Thị trường trái phiếu đảo chiều

(ĐTCK-online) Thị trường trái phiếu đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục với sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài sau khi các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam dần trở nên ổn định hơn. Trên thị trường thứ cấp, thời điểm cách đây hơn 2 tháng, trái phiếu được ào ạt bán rẻ với mức rất sâu dưới mệnh giá, nhưng theo ghi nhận trên thị trường hiện nay, tình trạng này đã chấm dứt và các giao dịch đang sôi động trở lại.

Mức giá giao dịch ghi nhận được của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm với mã QHB0810015 đã tăng 391 đồng tại ngày 31/7 so với hai tuần trước đó ở mức giá 86.617 đồng/trái phiếu (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu).

Đối với trái phiếu, mức giá giao dịch được thể hiện qua lãi suất mua/bán, hiện lãi suất đang có chiều hướng giảm (giá tăng). Theo báo cáo về thị trường vốn của Ngân hàng HSBC ngày 29/7, lợi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm ngày 28/7 đạt 20%/năm, kỳ hạn 5 năm là 17% và kỳ hạn 10 năm là 16,5%/năm.

Nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ của các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư đã nâng lên đáng kể trong vòng một tháng qua. Lợi suất của trái phiếu đã hạ từ đỉnh điểm 21 - 22%/năm xuống mức hiện nay là 20 - 17%/năm.

Không chỉ nhà đầu tư nội, trong báo cáo mới đây của Deutsch Bank, ngân hàng này dự báo, nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần dần tham gia vào thị trường trong vòng 2 - 3 tháng tới.

"Đối với các nhà đầu tư bắt đầu sự quan tâm lại của mình tới thị trường Việt Nam, họ sẽ có cơ hội đo đếm được mức độ rủi ro của trái phiếu chính phủ dài hạn trong vòng vài tháng tới ở mức lợi suất khoảng 20%/năm cho trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm", báo cáo cho biết.

Nhận định trên được đưa ra dựa trên những rủi ro có vẻ như đã được giảm thiểu khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt và dự báo rằng, lạm phát có thể được kiềm chế vào cuối năm nay và đầu năm sau, thị trường ngoại hối đã được kiểm soát với việc ổn định tỷ giá giữa tiền đồng và USD vài tuần trở lại đây. Bên cạnh đó, tính thanh khoản của nhiều ngân hàng tốt hơn với nguồn vốn dồi dào cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới nhu cầu cao hơn đối với trái phiếu chính phủ.

Mặc dù giao dịch trên thị trường thứ cấp đã sôi động trở lại, tuy nhiên một thực tế đáng lo ngại là chênh lệch giá trái phiếu trên cả thị trường thứ cấp và sơ cấp vẫn khá lớn. Phát hành trái phiếu ở thị trường sơ cấp vẫn bị khống chế lãi suất trần và thấp hơn thị trường thứ cấp ở khoảng gần nhất 7 - 8%/năm đã dẫn đến thất bại trong việc đấu thầu phát hành qua TTGDCK Hà Nội từ tháng 3 tới nay.

Trong phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 15 năm ngày 16/7/2008, lãi suất trần đã được nâng lên mức 15% nhưng chỉ bán được 7 tỷ đồng/200 tỷ đồng mời thầu. Trước đó, trong phiên đấu thầu ngày 11/7/2008, không một thành viên nào tham gia mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 đến 3 năm.

Theo lãnh đạo một ngân hàng lớn, trái phiếu đang giao dịch trên thị trường thứ cấp thường là những trái phiếu với kỳ hạn giao dịch liên tục. Nếu bị gián đoạn, phân khúc về kỳ hạn sẽ bị thiếu hụt và ảnh hưởng đến khả năng giao dịch cũng như tính thanh khoản của thị trường.

Cũng theo vị lãnh đạo này, từ nay tới cuối năm, nếu không phát hành được trái phiếu chính phủ đối với kỳ hạn 5 năm thì sang năm, trên thị trường thứ cấp sẽ thiếu loại trái phiếu kỳ hạn 4 năm để giao dịch. Ngoài ra, việc không phát hành được sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch ngân sách.

Có một sự liên thông giữa thị trường thứ cấp và sơ cấp là giá giao dịch cũng như hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp sẽ tác động ngược lại đến khả năng phát hành trên thị trường sơ cấp. Chính vì vậy, sự khác biệt về giá (lãi suất) phát hành đang khiến thị trường sơ cấp gặp khó khăn và về dài hạn, sẽ tác động ngược trở lại thị trường thứ cấp. "Cơ quan quản lý cần có sự quan tâm cũng như giám sát tốt hơn tới hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp", vị lãnh đạo trên bình luận.

Theo kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt, Việt Nam sẽ phát hành trái phiếu chính phủ không quá 37.000 tỷ đồng trong năm 2008. Tuy nhiên, với việc cắt giảm chi tiêu của Chính phủ, kế hoạch này sẽ còn lại khoảng 27.000 tỷ đồng. Nhưng thống kê từ đầu năm tới nay, giá trị lượng trái phiếu chính phủ bán thành công chưa vượt qua 10.000 tỷ đồng, tức là chưa đạt được một nửa kế hoạch đặt ra.