Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Thị trường tài chính 24h: Xả hàng

(ĐTCK) VN-Index lao dốc, mất mốc 1.000 điểm; 4.0 với hệ thống ngân hàng và khoảng trống chính sách;  Bất ngờ các mã “quán quân” tăng giá; Thoái vốn... vì tiền?; Sôi động lãnh đạo và “người nhà” mua cổ phiếu; Chứng khoán Nhật Bản suy giảm sau trận động đất ở Osaka; USD mạnh hơn, nhưng các thị trường mới nổi châu Á vẫn ổn...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index mất hơn 29 điểm

Thị trường trong 2 tuần qua nỗ lực đi lên, nhưng diễn biến chính cho thấy, VN-Index bứt phá chủ yếu do một vài mã lớn mà thiếu đi sự đồng thuận của thị trường, cũng như nhóm VN30. Điều này tạo ra rủi ro đảo chiều lớn khi trụ bị "gãy", phiên chiều nay là một ví dụ.

Trong phiên sáng, sau khi lình xình nửa đầu phiên, lực bán mạnh ở nhóm bluechip đã khiến chỉ số giảm mạnh về nửa cuối phiên.

Bước vào phiên chiều, tình hình còn tồi tệ hơn khi lực cung ồ ạt được tung ra, khiến hàng trăm mã giảm giá, kéo VN-Index xuyên thủng mốc 1.000 điểm.

Sau khi xuyên thủng mốc 990 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc chặn đà giảm của chỉ số.

Trong đợt ATC, lực cung một lần nữa áp đảo, đẩy lùi VN-Index trở lại và đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày.

Nhóm ngân hàng và dầu khí chịu áp lực bán mạnh và cũng là nhóm giảm mạnh nhất.

Trong đó, VCB giảm 4,24% xuống 56.500 đồng; TCB giảm 4,94% xuống 100.000 đồng; CTG giảm 4,61% xuống 25.850 đồng; BID giảm 5,86% xuống 27.300 đồng;  VPB giảm 0,98% xuống 30.300 đồng dù phiên sáng tăng gần 4%; MBB giảm 4,76% xuống 28.000 đồng; HDB giảm 5,88% xuống 36.800 đồng; STB giảm 3,23% xuống 12.000 đồng; EIB giảm 1,37% xuống 14.400 đồng và TPB giảm 2,88%, xuống 27.000 đồng.

Nhóm dầu khí cũng giảm mạnh với GAS giảm 6,15% xuống 90.000 đồng; PLX giảm 4,16% xuống 64.500 đồng.

Các mã khác như VNM giảm 4,06%, xuống 172.700 đồng; VRE giảm 6,67% xuống 42.000 đồng; VJC giảm 4,62% xuống 165.000 đồng; HPG giảm 6,51% xuống 40.200 đồng; MWG giảm 4,68%, xuống 118.000 đồng; SSI giảm 6,72%, xuống 31.250 đồng…

Các mã chứng khoán khác cũng giảm mạnh, như  HCM xuống sàn 62.400 đồng, VCI giảm 3,72%, xuống 89.000 đồng, VND giảm 5,37%, xuống 19.400 đồng…

Giảm sàn còn có DXG khi đóng cửa ở mức 30.250 đồng với 7,66 triệu đơn vị được khớp.

Dù thị trường chịu áp lực cung ồ ạt, nhưng HAG vẫn đứng khá vững khi đang giữ được mức trần 5.010 đồng với 12,37 triệu đơn vị được khớp. HNG có được sắc xanh, dù mức tăng khiêm tốn, tổng khớp 3,83 triệu đơn vị.

Cũng giữ được sắc tím khi chốt phiên có HTT, TLD, còn TCH, SHI có được sắc xanh.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại đã bán ròng hơn 10,87 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 489,4 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 945.383 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 18,43 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng hơn 1,19 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 3,26 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/6: VN-Index giảm 29,17 điểm (-2,87%), xuống 987,34 điểm; HNX-Index giảm 2,84 điểm (-2,45%), xuống 113,06 điểm; UPCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,97%), xuống 52,56 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.506 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ 

Sau khi tăng tốt trong phiên thứ Năm nhờ thông tin ECB không tăng lãi suất, phố Wall đã đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần khi nỗi lo chiến tranh thương mại nổi lên.

Cụ thể, Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu trị giá 50 tỷ USD với hàng hóa của Trung Quốc, trong đó, giai đoạn đầu có giá trị 30-40 tỷ USD. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng có động thái tương tự với các mặt hàng nhập từ Mỹ.

Sau khi lấy lại đà tăng mạnh 2,77% tuần trước đó, tuần qua, Dow Jones đã đảo chiều giảm 0,89%, trong khi S&P 500 và Nasdaq có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,02% và 1,32%.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones giảm 84,83 điểm (-0,34%), xuống 25.090,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,83 điểm (-0,10%), xuống 2.779,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 14,66 điểm (-0,19%), xuống 7.746,38 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm do tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang đã làm dấy lên những lo ngại về tác động đến kinh tế toàn cầu, bên cạnh đó sự bán tháo các cổ phiếu sản xuất thiết bị xây dựng cũng là nguyên nhân khiến thị trường mất đà.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,8% xuống 22.680,33 điểm. Topix giảm 1% xuống 1.771,43 điểm.

Trận động đất 6,1 độ richter ở Osaka, đã khiến nhóm cổ phiếu tiện tích có trụ sở tại Kansai mất điểm.

Theo đó, Kansai Electric giảm 1,9% mặc dù không có sự bất thường nào được phát hiện tại các nhà máy hạt nhân Mihama, Takahama và Ohi sau trận động đất. Osaka Gas cũng mất  3,4%.

Mặt khác, các nhà thầu xây dựng có trụ sở tại khu vực Kansai tăng vọt do suy đoán rằng nhu cầu xây dựng sẽ tăng sau trận động đất với Asanuma Corp tăng 1,3%, Mori-gumi 1,6% và Okumura Corp tăng 0,1%.

Các nhà sản xuất thiết bị xây dựng bị bán tháo như Komatsu Ltd và Hitachi Construction Machinery lần lượt giảm 3,9% và 2,8%.

Nhà sản xuất robot công nghiệp Fanuc Corp giảm 1,8% và Yaskawa Electric giảm 3%.

Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch ngày Tết Đoan ngọ.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Lễ hội thuyền rồng.

Kết thúc phiên 18/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 171,42 điểm (-0,75%), xuống 22.680,33 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tăng nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.865 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng từ 10.000 đến 30.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,74 - 36,94 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.602 đồng/USD, tăng 7 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.795- 22.865 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

4.0 với hệ thống ngân hàng và khoảng trống chính sách

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có những bước tiếp cận nhanh chóng với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, nhu cầu cải cách công nghệ ngành ngân hàng đang đòi hỏi phải xây dựng các quy định pháp lý mới..>> Chi tiết

Bất ngờ các mã “quán quân” tăng giá

Sau khi đạt kỷ lục mới 1.200 điểm vào trung tuần tháng 4, thị trường đã điều chỉnh mạnh và lùi về quanh mức 1.000 điểm. Trong khi đa phần cổ phiếu suy giảm theo đà thị trường, vẫn có không ít cổ phiếu "lội ngược dòng", thậm chí tăng bằng lần, qua đó trở thành nơi "tránh bão" cho nhà đầu tư..>> Chi tiết

Thoái vốn... vì tiền?

Trong danh sách các doanh nghiệp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang quản lý vốn, có những doanh nghiệp tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn chưa đến 5%, bán không ai mua, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp cũng không được..>> Chi tiết

Sôi động lãnh đạo và “người nhà” mua cổ phiếu

Thông tin cổ đông nội bộ và người có liên quan tấp nập mua vào đang đỡ giá cho nhiều cổ phiếu trong giai đoạn thị trường điều chỉnh..>> Chi tiết

Chính phủ chi trả nợ gần 86.000 tỷ đồng từ đầu năm

Ước tính giá trị chi trả nợ của Chính phủ trong tháng 5/2018 là 7.903 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đầu năm là 85.817 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 65.727 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 20.089 tỷ đồng..>> Chi tiết

USD mạnh hơn, nhưng các thị trường mới nổi châu Á vẫn ổn

Đồng USD vừa có tuần tuyệt vời nhất kể từ năm 2016, với chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh tăng 1,6% sau động thái tăng lãi suất của Fed. Đây rõ ràng không phải thông tin tích cực đối với các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, tại châu Á, các quốc gia mới nổi vẫn đang làm rất tốt..>> Chi tiết

Tin bài liên quan