Thị trường tài chính 24h: Sinh nhật không trọn vẹn

Thị trường tài chính 24h: Sinh nhật không trọn vẹn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index mất hơn 10 điểm ngày đầu tuần; Cần luật hóa xử lý nợ xấu; Ký ức mở thị trường chứng khoán từ số 0; Nếu thể chế thị trường vẫn “méo”, thị trường chứng khoán khó… “tròn”; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao 7 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán; Chứng khoán Trung Quốc bật mạnh trở lại; Những thông tin nhà đầu tư cần chú ý trong tuần này...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 20/7 tăng 70.000 đồng/lượng chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 50,55 – 50,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 14,3 USD lên 1.810,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lình xình nhưng đã vượt lên trở lại ngưỡng 1.810 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York tăng 2,1 USD xuống 1.818,1 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,05% xuống 95,89 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.234 đồng, giảm 1 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.100 - 23.280 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,38 USD (-0,94%), xuống 40,21 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,37 USD (-0,86%), xuống 42,77 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index mất hơn 10 điểm trong ngày sinh nhật thị trường

Hôm nay (20/7) tròn 20 năm khai mở thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng nhiều nhà đầu tư lại không thể vui mừng, khi tâm lý thận trọng khiến thị trường giảm điểm từ sớm và duy trì sắc đỏ.

Bước vào phiên chiều, dù nỗ lực hồi phục, nhưng áp lực bán gia tăng, khiến VN-Index đánh mất hơn 10 điểm khi đóng cửa.

Toàn bộ các cổ phiếu lớn giảm, trong giảm trên dưới 2% có BID, HPG, MSN, VRE, PLX, BVH. Các mã giảm trên dưới 1,5% có VIC, VHM, GAS, CTG, VJC, VPB, MBB, FPT, POW, STB, PNJ.

Trong các mã thị trường, ITA duy trì được sắc +4,48%, khớp hơn 13,8 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường.

Đóng cửa tăng giá có SZC, DAH, GTN, HHS, OGC, TTF…, đặc biệt là DAH có biến động giá rất lớn, từ sàn lên trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2,05 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 1,21 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 20/7: VN-Index giảm 10,62 điểm (-1,22%), xuống 861,4 điểm; HNX-Index giảm 1,09 điểm (-0,93%), xuống 115,72 điểm; UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,48%), xuống 57,29 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Trong phiên cuối tuần, Dow Jones giảm điểm khi một số mã lớn trong rổ giảm giá, trong khi kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế lớn hơn giúp S&P và Nasdaq tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần.

Tuy nhiên, phiên tăng nhẹ cuối tuần không thể giúp Nasdaq tránh khỏi tuần điều chỉnh sau nhiều tuần thăng hoa do lực chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong khi đó, Dow Jones và S&P có tuần tăng thứ 3 liên tiếp nhờ các thông tin tích cực về vắc-xin.

Trong tuần, Dow Jones tăng 2,29%, S&P tăng 1,25%, còn Nasdaq giảm 1,08%.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Dow Jones giảm 62,76 điểm (-0,23%), xuống 26.671,95 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,16 điểm (+0,28%), lên 3.224,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 29,36 điểm (+0,28%), lên 10.503,19 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ lên trên tham chiếu vào cuối phiên, với kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương sẽ triển khai việc mua cổ phiếu của các ETF để bù đắp cho tổn thất gây ra từ dữ liệu xuất khẩu yếu kém.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,09% lên 22.717,48 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,2% lên 1.577,03 điểm.

Dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm 26,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, con số này lớn hơn mức giảm 24,9% mà các nhà kinh tế dự báo.

Do đó, giới đầu tư suy đoán rằng Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) sẽ thực hiện việc mua vào mua các quỹ ETF để hỗ trợ thị trường.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô định hướng xuất khẩu hoạt động kém, với Suzuki Motor Corp giảm 3,64%, Nissan Motor Co Ltd và Mitsubishi Motors Corp lần lượt giảm 3% và 1,77%.

Ở chiều ngược lại, Fujitsu Ltd tăng 3,96% sau khi nhật báo Nikkei đưa tin rằng, chính phủ Anh ưu tiên Fujitsu và NEC Corp trở thành nhà cung cấp mạng 5G thay thế cho Huawei.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, dẫn đầu bởi các công ty tài chính, sau khi cơ quan quản lý ủng hộ thị trường bằng cách nâng giới hạn đầu tư vốn cho các công ty bảo hiểm và khuyến khích M&A trong ngành môi giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 3,11% lên 3.314,15 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 2,98% lên 4.680,30 điểm.

Dẫn đầu mức tăng là chỉ số theo dõi ngành tài chính tăng 4,3%, sau khi cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc cho biết, sẽ cho phép các công ty bảo hiểm vốn nhà nước tăng vốn đầu tư cổ phần.

Các công ty chứng khoán cũng tăng điểm, với chỉ số theo dõi vọt 5,2%, do cơ quan quản lý khuyến khích M&A trong ngành.

Chứng khoán Hồng Kông thu hẹp được đà giảm, khi tổn thất do tâm lý bởi dịch Covid-19 tăng đã được bù đắp phần nào bởi đà tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,12% xuống 25.057,99 điểm.Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,9 % lên 10.295,32 điểm.

Các nhà đầu tư Đại lục đã tiếp tục trạng thái mua ròng với lượng cổ phiếu Hồng Kông trị giá 6 tỷ nhân dân tệ (858,42 triệu USD) vào thứ Hai thông qua chương trình kết nối giữa Thành phố và Đại lục.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do ảnh hưởng từ các cuộc đàm phán bế tắc ở châu Âu về gói kích thích phục hồi kinh tế.

Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến dữ liệu xuất khẩu 20 ngày và dữ liệu GDP quý II của Hàn Quốc trong tuần này, Na Jeong-hwan, nhà phân tích của DS Investment & Securities cho biết.

Kết thúc phiên 20/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 21,06 điểm (+0,09%), lên 22.717,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 100,02 điểm (+3,11%), lên 3.314,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 31,18 điểm (-0,12%), xuống 25.057,99 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 2,99 điểm (-0,14%), xuống 2.198,20 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Cần luật hóa xử lý nợ xấu

Đến nay, vẫn chưa có ngân hàng nào được tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo..>> Chi tiết

Ký ức mở thị trường chứng khoán từ số 0

Khởi đầu từ con số 0, Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế..>> Chi tiết

Nếu thể chế thị trường vẫn “méo”, thị trường chứng khoán khó… “tròn”

Nếu thể chế thị trường vẫn méo mó, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường chứng khoán sẽ khó phát triển..>> Chi tiết

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao 7 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán

Chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những nhiệm vụ Thủ tướng đặt ra với ngành chứng khoán..>> Chi tiết

Những thông tin nhà đầu tư cần chú ý trong tuần này

Các nhà đầu tư sẽ đón nhận thông tin về lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp, cuộc tranh luận ở Washington xung quanh các gói kích thích kinh tế tiếp theo...>> Chi tiết

Tin bài liên quan