Thị trường tài chính 24h: Thận trọng chờ tin

Thị trường tài chính 24h: Thận trọng chờ tin

(ĐTCK) VN-Index bị đẩy lui về ngưỡng 930 điểm; Nhiều ngân hàng gọi vốn thành công qua kênh trái phiếu; Mở dòng tiền margin cho UPCoM, bao giờ?'; Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất 2018 (Kỳ 1); Vốn ngoại vào Việt Nam: Thu hút dòng vốn dài hạn; Chứng khoán châu Á ảm đạm với thanh khoản thấp; Nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc mất 2.000 tỷ USD năm 2018...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index lao dốc

Phiên sáng, dòng tiền thận trọng trong khi áp lực bán tập trung vào các bluechip khiến thị trường giằng co và mất điểm.

Trước những dữ liệu kém tích cực của kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và châu Âu, cũng như bất ổn liên quan đến Brexit và khả năng Fed tăng lãi khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng trở nên bất an.

Ngay khi bước vào phiên chiều, lực bán ồ ạt đã được tung vào thị trường, đẩy các chỉ số chính lao dốc. VN-Index nhanh chóng để mất mốc 945 điểm khi đóng cửa.

Trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất hầu hết đều giảm khá mạnh, chỉ ngoại trừ SAB đứng giá tham chiếu.

Còn lại: VIC giảm 0,2% xuống 102.500 đồng, VHM giảm 2,9% xuống 77.500 đồng, VNM giảm 0,8% xuống 133.900 đồng, VCB giảm 3% xuống 54.800 đồng, GAS giảm 2,9% xuống 93.000 đồng, BID giảm 2,1% xuống 33.200 đồng, TCB giảm 4,4% xuống 27.400 đồng, MSN giảm 4,1% xuống 82.000 đồng, CTG giảm 3,1% xuống 21.650 đồng.

Các mã ngân hàng khác như MBB, VPB, HDB, STB cũng đều giảm hơn 2-3% hay dầu khí như PLX giảm 5% xuống 57.000 đồng…

Ngoại trừ các mã trên, trong nhóm VN30 cũng chỉ còn 2 mã tăng là DHG và PNJ, 2 mã đứng giá là SAB và KDC, còn lại

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi FLC và ITA cũng bị ảnh hưởng và thu hẹp đà tăng. FLC tăng 1,68% lên 5.460 đồng với khối lượng khớp 11,65 triệu đơn vị; ITA tăng 4,84% lên 3.250 đồng và khớp gần 11 triệu đơn vị.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 1,23 triệu đơn vị. Tổng giá trị là bán ròng 9,57 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 382.356 đơn vị. Tổng giá trị là mua ròng 1,49 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 156.204 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 10,29 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/12: VN-Index giảm 18,39 điểm (-1,93%), xuống 933,65 điểm; HNX-Index giảm 1,64 điểm (-1,54%), xuống 105,01 điểm; UPCoM-Index giảm 0,63 điểm (-1,18%), xuống 52,84 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tháng 11 tăng trưởng với tốc độ yếu nhất kể từ năm 2003 và sản lượng công nghiệp tăng ít nhất trong gần ba năm do nhu cầu trong nước tiếp tục yếu đi.

Theo người phát ngôn của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, nước này vẫn đang trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 khoảng 6,5%, nhưng nền kinh tế phải đối mặt với nhiều bất ổn bên ngoài vào năm tới.

Trong khi đó, tại châu Âu, một cuộc khảo sát cho thấy, hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng Euro có tốc độ chậm nhất trong 4 năm do tốc độ tăng trưởng đơn hàng mới bị cạn kiệt, bị tổn thương bởi căng thẳng thương mại và các cuộc biểu tình bạo lực ở Pháp.

Một cuộc khảo sát riêng cho thấy, hoạt động kinh doanh của Pháp bất ngờ giảm mạnh trong tháng 12, sau khi đạt tốc độ nhanh nhất trong hơn 4 năm tháng trước do các cuộc biểu tình chống Chính phủ.

Trong khi đó, sự mở rộng khu vực tư nhân của Đức đã giảm xuống mức thấp trong 4 năm, cho thấy sự tăng trưởng trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sẽ yếu trong quý cuối cùng.

Hôm thứ Năm (13/12), Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Những dữ liệu kinh tế kém khả quan của châu Âu và Trung Quốc, cùng đà lao dốc của cổ phiếu Johnson & Johnson giảm 10,04%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2002, khiến phố Wall lao dốc trong phiên cuối tuần.

Trong khi đó, mặc dù dữ liệu toàn cầu yếu, dữ liệu của Mỹ vẫn ổn định và đồng USD mạnh lên, khi chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh vào tháng 11, trong khi sản xuất công nghiệp tăng trở lại và củng cố thêm kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 18-19 tháng 12.

Sau tuần giảm mạnh nhất  kể từ tháng 3/2018 trước đó, phố Wall tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 1,18%, S&P 500 giảm 1,26% và Nasdaq giảm 0,84%.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Dow Jones giảm 496,87 điểm (-2,02%), xuống 24.100,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 50,59 điểm (-1,91%), xuống 2.599,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 159,67 điểm (-2,26%), xuống 6.910,66 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản phục hồi nhẹ khi các nhà đầu tư bắt đáy nhóm cổ phiếu đã giảm sâu gần đây, nhưng đà tăng bị chặn lại khá nhiều bởi những lo ngại gia tăng về tăng trưởng toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng 0,6% lên 21.506,88 điểm. Topix chỉ tăng 0,1% lên 1.594,20 điểm.

Toru Ibayashi, Giám đốc điều hành của Wealth Management tại UBS Securities Nhật Bản cho biết, các nhà đầu tư vẫn thận trọng về các dấu hiệu giảm tốc của tăng trưởng toàn cầu và điều này được phản ảnh vào Topix, vốn có nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn có thể chịu tác động mạnh mẽ.

Phiên hôm nay, cổ phiếu máy móc và công nghệ đã phục hồi khá với Eclest Corp tăng 2,1%, Tokyo Electron và TDK Corp đều tăng 1,8%.

Giá dầu giảm đã nâng đỡ nhóm cổ phiếu tiện ích với hy vọng chi phí sẽ giảm. Theo đó, Tokyo Electric Power Co tăng 3% và Chubu Electric Power Co tăng 1,9%.

Ngược lại, cổ phiếu khai thác dầu đi xuống với ông lớn Inpex Corp đã giảm 1,7%.

Một số cổ phiếu đáng chú ý là Nishimatsuya Chain, mất 8,6% sau khi cắt giảm dự báo lợi nhuận ròng cả năm xuống 42% xuống còn 3,33 tỷ yên do doanh số bán quần áo trẻ em giảm.

Askul Corp đã giảm 6,5% sau khi lợi nhuận trước thuế giảm 54,5% so với năm ngoái xuống 958 triệu yên trong nửa đầu tháng 11 do chi phí giao hàng tăng trong bối cảnh thiếu lái xe.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, nhưng thanh khoản thấp trong bối cảnh giới đầu tư chờ đợi Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương trong tuần này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,16% lên 2.597,97 điểm. Tuy nhiên, chỉ số CSI300 bluechip lại giảm 0,15% xuống 3.161,20 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính tăng 0,12%, ngành tiêu dùng giảm 0,72%, bất động sản tăng 0,25% và y tế giảm 1,72%

Nhiều nhà đầu tư lo ngại khi giá nhà mới trung bình ở 70 thành phố lớn tại Trung Quốc chỉ tăng 0,9% trong tháng 11 so với tháng trước, và là mức thấp nhất kể từ tháng 9, mặc dù lĩnh vực bất động sản vẫn tương đối ổn định trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình vào thứ Ba trong cuộc họp nhằm vạch ra kế hoạch kinh tế và cải cách cho năm 2019 trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm trong tuần này.

Thông tin mới là Trung Quốc sẽ tạm dừng áp thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng do Mỹ sản xuất bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Theo đó, Một chỉ số theo dõi các công ty xe năng lượng mới đã giảm hơn 1,1%.

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất phiên hôm nay là Guangzhou Pearl River Industrial Development Co Ltd tăng 10,05%; Fuda Alloy Materials Co Ltd, tăng 10,01% và ARTS Group Co Ltd, tăng 10%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu gồm Jinzhou Jixiang Moly Co Ltd giảm 10,01%; WG Tech JiangXi Co Ltd mất 10% và WingTech Technology Co Ltd giảm 8,65%.

Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi và nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài trong bối cảnh chờ kết quả của các cuộc họp quan trọng trong tuần này tại Trung Quốc và Fed tại Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index gần như không đổi tại 26.087,98 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,1% xuống 10.351,81 điểm.

Phiên hôm nay, chỉ có khoảng 1,07 tỷ cổ phiếu được giao dịch, bằng 66,1% trung bình 30 ngày gần nhất của thị trường.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 0,7%, ngành CNTT giảm 0,15%, ngành tài chính giảm 0,07% và bất động sản giảm 0,05%.

Cổ phiếu tăng tốt nhất phiên hôm nay là WH Group Ltd, tăng 1,69%, trong khi thua lỗ lớn nhất là Geely Auto Holdings Ltd, giảm 2,62%.

Nhóm cổ phiếu H tăng cao nhất là China Tower Corp Ltd, tăng 2,94%; Guangdong Investment Ltd tăng hơn 1,74% và China Communications Construction Co Ltd, công ty đã kết thúc 1,45%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm Byd Co Ltd, giảm 4,37%; Air China Ltd, giảm hơn 2,8% ZhongAn Online P & C Insurance Co Ltd, giảm 2,6%.

Kết thúc phiên 17/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 132,05 điểm (+0,62%), lên 21.506,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,23 điểm (+0,16%), lên 2.597,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 6,81 điểm (-0,03%), xuống 26.087,98 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC đứng giá. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.360 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 30.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,25 - 36,45 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.783 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.270 - 23.360 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nhiều ngân hàng gọi vốn thành công qua kênh trái phiếu

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 11/2018, không ít ngân hàng thành công trong gọi vốn qua kênh trái phiếu..> Chi tiết

Mở dòng tiền margin cho UPCoM, bao giờ?

Để khắc phục tình trạng “4 k” kéo dài nhiều năm nay, ý kiến từ những người trong cuộc cho rằng, sau 10 năm phát triển, đây là thời điểm nhà quản lý cần “làm mới” sàn UPCoM để cải thiện sức hấp dẫn cho sàn này..>> Chi tiết

Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất 2018 (Kỳ 1): Cổ phiếu ngành thủy sản, dệt may thắng lớn

Điểm số chung của thị trường chứng khoán đang thấp hơn mức đầu năm, nhưng không ít cổ phiếu tăng giá mạnh, tập trung vào nhóm ngành dệt may, thủy sản, bất động sản…>> Chi tiết

Vốn ngoại vào Việt Nam: Thu hút dòng vốn dài hạn

1 tháng đầu năm nay, đã có gần 31 tỷ USD được đổ vào Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định, dòng vốn ngoại được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường trong thời gian tới, song điều quan trọng là thu hút được dòng vốn đầu tư dài hạn..>> Chi tiết

Kinh tế Việt Nam 2019 được dự báo có thể tăng hơn 7%

Nhiều ý kiến nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 có thể đạt tới 7%, thậm chí nếu quyết liệt cải cách thì tăng trưởng sẽ đạt mức kỷ lục 7,06%..>> Chi tiết

Nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc mất 2.000 tỷ USD năm 2018

Các nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc đã trải qua một năm 2018 với dồn dập các sự kiện mang lại tác động tiêu cực tới thị trường..>> Chi tiết

Tin bài liên quan