Thoái vốn nhà nước: Đừng mang đến rồi lại mang về

Thoái vốn nhà nước: Đừng mang đến rồi lại mang về

(ĐTCK) Nhà nước cần có những thay đổi gì để việc bán vốn diễn ra nhanh, hiệu quả thay vì kéo dài như nhiều trường hợp đang diễn ra hiện nay?

Đại diện Công ty chứng khoán Tân Việt dẫn ra câu chuyện để thấy việc bán vốn không hề dễ dàng. Tân Việt thực hiện bán vốn nhà nước cho 2 doanh nghiệp có vốn của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), trong đó một doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tỷ lệ vốn thấp, doanh nghiệp kia thì kinh doanh bi bét, báo cáo tài chính không được kiểm toán, đơn vị tư vấn không có cách nào liên hệ được với lãnh đạo doanh nghiệp.

Tương tự, Công ty Chứng khoán ASEAN cho biết, ở một số doanh nghiệp mà họ bán vốn nhà nước, do có xung đột lợi ích trong việc Nhà nước thoái vốn (lãnh đạo doanh nghiệp sợ mất ghế, mất quyền lợi) nên không hợp tác trong việc cung cấp thông tin, không muốn tiếp xúc với các nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp.

Theo thống kê của SCIC, Tổng công ty này có đến 27 doanh nghiệp bán vốn đến lần thứ hai không thành công, thậm chí có doanh nghiệp bán đến lần thứ 6 vẫn không ai mua. Làm thế nào để những trường hợp này không rơi vào cảnh “mang đến rồi lại mang về”?

Theo kiến nghị của Công ty Chứng khoán ASEAN, trước khi đưa món hàng ra thị trường, nếu đã là "hàng ngon", không cần chủ sở hữu rao, lập tức sẽ có hàng loạt người muốn mua, tìm đến liên hệ. Tuy nhiên, với món hàng không hợp khẩu vị thị trường, chẳng hạn như doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông quá dàn trải, tài chính bi bét, số liệu không đáng tin cậy, mâu thuẫn nội bộ… thì chủ sở hữu nhà nước nên tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả trước khi đem hàng ra bán.

Còn với những doanh nghiệp rơi vào tình cảnh như doanh nghiệp mà Công ty chứng khoán Tân Việt đang thực hiện bán vốn, nhà tư vấn này cho rằng, không nên yêu cầu các bên buộc phải đưa ra giá khởi điểm như hiện nay. Mỗi lần đưa ra giá lại phải thực hiện định giá, bán không được phải hạ giá, lập hội đồng định giá lại…

Những trường hợp như vậy có thể mất cả năm trời mà chưa chắc đã bán được vốn. Do vậy, với những công ty này, Nhà nước nên chăng không áp giá khởi điểm mà chỉ cần rao bán, nhà đầu tư quan tâm sẽ đưa ra giá, có nhiều nhà đầu tư thì thực hiện chào bán cạnh tranh hoặc đấu giá công khai.

Thực tế cho thấy, có những doanh nghiệp Nhà nước bán vốn nhưng đã rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, theo lời tổng giám đốc một công ty chứng khoán, chủ sở hữu và đơn vị tư vấn lại phải ngồi nát óc “bới” ra một giá trị dương nào đó để có giá khởi điểm, thậm chí trong nhiều trường hợp, phải lấy một đề xuất của nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp để ra được giá trị dương, vậy mới ra được giá khởi điểm.

Cũng có không ít trường hợp, doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn tồn tại hàng loạt vấn đề mà thẩm quyền giải quyết phải lên tận Thủ tướng Chính phủ. Trong những trường hợp như vậy, sẽ rất khó thuyết phục nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn vào nếu không có sự cam kết đồng hành cùng gỡ vấn đề từ chủ sở hữu vốn nhà nước trong quá trình hậu thoái vốn.

Nhìn vào danh mục các doanh nghiệp mà Nhà nước có nhu cầu thoái vốn trong 3 năm tới lên tới hơn 400 công ty, lãnh đạo Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, nên phân loại danh mục doanh nghiệp để các nhà đầu tư thuộc các phân khúc, khẩu vị khác nhau dễ nắm bắt, dễ tìm hiểu để đi đến quyết định tham gia chào mua.

Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, truyền thông thường xuyên về các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn cũng là cách để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Với những doanh nghiệp có nợ lớn, các công ty tư vấn cũng cho rằng, Nhà nước cần cho phép bán cổ phần kèm nợ và sớm ban hành hướng dẫn việc định giá các khoản nợ này. Nếu gỡ được nút thắt về nợ, sẽ có nhiều món hàng được quan tâm.

Hơn 400 doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước với tỷ lệ thoái và thời gian thoái cụ thể được công bố đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nhưng để triển khai việc bán vốn hiệu quả, có nhiều vấn đề cần sớm được xem xét giải quyết.    

Tin bài liên quan