Chia sẻ tại hội nghị đầu tư 2019 với chủ đề ““Kinh tế Việt Nam 2020 - 2030: Suy thoái hay hưng thịnh?”, ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nhà đầu tư “chơi” với Việt Nam không chỉ là với thị trường 100 triệu dân, mà còn chơi với nhiều thị trường lớn khác nhờ Việt Nam đã có 16 Hiệp định thương mại tự do đã và đang ký kết.
Theo công bố của U.S News & World Report, Việt Nam từ hạng 23 năm 2018 đã lên hạng thứ 8 năm 2019 trong tốp 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Đặc biệt, tại châu Á, Việt Nam xếp thứ 4 chỉ sau Ả Rập Xê-út, Ấn Độ và Qatar.
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 lại được dự đoán sẽ giảm tốc. Điểm đáng chú ý, theo con số thống kê trong 10 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 8,5%, nhưng Việt Nam cũng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng trên dưới 20%.
"Đây là lý do mà Việt Nam cần phải làm mạnh câu chuyện gian lận xuất xứ. Việt Nam có thể bị lạm dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang bước thứ ba", ông Võ Trí Thành nói.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán trong nước đang ngày càng phát triển và liên kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế nội địa, thể hiện qua việc vốn hóa thị trường/GDP liên tục tăng, đặc biệt trong năm 2017.
Tuy nhiên, để thị trường đạt được mốc 100% GDP trong năm 2020, nếu dựa theo giả định kinh tế tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020, ông Nguyễn Hiếu, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Rồng Việt ước tính, vốn hóa thị trường cần tăng ít nhất 35% trong năm tới.
Thoái vốn và IPO được xem là điều kiện tiên quyết để đạt được mốc này khi lịch sử cho thấy, Index hiếm khi tăng 35% trong 1 năm.
Để không lặp lại diễn biến của cuối năm 2017 và đầu năm 2018 khi thị trường tăng mạnh trong thời gian ngắn nhưng cũng giảm nhanh ngay sau đó, ông Hiếu đánh giá, thị trường cần tính ổn định và bền vững hơn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Mặc dù số lượng tài khoản chứng khoán tiếp tục tăng nhưng chỉ đạt khoảng 2,4% dân số Việt Nam.
Vốn hóa thị trường/ GDP Việt Nam vẫn thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Vốn hóa thị trường hiện đang ở mức 4.458 triệu tỷ đồng, thanh khoản 4.567 tỷ đồng/ngày.
Nhìn lại thị trường từ năm 2010 đến nay, chỉ có 1 năm duy nhất, VN- Index tăng trên 35% là năm 2017 (tăng đến 48%). Theo đó, ông Hiếu cho rằng, để VN- Index đạt mức tăng trưởng 35% không phải dễ.
“Tăng vốn hóa chỉ phụ thuộc hai cấu phần là giá cổ phiếu tăng trưởng và số lượng các công ty niêm yết tăng lên, hoặc một trong hai yếu tố này phải tăng. Vấn đề để Index tăng 35% như đã nói ở trên, là khó. Vậy cần tác động để tăng hàng hóa trên thị trường thông qua Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân niêm yết”, ông Nguyễn Hiếu, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Trong năm 2017, vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tăng hơn 80% so với cuối năm 2016, nhờ năm doanh nghiệp niêm yết mới nổi bật: CTCP Hàng không VietJet, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng và CTCP Vincom Retail.
Cùng với đó là các thương vụ thoái vốn lớn diễn ra với CTCP Sữa Việt Nam và Tổng công ty Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn.
Các đợt IPO và thoái vốn ở một số doanh nghiệp lớn này đã chiếm hơn 50% tổng vốn hóa thị trường tăng thêm thời điểm năm 2017.
2020 là năm cuối trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ với hàng loạt doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách thoái vốn và cổ phần hóa như Agribank, Vinachem, Mobifone, Viecm, Genco 1, Genco 2…Ước tính tổng vốn hóa của các doanh nghiệp lớn này ở mức khoảng 8 tỷ USD.
Việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp này sẽ giúp tăng đáng kể vốn hóa cho thị trường chứng khoán Việt Nam và đạt được mốc 100% GDP trong năm 2020.
Thực tế cũng đã cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Nhà nước đều có kết quả kinh doanh tích cực sau khi IPO.
Dù vậy, công cuộc thoái vốn và cổ phần hóa vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Khối lượng công việc rất lớn trong năm 2020 do Chính phủ mới chỉ hoàn thành được khoảng 30% kế hoạch.
Cơ hội của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế khi vốn hóa thị trường tập trung vào một số nhóm lớn
Cùng với đó, thủ tục pháp lý sẽ là trở ngại lớn đặc biệt là vấn đề định giá tài sản như đất đai.
Cơ hội của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế khi vốn hóa thị trường tập trung vào một số nhóm lớn và tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường ở mức trung bình so với khu vực.