Thoái vốn Vinamilk: Hồi hộp chờ giá khởi điểm

Thoái vốn Vinamilk: Hồi hộp chờ giá khởi điểm

(ĐTCK) Chậm nhất là ngày 21/10, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ công bố quy chế và bản công bố thông tin chào bán chính thức 48,3 triệu cổ phần, tương đương 3,33% vốn điều lệ Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM).

Cách đây gần 1 năm, SCIC tổ chức giới thiệu đợt chào bán 9% vốn điều lệ Vinamilk, tương ứng gần 131 triệu cổ phiếu, đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tham dự, nhưng kết quả chỉ bán được 78,4 triệu cổ phiếu, tương đương 60% số lượng chào bán, do giá giao dịch trên sàn chứng khoán có diễn biến giảm, thấp hơn giá khởi điểm bán đấu giá.

Trong buổi giới thiệu (roadshow) thoái vốn năm nay tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) diễn ra vào ngày 18/10, những người tham dự hầu hết là các gương mặt cũ, đại diện cho các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nội và một số quỹ đầu tư ngoại quen thuộc trên thị trường. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều ý kiến bày tỏ lạc quan về khả năng thành công của đợt chào bán này.

“Về cách thức chào bán, nhà đầu tư đã nắm được quy trình từ đợt chào bán trước. Vì vậy, giá khởi điểm bao nhiêu mới là thông tin được quan tâm nhất ở thời điểm hiện nay”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nói.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, việc xác định giá khởi điểm được thực hiện theo đúng quy trình, cách thức được phê duyệt. Theo đó, căn cứ giá trị cổ phiếu VNM theo các phương pháp định giá và giá thị trường của cổ phiếu này, SCIC sẽ đưa ra mức giá khởi điểm phù hợp.

Hiện nay, giá thị trường cổ phiếu VNM đang dao động quanh mức 154.000 đồng/cổ phiếu. SCIC sẽ công bố giá khởi điểm trước thời điểm đấu giá khoảng 10 ngày (ngày tổ chức đấu giá là ngày 10/11 tại HOSE).

Như vậy, trong khoảng thời gian này, biến động giá thị trường của cổ phiếu VNM sẽ được nhà đầu tư theo dõi sát sao. Nếu giá thị trường không chênh lệch, thậm chí thấp hơn giá khởi điểm, lẽ dĩ nhiên “lịch sử” có thể lặp lại. Nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ chọn phương thức mua qua sàn và “cuộc chơi” tiếp tục thuộc về các “tay to”.

Trước khi tổ chức roadshow ở “chợ nhà”, SCIC đã tổ chức giới thiệu đợt chào bán cổ phiếu VNM tại Singapore và Hồng Kông. Không ít nhà đầu tư tham gia, trong đó có các quỹ quy mô lớn bao gồm những quỹ đã, đang đầu tư tại VNM và một số quỹ đầu tư mới. Hầu hết nhà đầu tư bày tỏ quan tâm đến cơ hội đầu tư vào VNM.

Theo đánh giá chung, tỷ lệ chào bán cổ phiếu VNM lần này của SCIC không thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, nhất là nhà đầu tư mới, có ý định “đặt một chân trụ” vào VNM. Nhưng ngược lại, tỷ lệ hơn 3,3% có thể sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư mong muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu, với định hướng đầu tư chiến lược dài hạn tại doanh nghiệp. Trong khi đó, bối cảnh thị trường và VNM năm nay tích cực hơn năm ngoái.

Một trong những tổ chức nhiều khả năng sẽ mua lượng lớn cổ phiếu VNM là Tập đoàn Fraser & Neave Ltd. Trong đợt SCIC chào bán cổ phiếu VNM năm ngoái, thông qua 2 quỹ đầu tư con, Fraser & Neave Ltd là nhà đầu tư duy nhất chấp nhận mua với giá khởi điểm mà SCIC công bố là 144.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn 10.000 đồng/cổ phiếu so với giá trên sàn chứng khoán thời điểm đó), tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 16,3%.

Theo phân tích của một chuyên gia Ngân hàng CIMB (Singapore), hiện tại, F&N đã nâng tỷ lệ sở hữu tại VNM lên 18,74% và nhiều khả năng sẽ mua cổ phần do SCIC thoái vốn sắp tới.

Một số ý kiến cho rằng, tỷ lệ chào bán bao nhiêu không quan trọng bằng việc sau khi gia tăng tỷ lệ sở hữu, tiếng nói của cổ đông nước ngoài có trọng lượng hơn trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp hay không.

“Nhà nước không e ngại vấn đề nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền chi phối doanh nghiệp, bởi thực tế, VNM đã thông qua chủ trương nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%”, ông Chi nói.

Theo ông Chi, việc SCIC bán vốn tại VNM được thực hiện theo chỉ đạo và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc có tiếp tục thoái vốn xuống dưới mức 36% hay không, phải chờ quyết định của Chính phủ. Sau đợt bán 3,33% vốn này, SCIC vẫn nắm giữ quyền phủ quyết tại VNM.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty kiểm toán hàng đầu cho rằng, đối với việc thoái vốn nhà nước, thời điểm này chưa cần thiết áp dụng phương pháp dựng sổ (book building).

Bởi vì, nhà đầu tư ngoại đang có sự quan tâm đặc biệt, nhất là với những doanh nghiệp lớn có kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, áp dụng book building là việc phải làm, bởi đây là thông lệ tốt của quốc tế. Chính phủ nên bắt đầu xây dựng khung pháp lý cho book building từ bây giờ để trong thời gian tới có thể áp dụng.

Tin bài liên quan