Các chỉ số và nhiều cổ phiếu có dấu hiệu chững đà tăng sau khi VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm, thị trường trở lại dao động trong biên độ hẹp. Phải chăng, thị trường đang cần một khoảng nghỉ?
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank.
Sau nỗ lực bứt phá ngoạn mục qua khỏi vùng kháng cự khó nhằn 1.000 - 1.005 điểm (có sự đóng góp rất lớn của nhóm cổ phiếu VIC, VRE, VHM cùng các cổ phiếu bluechips khác), chỉ số VN-Index đã quay trở lại mức điểm cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Tại đây, VN-Index tỏ ra khá đuối trước áp lực chốt lời của những nhà đầu tư đã mạnh dạn mua và nắm giữ từ trước khi chỉ số vượt đỉnh 1 năm, dẫn đến kịch bản nghỉ ngơi, điều chỉnh và dao động trong biên độ hẹp, để tích lũy trước khi một diễn biến mới xảy ra.
Tuy vậy, dòng tiền có nhiều khả năng sẽ không rời bỏ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mà luân phiên xoay vòng, duy trì thị trường, đồng thời điều hướng tới các nhóm cổ phiếu chưa tăng giá nhiều, với dư địa tăng trưởng hấp dẫn hơn.
Thị trường từng kỳ vọng, khi VN-Index vượt 1.000 điểm sẽ kích hoạt dòng tiền lớn nhập cuộc, nhưng thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Theo ông, đâu là lý do?
Chúng tôi cho rằng, có một số lý do khiến nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng, bất chấp việc chỉ số VN-Index đã vượt vùng kháng cự 1.000 - 1.005 điểm thành công.
Trước hết, các yếu tố ngoại biên như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, bất ổn địa chính trị tại Hồng Kông, cùng với những lo ngại về một kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài có thể xảy ra trong tương lai không xa là những nguyên nhân hàng đầu làm chùn bước nhiều nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, có nhiều nhà đầu tư vẫn mang tâm lý nghi ngờ về kịch bản vượt vùng kháng cự 1.000 - 1.005 điểm của VN-Index, do trong quá khứ đã từng nhiều lần bị thị trường cho “leo cây”.
Khi nhận ra thị trường đã thực sự vượt vùng cản cứng, thì họ cũng không quá hào hứng, do tính đầu cơ tại thị trường chứng khoán Việt Nam rất lớn, trong khi cơ chế giao dịch hiện nay có những điểm còn hạn chế, góp phần ngăn cản việc tham gia trở lại của những nhà đầu tư này.
Một lý do chủ quan khác là diễn biến vượt cản bất ngờ của VN-Index chưa thực sự đem lại cảm giác an toàn, bền vững trong bối cảnh một nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kéo điểm chỉ số và dòng tiền chưa có tính lan tỏa tốt ra các nhóm cổ phiếu cơ bản khác.
Thị trường đã có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp, hòa cùng xu hướng tăng của chứng khoán toàn cầu, song có một thực tế là rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ, vì sao?
Kịch bản này cũng khá dễ hiểu khi chỉ có nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu có vai trò kéo điểm chỉ số VN-Index trong mấy tuần giao dịch vừa qua là có thể kiếm lời. Tôi nhận định, khoảng 5% nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam có lãi, 95% nhà đầu tư ghi nhận mức tăng trưởng âm, hoặc giá trị tài khoản chưa tăng, do nắm giữ những cổ phiếu khác.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sau một thời gian tăng giá đã chững lại. Vậy cơ hội đang dành cho nhóm nào, theo ông?
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn gần như đã hoàn thành vai trò trở thành bệ đỡ giúp chỉ số VN-Index vượt vùng kháng cự 1.000 - 1,005 điểm.
Với việc dòng tiền tại nhóm cổ phiếu này đang có dấu hiệu chững lại và chuyển hướng, đối tượng tiếp theo mà nhà đầu tư nên để ý là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có những câu chuyện riêng như nhóm cổ phiếu sẽ được chọn vào rổ chỉ số Diamond, VNFIN Select, VNFIN Lead.
Bộ chỉ số mới mà ông vừa nói dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng 11 này. Thông tin này có tác động nhiều đến thị trường và nhóm cổ phiếu VN30 hay không?
Chúng tôi nhận định, sự kiện này sẽ đem lại một số tác dụng tích cực cho thị trường, giúp cải thiện thanh khoản và diễn biến giao dịch của những cổ phiếu được đưa vào rổ tính các chỉ số mới; đặc biệt là chỉ số Diamond khi giúp giải quyết sự hạn chế “room khối ngoại” bấy lâu nay trên thị trường.
Ngoài ra, việc này cũng sẽ kéo theo sự thành lập của nhiều quỹ đầu tư thụ động theo chỉ số, thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp tốt hơn.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có nên “đánh cược” với thị trường?
Tôi nghĩ, nếu nhà đầu tư có biện pháp quản trị rủi ro tốt, đồng thời tiến hành phân bổ tỷ trọng danh mục đầu tư hợp lý, thì đây có thể là những cơ hội tìm kiếm lợi nhuận hiếm có, có thể đem lại tỷ suất lợi nhuận vượt trội. Ở thời điểm này, sau nhóm Vingroup, ngân hàng, cơ hội đang hướng đến nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng bán lẻ cao cấp, có thể là MSN khi doanh nghiệp này tiếp cận dòng sản phẩm cao cấp mới, hay VNM mở rộng thêm thị trường Trung Quốc…
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
VDSC có công cụ tính toán nội bộ và đếm số lượng cổ phiếu “thắng - thua” sau T+3, ví dụ mua ngày T thì đến T+3 sẽ lời hay lỗ. Công cụ này cho thấy, dù VN-Index tăng 0,7% trong tuần qua, nhưng nhìn chung, số mã “thắng” trên sàn HOSE vẫn ít hơn số mã “thua”.
Tuy vậy, khi xem xét kỹ hơn trong các nhóm vốn hóa, thì tỷ lệ “thắng” (tức mua ngày T và đến ngày T+3 thì lời) nghiêng hẳn về nhóm doanh nghiệp có quy mô tỷ đô và một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác.
Tác động đan xen từ các yếu tố thế giới và trong nước khiến việc đoán định điểm số thị trường trở nên không còn trọng yếu. Thay vào đó, như nhiều lần đã đề cập, VDSC đề cao việc chọn lọc cổ phiếu nhiều hơn, cụ thể ở đây là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh gắn liền với sự tăng trưởng từ tiêu dùng và đầu tư trong nước.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhà đầu tư tại Hà Nội
Chỉ một số ít nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận trong đợt tăng vượt ngưỡng 1.000 điểm của VN-Index 2 tuần qua, đó là những nhà đầu tư vào đúng nhóm cổ phiếu trụ như nhóm Vingroup có VHM, VRE…, hay nhóm ngân hàng có VCB… Tuy nhiên, chỉ cần vào sai nhịp thì cũng rất khó để có thành quả.
Có một thực tế là đa phần nhà đầu tư có tâm lý chấp nhận để cổ phiếu bị lỗ lớn, hơn là cho phép cổ phiếu đạt mức lãi lớn. Nghĩa là, nhà đầu tư thường “ăn non”, nhưng khi lỗ thì lại không bán ngay mà tiếp tục nắm giữ. Nói cách khác, họ chấp nhận khoản lãi nhỏ hơn là khoản lỗ nhỏ.
So với thời điểm thị trường đạt đỉnh hơn 1.200 điểm trong tháng 3/2019, nhiều cổ phiếu hiện có mức giá giảm từ 15 - 30%, chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp sản xuất như thủy sản, sắt thép, dệt may. Ngay cả những cổ phiếu bluechips trong ngành sản xuất như HPG cũng chịu sự điều chỉnh mạnh về giá so với mức đỉnh.
Mặc dù vậy, mặt bằng giá cổ phiếu toàn thị trường hiện tại đã được nâng lên, phần nào cân bằng giữa “lòng tham - nỗi sợ hãi” của các nhà đầu tư, nên để thị trường tiếp tục bứt phá là rất khó. Hy vọng sẽ có cơ chế nới room những cổ phiếu lớn để thu hút dòng tiền đổ vào thị trường.