Thị trường thử thách lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư

Thị trường thử thách lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư

(ĐTCK) Sau một tuần “giảm sâu, tăng sốc”, TTCK Việt Nam quay lại đà giảm mạnh khi VN-Index giảm thêm 34 điểm, lùi sát về mốc 660 điểm vào phiên 30/3. Thị trường tiếp tục thử thách kiên nhẫn của nhà đầu tư một lần nữa.

Tính đến phiên 30/3, chứng khoán Việt Nam đã giảm gần 29% kể từ đầu năm và 34% kể từ đỉnh gần nhất trong năm 2020.

Tuần qua, trong khi phần lớn các thị trường trên thế giới phục hồi, thị trường Việt Nam ghi nhận 3 phiên hồi phục, nhưng tính chung cả tuần, VN-Index vẫn giảm 1,93% và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Tuy nhiên, điểm tích cực là đà giảm đã được thu hẹp theo tuần, từ mức giảm 14,55% xuống 6,83% và tuần vừa qua chỉ còn giảm 1,93%. Câu hỏi đặt ra là, đáy của thị trường ở đâu?

Những người bám bảng điện đã quen với tình trạng mở bảng giá chứng khoán là thấy sắc đỏ bao trùm. 

Ông Ðào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCK VietinBank cho biết, trong ngắn hạn, thị trường tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh nếu diễn biến dịch chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những phiên hồi lại ít nhiều thì đi kèm với đó là lo ngại trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”.

Ðơn cử, phiên cuối tuần qua, mặc dù chỉ số ghi nhận hồi phục nhẹ, nhưng số mã giảm trên bảng điện tử vẫn hơn gấp đôi số mã tăng.

Ðây có lẽ chỉ là hiện tượng dòng tiền còn lại trên thị trường cố gắng níu kéo, giữ nhịp ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, hoạt động như là trụ đỡ của Index. Hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng” đã ngầm phản ánh mức độ rủi ro nếu tham gia thị trường trong giai đoạn này.

Do đó, nhiều chuyên gia vẫn khuyên nhà đầu tư lựa chọn giải pháp đứng ngoài và theo dõi thị trường cho đến khi các diễn biến mới tích cực hơn xuất hiện.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích CTCK Agribank (Agriseco) cho rằng, TTCK Việt Nam đang cùng chuyển động tiêu cực theo biến động chung của chứng khoán thế giới, nhưng còn chịu rủi ro hơn khi vẫn đang áp dụng thời gian giao dịch T+3.

Với quy định này, hàng chưa kịp về tài khoản thì nhà đầu tư đã có thể phải chịu lỗ lớn. Trong khi đó, việc xác định giá cổ phiếu thực sự có rẻ hay không chỉ mang tính tương đối, vì chưa ai biết dịch bệnh sẽ mang đến những hệ lụy lớn đến mức nào.

“Do vậy, nếu không thực sự thấu hiểu doanh nghiệp thì không nên giải ngân giai đoạn này. Trong ngắn hạn, quan điểm của Agriseco vẫn là khuyên nhà đầu tư tạm đứng ngoài khi các biến động thị trường còn chưa lường trước được. Tôi cho rằng, biên độ dao động các phiên tới sẽ rất lớn”, ông Khoa nói.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, đối với những nhà đầu cơ, chiến thuật “đánh nhanh rút gọn” thường áp dụng ở những cổ phiếu đã giảm giá sâu với hy vọng tìm kiếm lợi nhuận ở các nhịp hồi phục ngắn hạn.

Chiến lược này đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, đặc biệt là khi tài khoản đã có sẵn cổ phiếu, nên không phải chờ T+3.

Tuy nhiên, cách thức này cũng tiền ẩn nhiều rủi ro khi mà diễn biến của thị trường đang không theo một quy luật nào, cũng không giống với giai đoạn khó khăn do khủng hoảng kinh tế như thời kỳ 2008.

Hiện tại, thị trường đang khủng hoảng tâm lý bởi nỗi lo an toàn sinh mạng trên toàn cầu.

Có thể thấy, sau nhịp giảm sâu, thị trường đã được hãm đà rơi và có thể đi vào vùng phân hóa, cổ phiếu vốn hóa lớn vốn là các cổ phiếu đầu ngành, có mức chiết khấu đủ lớn sẽ là địa chỉ hấp dẫn dòng tiền.

Bên cạnh đó, sau chuỗi bán ròng mạnh tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips, áp lực bán ròng đã giảm. Nhà đầu tư ngoại chuyển sang mua ròng trong phiên cuối tuần qua là tín hiệu tích cực đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng như nhóm bluechips.

Theo các dữ liệu lịch sử, TTCK thường mất trung bình 18 tháng để bắt đầu hồi phục kể tư những tín hiệu đầu tiên cho thấy tăng trưởng kinh tế đi chậm lại. Covid-19 có thể viết nên lịch sử mới về sự mất mát, nhưng chắc chắn thị trường không thể giảm mãi.

Với hàng nghìn tỷ USD đang được các ngân hàng trung ương bơm ra cứu nền kinh tế, cứu thị trường tài chính, một phần giới đầu tư bắt đầu cảm nhận thị trường đã tới đáy. Song, đâu là đáy thực sự thì chỉ tương lai mới trả lời được.                        

Tin bài liên quan