Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường tài chính 24h: Vững bước đi lên

(ĐTCK) VN-Index cố gắng thử thách luôn ngưỡng 1.140 điểm; Kế hoạch lợi nhuận, có ngân hàng phải tính thêm rủi ro nợ xấu; Dòng tiền ngô nghê chăng?; Mạnh tay xử lý doanh nghiệp chây ỳ công bố thông tin; Chứng quyền mua: Cơ hội lãi lớn, còn lỗ giới hạn; Một công ty Trung Quốc bị phạt 870 triệu USD do thao túng giá cổ phiếu; Nhà đầu tư Nhật “bó tay” với diễn biến thị trường chứng khoán....là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index giữ đà tăng

Trong phiên sáng, với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, VN-Index tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 1.140 điểm, nhưng sau đó chịu áp lực chốt lời nên hạ nhiệt.

Chỉ số này giằng co quanh ngưỡng 1.138 điểm khi sự phân hóa diễn ra trong nhóm bluechip.

Trong phiên chiều, VN-Index một lần nữa chinh phục lại ngưỡng 1.140 điểm, nhưng cũng giống như 2 lần ở phiên sáng, áp lực chốt lời gia tăng, đẩy chỉ thoái lui trở lại.

Áp lực chốt lời đã xuất hiện tại nhóm ngân hàng, đẩy nhiều mã quay đầu như CTG, STB, BID, khiến VN-Index bị đẩy lùi mạnh hơn.

Bất ngờ thị trường lại nhận được sự hỗ trợ đắc lực của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là VNM, VCB và GAS, giúp chỉ số trở lại vào cuối phiên và đóng cửa tiếp tục có sắc xanh.

STB giảm 0,31%, xuống 16.050 đồng; CTG cũng giảm 0,42%, xuống 35.550 đồng, BID cũng quay đầu giảm 0,51%, xuống 39.000 đồng.

VIC (-0,1%, xuống 102.500 đồng), SAB (-1,11%, xuống 214.600 đồng), VRE (-4,12%, xuống 53.500 đồng), MSN (-1,05%, xuống 94.000 đồng).

VCB lại giữ được đà tăng 2,5%, lên 73.800 đồng. VNM cũng bất ngờ đảo chiều tăng 1,43%, lên 213.000 đồng. GAS tăng 2,78%, lên 118.200 đồng.

Cũng có sắc xanh như VCB trong nhóm ngân hàng còn có VPB tăng 0,47%, lên 64.500 đồng; MBB tăng 0,29%, lên 34.800 đồng, HDB tăng 4,02%, lên 44.000 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu khác, SBT tiếp tục khởi sắc, tăng 6,34%, lên 19.300 đồng.

Với nhóm cổ phiếu nhỏ, HAG và FLC có giao dịch khá sôi động với trên dưới 10 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi IDI chịu áp lực chốt lời, giảm 4,64%, xuống 15.400 đồng. ASM vẫn tăng 4,63%, lên 11.300 đồng.

Các mã nhỏ khác nổi sóng trong phiên hôm nay phải kể đến QCG, đôi lúc là HAR, FIT, FTM, TLD, NVT, CEE, C47, RIC, VID…

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại  bán ròng gần 2,5 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 215,81 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 157.251 đơn vị, nhưng tổng giá trị là bán ròng 15,65 tỷ đồng. 

Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng hơn 1,52 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 38,66 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/3: VN-Index tăng 4,78 điểm (+0,42%), lên 1.138,09 điểm; HNX-Index tăng 0,77 điểm (+0,59%), lên 130,43 điểm; UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,06%), lên 61,29 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 8.910 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Trong phiên thứ Ba, phố Wall tiếp tục giảm điểm khi giới đầu tư sững sờ với việc ông Trump bất ngờ thay thế ngoại trưởng.

Theo đó, ông Mike Pompeo, Giám đốc CIA sẽ thay thế ông Rex Tillerson giữ chức Ngoại trưởng Mỹ.

Công bố của ông Trump đưa ra trên twitter 2 tiếng trước khi ông Tillerson về tới Washington sau chuyến công du châu Phi. Không chỉ thế, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề công Bộ Ngoại giao Mỹ Steve Goldstein cũng bị ông Trump sa thải.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh, cùng với nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo giá dầu và việc ông Trump tuyên bố đánh thuế tới 60 tỷ USD với các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là công nghệ, viễn thông cũng góp phần khiến phố Wall giảm mạnh hơn.

Trong đó, sau khi đi ngược xu hướng và thiết lập đỉnh cao mới, Nasdaq đã có phiên giảm mạnh hơn 1% trong ngày thứ Ba.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Dow Jones giảm 171,58 điểm (-0,68%), xuống 25.007,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,71 điểm (-0,64%), xuống 2.765,31 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 77,31 (-1,02%), xuống 7.511,01 điểm.

Thị trường châu Á

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm nhẹ, kết thúc chuỗi 4  phiên liên tiếp tăng, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump sa thải Bộ trưởng Ngoại giao và đang theo dõi mức thâm hụt thương mại khổng lồ đối với Trung Quốc.

Chỉ số Nikkei 255 giảm 0,9% xuống còn 21.777,29 điểm, nhưng vẫn ở trên mức trung bình 25 ngày là 21.672,57 điểm.

Topix giảm hơn 0,5% xuống còn 1.743,21 điểm, trong đó có tới  28 trên 33 tiểu ngành theo dõi đã giảm.

Khối lượng giao dịch cũng giảm, chỉ có 1,15 tỷ cổ phiếu giao dịch, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12.

Trong một động thái mới, ông Trump đang tìm cách áp đặt mức thuế lên đến 60 tỷ USD cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc và sẽ nhắm mục tiêu vào lĩnh vực công nghệ và viễn thông.

Trên sàn Tokyo, các nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm những cổ phiếu rẻ trong nhóm cổ phiếu liên quan đến thiết bị phòng thủ quốc phòng, bởi dự đoán Tân Ngoại trưởng Mỹ là người hiếu chiến có thể sẽ gây căng thẳng lớn hơn đối với vấn đề Triền Tiên.

Ishikawa Seisakusho tăng 7%, Howa Machinery tăng 5,8% và Shigematsu Works tăng 1,6%.

Các mã cổ phiếu liên quan đến chip mất điểm, với Advantest mất 2,2% trong khi đó Sumco và Tokyo Electron đều giảm 1,9%.

Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm, do thông tin từ việc Mỹ có thể áp thuế lớn đối với các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực công nghệ, viễn thông.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,6% xuống 3.291,38 điểm. Chỉ số CSI300 bluechips giảm 0,4% xuống 4.073,34 điểm.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng nhanh hơn dự kiến vào đầu năm, cho thấy nền kinh tế có thể sẽ tăng trưởng đúng hướng ngay cả khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chuẩn bị mức thuế cao đối với một trong những động lực tăng trưởng lớn của Trung Quốc là ngành công nghệ.

Ông Trump đang tìm cách áp đặt thuế lên tới 60 tỷ USD Mỹ cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong tương lai gần và sẽ nhắm tới các ngành công nghệ và viễn thông, Reuters đưa ra hôm thứ Ba.

Thông tin này đã khiến chỉ số ChiNextp của công ty khởi nghiệp công nghệ cao giảm 1,7%.

Các công ty viễn thông và công nghệ thông tin cũng mất điểm, với một chỉ số theo dõi các cổ phiếu telecomms lớn mất 1,2%.

Thông tin rúng động thị trường hôm nay là Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc cho biết, Tập đoàn trị giá 5,5 tỷ nhân dân tệ, Xiamen Beibadao đã thu lợi bất chính 945 triệu nhân dân tệ bằng cách sử dụng 300 tài khoản giao dịch để thao túng giá cổ phiếu của hai ngân hàng và một nhà sản xuất nhôm. Nhưng ủy ban này không đưa ra chi tiết về cáo buộc hình sự cụ thể nào.

Nhóm cổ phiếu tăng điểm lớn nhấ hôm nay là Liuzhou Liangmianzhen Co Ltd, tăng 10,09%, Beijing Dynamic Power Co Ltd, tăng 10% và Huaxin Cement Co Ltd, tăng 8,68%.

Nhóm cổ phiếu mất điểm nhiều nhất là Shanghai Fukong Interactive Entertainment Co Ltd giảm 9,98%, Changshu Fengfan Power Equipment Co Ltd, giảm 9,97% và Yonyou Network Technology Co Ltd, giảm 9,72%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, cũng như Nhật Bản, đánh mất 4 phiên tăng liên tiếp, do lo ngại ngày càng tăng về cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,5% xuống 31.435,01 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,5% xuống 12.684,52 điểm.

Các nhà đầu tư nhận thấy dữ liệu tốt hơn dự kiến từ sản lượng công nghiệp của Trung Quốc mở rộng với tốc độ nhanh hơn đáng ngạc nhiên vào đầu năm. Đầu tư bất động sản cũng tăng mạnh, đánh bại các dự báo bi quan trước đó, trong khi doanh thu bán lẻ được cải thiện từ tháng 12.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 0.3%, ngành CNTT tăng 0,01%, tài chính giảm 0,93%, và bất động sản tăng 0,17%.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất hôm nay là Country Garden Holdings Co Ltd tăng 1,6%, trong khi giảm mạnh nhất là AAC Technologies Holdings Inc giảm 2,81%.

Nhóm cổ phiếu H tăng giá nhiều nhất là Xi măng Anhui Conchê tăng 3,61%, China Gas Holdings Ltd tăng 1,27% và Huaneng Power International Inc tăng 1,16%.

Nhóm cổ phiếu H giảm điểm lớn nhất là Chu Châu CRRC Times Electric Co Ltd giảm 2,63%, Chứng khoán Huatai giảm 2% và Ngân hàng Bưu điện Trung Quốc giảm 1,8%.

Kết thúc phiên 13/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 144,07 điểm (+0,66%), lên 21.968,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 7,12 điểm (+0,02%), lên 31.601,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,46 điểm (-0,49%), xuống 3.310,24 điểm.

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.790  đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 50.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,58 - 36,78 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.440 đồng/USD, giảm 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.720 - 22.790 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Kế hoạch lợi nhuận, có ngân hàng phải tính thêm rủi ro nợ xấu

Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng sẽ diễn ra rầm rộ trong quý tới và đây cũng là lúc các nhà băng hé lộ mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng năm 2018. So với năm 2017, nhiều nhà băng đưa ra kế hoạch lợi nhuận cao, song tính khả thi là điều cần cân nhắc..>> Chi tiết

Dòng tiền ngô nghê chăng?

Sau 11 năm kể từ ngày VN-Index đạt đỉnh 1.170,67 điểm, phiên giao dịch ngày 12/3/2018 diễn ra với tâm lý tích cực chờ đến đỉnh khiến VN-Index tiếp tục tăng nhẹ, đạt 1.126 điểm.

Thế nhưng, liệu nhà đầu tư có “say quá" với những cơn sóng thần về giá khi có nhiều mã không nhìn thấy sự thay đổi về chất, nhưng thị giá thì biến động khôn lường..>> Chi tiết

Mạnh tay xử lý doanh nghiệp chây ỳ công bố thông tin

Biện pháp xử lý hành chính, mức phạt tiền từ 5-15 triệu đồng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thi hành ngay đối với một loạt DN còn chây ỳ, hoặc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm công bố thông tin..>> Chi tiết

Chứng quyền mua: Cơ hội lãi lớn, còn lỗ giới hạn

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chuẩn bị đưa sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) vào giao dịch, ban đầu là loại chứng quyền mua, dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu niêm yết, thực hiện quyền kiểu châu Âu (thực hiện vào ngày đáo hạn) và có phương thức thanh toán bằng tiền..>> Chi tiết

Kinh tế quý I dự báo đạt mức tăng trưởng 6,23%

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế quý I/2018 có thể đạt mức 6,23%, tăng mạnh so với mức 5,15% của cùng kỳ năm ngoái..>> Chi tiết

Nhà đầu tư Nhật “bó tay” với diễn biến thị trường chứng khoán

Nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi mọi nghiên cứu, phân tích chứng khoán đều chỉ đáng ném qua cửa sổ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan