tìm đến các mã cơ bản.

Theo ông Ngọc, các chỉ số biến động trong khoảng hẹp do các cổ phiếu vốn hóa lớn biến động trái chiều, trong khi các nhóm cổ phiếu khác có sự phân hóa rõ nét và nhóm cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp giảm mạnh trong tuần. Mặc dù vậy, ông Ngọc cho rằng, việc những cổ phiếu dự kiến có kết quả kinh doanh tốt trong quý III vẫn hút được sự quan tâm của dòng tiền và tăng giá tốt là điểm tích cực trong ngắn hạn.

Theo đó, sự điều chỉnh về chỉ số trong ngắn hạn là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục phù hợp, từ đó đón đầu chu kỳ tăng mới. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì danh mục cân bằng và hoạt động cơ cấu danh mục trong thời gian tới nên hướng tới các cổ phiếu có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực, hoặc dự kiến có kết quả tốt.

Các nhóm ngành đáng quan tâm và mang tính dẫn dắt trong năm nay vẫn là nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, thủy điện, thực phẩm, hàng tiêu dùng…

Tin bài liên quan