Thị trường tài chính 24h: Nóng câu chuyện thưởng tết của ngân hàng

Thị trường tài chính 24h: Nóng câu chuyện thưởng tết của ngân hàng

(ĐTCK) VN-Idex tiếp tục bay cao; Thực hư chuyện thưởng tết “khủng” của các ngân hàng; Năm 2018, VN-Index có thể chạm đến 1.250 điểm; Nhà đầu tư mong cổ đông nhà nước “tất tay” thoái vốn; Điểm sáng bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản; Chứng khoán Mỹ bừng tỉnh; Quỹ đầu tư châu Á có dấu hiệu hồi sinh...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua. 

VN-Index lên trên 1.115 điểm

Áp lực bán xuất hiện ngay trong phiên sáng khiến thị trường co giật mạnh và chứng kiến màn lao dốc mạnh hơn 20 điểm chỉ trong hơn 10 phút giao dịch.

Nhóm cổ phiếu vua dù có chút phân hóa nhưng đã nhanh chóng lấy lại phong độ, cùng sự khởi sắc của một số mã bluechip khác, giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục mạnh.

Bước sang phiên chiều, lực bán vẫn khá lớn khiến sắc đỏ có phần chiếm ưu thế, tuy nhiên các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng.

Sau gần 1 giờ giao dịch, thị trường lại bất ngờ quay đầu đi xuống. Tuy nhiên, màn “co giật” này không quá mạnh như phiên sáng.

VN-Index sau khi bị đẩy lùi về sát mốc 1.110 điểm đã bật ngược trở lại dù đà tăng có phần chậm và không quá mạnh.

Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có SAB giảm 1,55%, còn lại đều khởi sắc, trong đó, đáng kể BID và MSN cùng được kéo lên mức giá trần.

VNM đã trở lại khi tăng 2,3%, khớp lệnh đạt 672.410 đơn vị.

Bên cạnh đó, lực cầu hấp thụ mạnh giúp dòng bank tiếp tục đóng vai trò là điểm tựa vững chắc cho thị trường.

VCB tăng 2,07%, khớp 2,62 triệu đơn vị; BID duy trì sắc tím, khớp 5,68 triệu đơn vị; CTG tăng 2,06%, khớp 8,63 triệu đơn vị; MBB tăng 6,06%, khớp 8,72 triệu đơn vị; STB tăng 1,95% với 22,85 triệu đơn vị được khớp lệnh.

GAS tăng 2,7%, ngoài ra MSN, VIC cũng chỉ còn tăng nhẹ.

Bên cạnh VJC “thất thủ”, một số mã lớn khác cũng chịu áp lực bán và giảm như SAB giảm 2,29%, HDB giảm 1,7%, VPB giảm 0,8% cùng PLX, MWG…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, SCR dù có chút rung lắc nhưng cũng đã hồi phục và đóng cửa tăng khá tốt hơn 4% khớp lệnh đạt 14,31 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau STB. 

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 11,13 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 454,13 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 246.858 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 3,7 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng 31.995 đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 1,29 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 26/1:  VN-Index tăng 11,07 điểm (+1%), lên 1.115,64 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,16%), lên 126,82 điểm; UPCoM-Index giảm 0,52 điểm (-0,87%), xuống 59,41 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 10.957 tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm trong sắc xanh khi đồng USD giảm sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin về việc ủng hộ đồng USD yếu và kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp vừa công bố.

Tuy nhiên, đà tăng sau đó đã bị hãm lại, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khi trả lại kênh CNBC tại Davos (Thụy Sĩ) cho biết, ông muốn thấy một đồng USD mạnh.

Đóng cửa, các chỉ số chính của phố Wall tiếp tục có sự trái chiều. Trong khi Dow Jones tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới và S&P 500 lấy lại hết những gì đã mất trong phiên trước đó, thì Nasdaq vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm rát khiêm tốn.

Kết thúc phiên 25/1, chỉ số Dow Jones tăng 140,67 điểm (+0,54%), lên 26.392,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,71 điểm (+0,06%), lên 2.839,25 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,89 điểm (-0,05%), xuống 7.411,16 điểm.

Trên thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản sụt giảm trong phiên chiều sau phiên sáng tăng mạnh, khi các nhà đầu tư vẫn tiếp tục chốt lời các cổ phiếu tài chính.

Chỉ số Nikkei255 giảm 0,2% xuống 23.631,88 điểm. Trong tuần, chỉ số này giảm 0,7%.

Ngành tài chính bị chốt lời với Mitsubishi UFJ đóng cửa giảm 1,5%, Dai-ichi Life Holdings giảm 1,6% và Nomura Holdings giảm 1%.

Trong phiên, cổ phiếu Fujitsu đã giảm 1,2% sau khi có thông tin về việc công ty sẽ bán mảng điện thoại của mình cho quỹ đầu tư Polaris Capital Group, với trị giá có thể là 50 tỷ yên (456 triệu USD).

Các cổ phiếu ngành khai khoáng cũng mất điểm với Inpex Corp giảm 1,9% và Japan Petroleum Exploration giảm 2,1%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ trở lại, và ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản và vận tải.

Shanghai Composite tăng 0,3% lên 3.559,09 điểm. Chỉ số CSI300 blue-chip tăng 0,37% lên 4.381,30 điểm. 

Trong tuần, SSEC tăng 2%, trong khi CSI300 tăng 2,3%.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính tăng 0,53%, ngành tiêu dùng tăng 0,83%, bất động sản tăng 1,24% và chăm sóc sức khỏe tăng 0,32%.

Nhóm cổ phiếu tăng điểm lớn nhất trong phiên là Harbin Air Conditioning Co Ltd tăng 9,94%, Heilan Home Co Ltd tăng 8,03% và Tập đoàn Zhuzhou Kibing tăng 6,58%.

Nhóm cổ phiếu thua cuộc lớn nhất gồm Xuất nhập khẩu Dệt may Nam Kinh giảm 9,97%, Shenghe Resources Holding Co Ltd giảm 5,11% và Jiangsu Protrulyent Technology Group Co Ltd giảm 5,1%.

Khoảng 22,27 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên sàn, bằng 119,2% trung bình 30 ngày gần nhất của thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh trở lại, trong bối cảnh có nhiều lạc quan về sự phục hồi kinh tế toàn cầu và dòng tiền vẫn đổ vào thành phố từ đại lục.

Hang Seng-Index tăng 1,53% lên 33.154,12 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,51% lên 13.723,96 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 0,3%, ngành CNTT tăng 2,37%, tài chính tăng 2,22%, và bất động sản tăng 1,27%.

Cổ phiếu tăng điểm lớn nhất phiên hôm nay là China Construction Bank Corp, tăng 6,07%, trong khi thua lỗ lớn nhất là Lenovo Group Ltd, giảm 1,27%.

3 cổ phiếu nhóm H tăng điểm mạnh nhát là  Postal Savings Bank of China tăng 6,41%, China Minsheng Banking Corp Ltd tăng 6,38% và China Construction Bank Corp tăng 6,07%.

3 cổ phiếu nhóm H mất điểm nhiều nhất gồm Sinopharm Group Co Ltd, giảm 0,74%, Great Wall Motor Co Ltd giảm 0,4% và CRRC Corp giảm 0,4%.

Khoảng 4,01 tỷ cổ phiếu đã được giao dịch trên sàn, bằng 179,7% trung bình 30 ngày gần nhất của thị trường.

Kết thúc phiên 26/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 37,61 điểm (-0,16%), xuống 23.631,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 499,67 điểm (+1,53%), lên 33.154,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,82 điểm (+0,28%), lên 3.558,13 điểm.

- Vàng SJC phục hồi nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.745 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 30.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,95 - 37,17 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.416 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.675 - 22.745 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Thực hư chuyện thưởng tết “khủng” của các ngân hàng

Báo lãi tăng đột biến, nhiều ngân hàng được “đoán già đoán non” sẽ thưởng lớn cho người lao động trong dịp tết này, nhất là khi thị trường râm ran thông tin một ngân hàng quyết định chia thưởng tới 7, 8 tháng lương. Nhưng, thực tế có phải như vậy?..>> Chi tiết

Năm 2018, VN-Index có thể chạm đến 1.250 điểm

KBSV dự báo, năm nay, lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết có thể đạt mức tăng trưởng 20%, đồng thời VN-Index sẽ tăng trưởng khoảng 22%, đạt mốc cao nhất ở 1.250 điểm và dừng quanh mức 1.200 điểm vào thời điểm cuối năm..>> Chi tiết

Nhà đầu tư mong cổ đông nhà nước “tất tay” thoái vốn

Nhiều đợt thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp năm 2017 thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, vẫn có những thương vụ thoái vốn rơi vào tình trạng ế ẩm..>> Chi tiết

Điểm sáng bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản

Năm 2017, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất động sản như LGL, NLG, LDG, PDR, DXG, TDH… tăng cao so với năm 2016..>> Chi tiết

Bánh kẹo đua giành “miếng bánh” 1,76 tỷ USD

Ngành bánh kẹo Việt những năm gần đây được đánh giá tăng trưởng chậm lại. Hai năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt khoảng 8-10%, thay vì 15-20% trong giai đoạn trước năm 2015 và 35% của giai đoạn 2006-2010..>> Chi tiết

Quỹ đầu tư châu Á có dấu hiệu hồi sinh

Trong năm 2017, các quỹ đầu tư mới tại châu Á đã giảm cả về số lượng và nhỏ hơn về kích cỡ. Cụ thể, ước tính có khoảng 37 quỹ đầu tư tập trung vào thị trường châu Á bắt đầu vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi Eurekahedge thu thập dữ liệu vào năm 2000..>> Chi tiết

Tin bài liên quan