Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Thị trường tài chính 24h: Rụt rè

(ĐTCK) VN-Index chưa thể lấy lại mốc 900 điểm; Nửa đầu năm, lĩnh vực nào mang lãi lớn cho ngân hàng?; Khoảng tối mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên; Chứng khoán phái sinh: Nhiều điểm nghẽn vẫn hút vốn mạnh; Doanh nghiệp quân đội đổ bộ sàn UPCoM; Chứng khoán Châu Á phục hồi khá tốt sau phiên bán tháo hôm qua; Trung Quốc “sốc” trước đòn thương mại 200 tỷ USD của Mỹ...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index tăng nhẹ

Diễn biến không mấy tích cực từ TTCK thế giới do lo ngại về chiến tranh thương mại leo thang, cộng với dư âm từ phiên giảm điểm mạnh hôm qua khiến VN-Index tiếp tục lùi về 885 điểm trong phiên sáng nay.

Tại đây, chỉ số dần hồi phục khi lượng cung giá thấp đã cạn và kết phiên tăng gần 7 điểm.

Sắc xanh tiếp tục được duy trì trong phiên chiều nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng khi nhiều mã hồi phục tích cực. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm lại do lực cầu quá yếu. 

Việc thị trường hồi trở lại đi kèm với thanh khoản thấp khiến cho nhà đầu tư lo hơn mừng. Bởi với sức cầu yếu, chỉ cần lực cung đủ mạnh sẽ VN-Index giảm mạnh trở lại bất kỳ lúc nào. 

Nhóm ngân hàng ngoại trừ TPB giảm điểm, EIB đứng giá, còn lại đều tăng điểm với VCB tăng 2,3% lên 52.400 đồng; CTG tăng 4,3% lên 21.800 đồng; BID tăng 4% lên 23.000 đồng; TCB tăng 1% lên 26.000 đồng; MBB tăng 4,1% lên 20.200 đồng; VPB tăng 1,7% lên 26.350 đồng; HDB tăng 0,6% lên 33.000 đồng; STB tăng 1,5% lên 10.150 đồng.

Nhiều cổ phiếu đầu ngành khác như VHM, GAS, VNM, SSI, HSG, BVH, SBT... cũng đều tăng điểm để hỗ trợ chỉ số. Dù vậy, thanh khoản của đa phần các cổ phiếu này khá yếu.

Ở chiều ngược lại, VIC, SAB, PLX, HPG, VJC, FPT, KDC, REE... đều giảm. Trong đó, HPG giảm 1,9% về 33.750 đồng, khớp lệnh 3,3 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh cũng chiếm ưu thế khi FLC, HAG, HNG, HQC, SCR, HAI, QCG, HHS... đồng loạt tăng điểm. Trong đó, FCL dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với 5,17 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 1,62 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 64,26 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 88.253 đơn vị, nhưng tổng giá trị lại là mua ròng gần 0,8 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 14.095 đơn vị, giá trị mua ròng 0,74 tỷ đồng. 

Kết thúc phiên giao dịch 12/7: VN-Index tăng 5,35 điểm (+0,6%), lên 898,51 điểm; HNX-Index tăng 1,91 điểm (+1,94%), lên 100,43 điểm; UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,11%), xuống 48,82 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn  2.948 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Sau 4 phiên hồi phục tích cực với kỳ vọng vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II khả quan, phố Wall đã đồng loạt quay đầu giảm khá mạnh trong phiên thứ Tư khi nỗi lo chiến tranh thương mại một lần nữa trở lại sau khi Mỹ công bố thêm danh sách hàng hóa của Trung Quốc bị đánh thuế 10% trị giá 200 tỷ USD bắt đầu tư tháng 9.

Tuyên bố này của Mỹ khiến Trung Quốc “bị sốc” và có thể làm leo thang thêm cuộc chiến thương mại giữa 2 nước. Trước đó, 2 bên đã “nổ phát súng” đầu tiên từ 6/7 với khoản thuế 25% áp cho số lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD.

Thậm chí, Mỹ còn có ý định đánh thuế đối với danh mục hàng hóa trị giá 500 tỷ USD của Trung Quốc trong thời gian tiếp theo.

Dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ vừa công bố cho thấy, chỉ số giá sản xuất trong tháng 6 tăng 0,3% so với tháng 5, nhưng dữ liệu này không tác động tới thị trường khi nỗi lo chiến tranh thương mại đang bao trùm giới đầu tư.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones giảm 219,21 điểm (-0,88%), xuống 24.700,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,82 điểm (-0,71%), xuống 2.774,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 42,59 điểm (-0,55%), xuống 7.716,61 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục khi đồng Yên yếu đi đã tạm thời trì hoãn các lo ngại về chiến tranh thương mại leo thang.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 tăng gần 1,2% lên 22.187,96 điểm Topix tăng 0,5% lên 1.709,68 điểm.

Đồng USD đã tăng 0,3% lên 112,29 Yên/USD, vượt qua ngưỡng 112 Yên/USD lần đầu tiên kể từ ngày 10/1.

Một đồng Yên yếu đã kích hoạt dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu phòng thủ như Dược và hàng tiêu dùng với Kikkoman Corp tăng 3,5%; Asahi Group Holdings tăng 2,3% và Eisai Co tăng thêm 8%.

Takuya Takahashi, nhà chiến lược của Daiwa Securities cho biết: “Các công ty ít bị tác động từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã thu hút lực mua, do các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trước nỗi lo về thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh hôm thứ Tư cùng với sự trượt dốc trên thị trường chứng khoán toàn cầu sau khi Mỹ đe dọa áp đặt thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Phiên hôm nay, SoftBank tăng 6,4%, và là phiên thứ 10 liên tiếp tăng sau khi một nguồn tin cho biết quỹ đầu tư của Mỹ Tiger Global đã mua vào một lượng cổ phần trị giá hơn 1 tỷ USD. Cổ phiếu này đã đóng góp 63 điểm tích cực cho Nikkei 255.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, bất chấp rủi ro căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ và đồng Nhân dân tệ lùi bước.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,2% lên 2.837,66 điểm sau khi mất 1,8% phiên hôm qua.

Chỉ số CSI300 bluechip cũng tăng 2,2% lên 3.481,06 điểm sau khi giảm 1,7% ngày hôm trước.

Hôm thứ Tư, Bắc Kinh cáo buộc Washington 'bắt nạt' và cảnh báo rằng sẽ đáp trả sau khi Mỹ đe dọa áp thuế 10% lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Zhang Quan, nhà phân tích của công ty chứng khoán Huaan cho biết: “Áp lực bán đang cạn kiệt và chúng tôi tin rằng thị trường đang tốt dần lên nhờ vào định giá thấp và những trấn an từ các nhà hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, việc tăng điểm mạnh hôm nay chủ yếu được nhìn nhận là sự phục hồi kỹ thuật sau đợt bán tháo nặng nề trước đó, và  tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá hoang mang”. Zhang nói thêm.

Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá cố định hàng ngày ở mức 6,676 Nhân dân tệ/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 18/8/2017.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, với điểm nhấn cổ phiếu ZTE tăng 23%.

Đóng cửa, Hang Seng-Iindex tăng 0,6% lên 28.480,83 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,89% lên 10.752,86 điểm.

Nhóm cổ phiếu các công ty Bảo hiểm Trung Quốc vọt lên China Ping An tăng 0,78%; China Pacific Insurance tăng 2,05%; China Taiping tăng 2,14%; China Life Insurance tăng 0,92%; Xinhua Insurance tăng 3,19%.

Cổ phiếu Yangtze Optical Fibre, nhà cung cấp cáp quang lớn nhất thế giới tăng 8,6%, sau khi Mỹ và ZTE ký thỏa thuận mở đường tiếp tục kinh doanh các nhà cung cấp của Mỹ.

ZTE Corp đã tăng 23% trong phiên hôm nay, sau khi mất khoảng 59% giá trị kể từ tháng 11 năm ngoái do lệnh cấm từ Mỹ.

Kết thúc phiên 12/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 255,75 điểm (+1,17%), lên 22.187,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 169,14 điểm (+0,60%), lên 28.480,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 59,89 điểm (+2,16%), lên 2.837,66 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC đứng giá. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.075 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 40.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,79 - 36,99 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.652 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.005 - 23.075 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nửa đầu năm, lĩnh vực nào mang lãi lớn cho ngân hàng?

Hai quý đầu năm, không ít nhà băng đạt con số lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, hoàn thành trên 50% kế hoạch năm 2018 nhờ tín dụng cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng…>> Chi tiết

Khoảng tối mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên

VN-Index lại sụt giảm rất mạnh trong quý II/2018 - quãng thời gian thị trường "đói" thông tin hỗ trợ. Bởi vậy, bước sang tháng 7 - cũng là mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên, những thông tin tích cực của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo "cú huých" cho giá cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều "khoảng tối" ở phía trước..>> Chi tiết

Chứng khoán phái sinh: Nhiều điểm nghẽn vẫn hút vốn mạnh

6 tháng đầu năm 2018, theo HNX, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 98,34% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường, trong khi nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm 1,54% (tập trung chủ yếu vào hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán) và nhà đầu tư nước ngoài chỉ là 0,12%..>> Chi tiết

Doanh nghiệp quân đội đổ bộ sàn UPCoM

Trong thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp trực thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng liên tiếp lên sàn UPCoM sau khi cổ phần hóa..>> Chi tiết

Chưa tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng một lít

Đề xuất tăng kịch khung thuế môi trường từ ngày 1/10 của Chính phủ chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý..>> Chi tiết

Trung Quốc “sốc” trước đòn thương mại 200 tỷ USD của Mỹ

Bắc Kinh cho biết họ bị “sốc” khi Mỹ tuyên bố kế hoạch áp thuế suất 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, động thái được cho là tiếp tục làm leo thang căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan