Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Thị trường tài chính 24h: Tiếc nuối

(ĐTCK) VN-Index mất ngưỡng 1.000 điểm đầy tiếc nuối; Nâng tỷ lệ an toàn vốn, nước đã đến chân (Bài 2); Hút vốn ngoại: Để cơ hội không vuột trôi; Doanh nghiệp chậm lên sàn: Sẽ truy trách nhiệm người lãnh đạo; Chứng khoán châu Á tiếp diễn thận trọng; Kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng chậm lại đáng kể trong năm nay...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index chưa thể giữ lại mốc 1.000 điểm

Nhận được thông tin hỗ trợ tích cực, bộ ba cổ phiếu họ Vingroup đã đua nhau tăng vọt trong phiên, giúp VN-Index vượt thành công mốc 1.000 điểm.

Trong phiên giao dịch chiều, áp lực bán xuất hiện đã nhanh chóng lấy đi niềm vui của thị trường khi VN-Index để mất ngưỡng 1.000 điểm. Thậm chí, còn để mất sắc xanh trong những phút cuối phiên.

Nếu trong phiên sáng, họ nhà Vin tăng tốt thì đóng cửa đà tăng đã thu hẹp, đặc biệt VHM chỉ còn + 0,2% lên 92.000 đồng, VRE giữ được sắc xanh.

Nhóm ngân hàng vẫn giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu với mức tăng giảm đều chưa tới 0,5%.

Một số mã lớn đã gia tăng gánh nặng lên thị trường như VNM giảm 0,9% xuống 139.700 đồng, SAB giảm 1,1% xuống 241.100 đồng, HPG giảm 2,6% xuống 34.100 đồng, GAS giảm 1% xuống 103.000 đồng, BVH giảm 1,4% xuống 96.600 đồng…

Nhiều mã thị trường vừa và nhỏ cũng chịu sức ép và quay đầu điều chỉnh. Trong đó, FLC giảm 1,8% xuống 5.550 đồng với hơn 14 triệu đơn vị khớp lệnh.

HSG giảm 3,9% xuống 9.200 đồng, HQC giảm 1,3% xuống 1.500 đồng; HAG giảm 1,3% xuống 6.070 đồng…DLG, SCR, DXG… cũng đều kết phiên trong sắc đỏ.

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 3,28 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 56,27 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 291.230 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 19,73 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại bán ròng 416.640 đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị vẫn là mua ròng 0,7 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 7/3: VN-Index giảm 0,46 điểm (-0,05%), xuống 994,03 điểm; HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,37%), lên 108,88 điểm; UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,34%), lên 56,25 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall tiếp tục có phiên sụt giảm trong ngày thứ Tư với mức giảm mạnh hơn nhiều so với các phiên trước đó.

Đà giảm của phố Wall trong phiên thứ Tư do tác động của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học và dược phẩm sau khi Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Scott Gottlieb bất ngờ từ chức.

Trong gần 2 năm dẫn dắt của Gottlieb, FDA đã nhiều lần nhanh chóng chấp thuận cho nhiều loại thuốc mới ra mắt thị trường, bao gồm cả các loại thuốc generic giá rẻ.

Ngoài ra, phố Wall còn chịu ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm và cổ phiếu Exxon Mobil khi công ty dầu khí cho biết họ có kế hoạch tăng chi tiêu trong vài năm để khôi phục sản xuất dầu và khí đốt.

Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư chờ đợi thông tin chính thức từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng là một lý do quan trọng khiến phố Wall liên tục điều chỉnh trong những phiên gần đây. Thông tin tích cực từ thỏa thuận này đưa ra trước đó đã giúp phố Wall tăng mạnh trước đó.

Bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) cho thấy, khu vực này tạo thêm 183.000 việc làm trong tháng 2, thấp hơn mức dự báo 187.500 việc làm của giới phân tích.

Tuy nhiên, ADP cũng thay đổi báo cáo tháng 1 tăng lên 300.000 việc làm từ mức 213.000 như công bố ban đầu. Thị trường đang chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu (8/3).

Kết thúc phiên 6/3, chỉ số Dow Jones giảm 133,17 điểm (-0,52%), xuống 25.673,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,20 điểm (-0,65%), xuống 2.771,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 70,44 điểm (-0,93%), xuống 7.505,92 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm ngày thứ 3 liên tiếp, khi nhóm cổ phiếu liên quan đến chip theo chân các đồng nghiệp trên phố Wall đêm qua suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,65% xuống 21.456,01 điểm. Topix giảm 0,84% xuống 1.601,66 điểm.

Cổ phiếu của các công ty công nghệ, chip bán dẫn của Nhật Bản đã chìm xuống khi chỉ số bán dẫn Philadelphia giảm trong ngày thứ hai liên tiếp. Theo đó, Awesomeest Corp giảm 2,4%, Tokyo Electron giảm 2,9% và Sumco Corp giảm 6,1%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng lùi bước sau khi Tập đoàn tài chính Mizuho giảm 86% triển vọng lợi nhuận cả năm do chi phí tái cấu trúc chiếm tới 680 tỷ yên (6 tỷ USD) tại các công ty môi giới và ngân hàng, cùng việc đại tu danh mục đầu tư chứng khoán.

Tập đoàn tài chính Mizuho mất 1,5%, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ giảm 1,6% và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui giảm 1,7%.

Cổ phiếu Renesas Electronics đã giảm 14,6% khi có tin nhà sản xuất chip ô tô đang lên kế hoạch tạm dừng sản xuất tại sáu nhà máy trong hai tháng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, sau khi Bộ trưởng Tài chính nước này nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách phục hồi tăng trưởng nền kinh tế bằng các biện pháp kích thích ồ ạt.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,14% lên 3.106,42 điểm. Tuy nhiên, chỉ số CSI300bluechip lại giảm 1,02% xuống 3.808,85 điểm.

Trong bình luận mới nhất, Bộ trưởng tài chính Trung Quốc cho biết, sẽ tránh nới lỏng tiền tệ mặc dù nền kinh tế đang chậm lại. Ông này cho biết thêm, chính sách tài khóa chủ động không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ mở một đợt kích thích tín dụng ồ ạt.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất là  Wintime Energy Co Ltd, tăng 10,13%; Sichuan Western Resources Holding Co Ltd, tăng 10,12% và Qinhuangdao Port Co Ltd, tăng 10,11%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất có Wingtech Technology Co Ltd, giảm 5,41%; Zhengjiang Huazheng New Material Co Ltd, mất 4,98% và Bestsun Energy Co Ltd, giảm 4,78%

Chưng khoán  Hồng Kông giảm do sự thận trọng của các nhà đầu tư đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,89% xuống 28.779,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,14% xuống 11.460,08 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 0,5%, ngành CNTT giảm 2,08%, tài chính giảm 0,89% và bất động sản giảm 0,38%.

Sự không chắc chắn về triển vọng chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng, sau khi ông Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc mặc dù đang diễn ra tốt đẹp, nhưng bỏ ngỏ khả không có thỏa thuận nào giữa thế giới hai nền kinh tế lớn nhất.

Bên cạnh đó, thông tin kém tích cực là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do cảnh báo tranh chấp thương mại gia tăng và sự không chắc chắn về kế hoạch Brexit.

Phiên hôm nay, cổ phiếu tăng tốt nhất sàn là Shenzhou International Group Holdings Ltd, tăng 2,25%, trong khi thua lỗ lớn nhất là Geely Cars Holdings Ltd, giảm 7,71%.

Nhóm cổ phiếu H tăng cao nhất có Shenzhou International Group Holdings Ltd tăng 2,25%; ZhongAn Online P & C Insurance Co Ltd, tăng 1,79% và Haitong Securities Co Ltd, tăng 1,69%

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm China Life Insurance Co Ltd, giảm 4,25%, CITIC Securities Co Ltd, giảm 4,1% và China Pacific Insurance Group Co Ltd, giảm 4,1%.

Kết thúc phiên 7/3: Chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 140,80 điểm (-0,65%), xuống 21.456,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,32 điểm (+0,14%), lên 3.106,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 258,15 điểm (-0,89%), xuống 28.779,45 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC đứng giá. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.260 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,45 - 36,64 triệu đồng/lượng, tiếp tục không  đổi so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.940 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.150 - 23.260 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nâng tỷ lệ an toàn vốn, nước đã đến chân (Bài 2): Ép tăng vốn, ngân hàng lộ “gót chân Asin”

Năng lực tài chính, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đã có nhiều cải thiện, song vẫn tiềm ẩn rủi ro và khi buộc phải tính đúng, tính đủ những rủi ro này theo chuẩn Basel 2, đòi hỏi các nhà băng phải tăng thêm vốn đáng kể để bù đắp..>> Chi tiết

Hút vốn ngoại: Để cơ hội không vuột trôi

Với sự quan tâm của cả thế giới tại Hội nghị Thưởng đỉnh Mỹ - Triều, TTCK Việt Nam phải làm gì để thu hút dòng vốn ngoại mạnh mẽ từ nước ngoài?..>> Chi tiết

Doanh nghiệp chậm lên sàn: Sẽ truy trách nhiệm người lãnh đạo

Kể từ thời điểm Ủy ban Chứng khoán lần đầu tiên công khai 403 công ty đại chúng, trong đó có 218 doanh nghiệp hình thành từ hậu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn vào giữa tháng 1/2019, đến nay, cơ quan này đã tiến hành xử phạt một số doanh nghiệp vi phạm..>> Chi tiết

Cơ hội cho một nền kinh tế ngàn tỷ USD

Việc Việt Nam quyết tâm xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được cho là một cú hích quan trọng và là cơ hội tuyệt vời để nhảy vọt, trở thành một nền kinh tế ngàn tỷ USD..>> Chi tiết

Kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng chậm lại đáng kể trong năm nay

Chủ tịch chi nhánh Fed tại bang New York John Williams nhận định kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2019, khi lực đẩy từ các biện pháp kích thích yếu đi dần..>> Chi tiết

Tin bài liên quan